.

Bình tĩnh, chủ động khống chế dịch tả lợn châu Phi

.
08:27, Thứ Năm, 20/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hiện đang ngày càng lan rộng. Tính đến ngày 16-6-2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 58 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 2,3 triệu con. Tại tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 19-6, đã xuất hiện 4 ổ dịch ở các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa và Lệ Thủy làm 195 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các cấp, các ngành tỉnh Quảng Bình đã và đang tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn, khống chế DTLCP lây lan ra diện rộng.

Ngăn chặn dịch lây lan

Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống DTLCP, tổ chức bao vây, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng.

Tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, sau khi phát hiện ổ DTLCP trên đàn lợn rừng lai ở xã Đức Hóa. UBND huyện đã chỉ đạo địa phương tiến hành tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh, đồng thời, khoanh vùng bị dịch uy hiếp trong phạm vi 3km và vùng đệm 10km để tiến hành cách ly, phun thuốc tiêu độc, khử trùng theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết, sau khi UBND huyện công bố DTLCP, xã đã nhanh chóng tổ chức triển khai kịch bản ứng phó với dịch theo đúng quy định.

Đồng thời, xã tuyên truyền người dân, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi và kinh doanh lợn không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa, tổng đàn lợn của huyện hiện có khoảng 30.000 con. Hiện, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung thực hiện nghiêm kế hoạch phòng chống, kịch bản cho các tình huống để khống chế dập tắt dịch.

Công tác phun tiêu độc khử trùng được các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, thường xuyên.
Công tác phun tiêu độc khử trùng được các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, thường xuyên.

Bên cạnh việc lập chốt kiểm dịch và tăng cường tuyên truyền, lực lượng chức năng huyện cũng đang đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh, mua bán sản phẩm thịt lợn tại các chợ trên địa bàn. Các ngành chuyên môn còn tích cực hướng dẫn các trang trại, gia trại phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, làm sạch môi trường chăn nuôi để hạn chế các mầm bệnh có thể gây ra cho đàn gia súc, gia cầm.

Tại huyện Lệ Thủy, để ngăn chặn dịch lây lan, huyện đã đặt 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở xã Thanh Thủy và 1 chốt ở xã Sen Thủy. Theo ghi nhận của phóng viên, công tác chống dịch trên địa bàn huyện đang diễn ra rất khẩn trương, nghiêm túc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Anh Nguyễn Quang Nghĩa ở thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc cho biết: “Trang trại nuôi lợn của gia đình tôi có vốn đầu tư 500 triệu đồng, hiện đang nuôi hàng trăm con lợn các loại. Trước tình hình DTLCP xuất hiện, tôi đã chủ động liên lệ với cán bộ thú y xã phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, nhập thức ăn có nguồn gốc rõ ràng và thường xuyên kiểm tra đàn lợn của mình”.

Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy cho hay: “Hiện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu xét nghiệm tại vùng uy hiếp dịch (Hồng Thủy, Cam Thủy, Ngư Thủy Bắc) để kiểm tra, có phương án phòng, chống dịch.

UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức họp các chủ trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ lợn, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi để thông báo tình hình bệnh dịch; ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc rõ ràng…".

Huyện Quảng Ninh vẫn chưa ghi nhận trường hợp bệnh DTLCP nào, nhưng nguy cơ phát sinh dịch là rất lớn. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Ông Ngô Đình Túc, cán bộ Nông nghiệp-Môi trường, xã Vạn Ninh cho biết, thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, huyện, xã Vạn Ninh đã thông báo cho người dân về tình hình dịch bệnh, đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp tiêm phòng, kiểm soát thức ăn chăn nuôi; nghiêm cấm người ngoài vào các khu chuồng trại…

Bên cạnh đó, Ban Thú y của xã phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y các thôn tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh; khi có lợn mắc bệnh hoặc nghi DTLCP sẽ báo ngay cho các đơn vị chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tại TX. Ba Đồn, các giải pháp phòng, chống DTLCP, như: lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng, tuyên truyền…, cũng đang được tích cực triển khai.

Đặc biệt, thị xã đã làm tốt công tác giám sát, xử lý việc vận chuyển lợn ra, vào địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng chức năng đã phát hiện và tiêu huỷ 46kg nội tạng từ lợn và 13 con lợn với trọng lượng 910kg không rõ nguồn gốc nhập vào địa bàn.

Ông Đinh Thiếu Sơn, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai đồng bộ kế hoạch ứng phó với DTLCP trên toàn địa bàn, đặc biệt đối với các xã có số lượng đàn lợn lớn, có Quốc lộ 1A và 12 đi qua.

Các địa phương, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về nhân lực và vật lực khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, như: hoá chất, vôi, máy múc, bạt, địa điểm tiêu hủy theo quy định.

Bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch

Cùng với công tác phòng, chống DTLCP, công tác tuyên truyền để người dân không quay lưng với chăn nuôi lợn, yên tâm sử dụng các sản phẩm thịt lợn sạch cũng là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

Các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ việc xuất, nhập thịt lợn tại các chợ, nhất là khu vực giáp ranh các tỉnh khác dọc tuyến đường chính đi qua địa bàn tỉnh. Các chốt kiểm dịch tạm thời cấp tỉnh, huyện thực hiện nghiêm công tác kiểm soát việc vận chuyển lợn nhập vào địa bàn, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Kết quả, từ ngày 29-4-2019 đến ngày 17-6-2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 6 trường hợp vi phạm pháp luật trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, với tổng số tiền 18,5 triệu đồng.

Bằng những biện pháp cụ thể, kịp thời của các ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, mua bán sản phẩm thịt lợn, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nên yên tâm sử dụng thịt lợn tại cơ sở giết mổ đạt yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và có kiểm soát của cơ quan thú y theo đúng quy định.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã khẳng định, DTLCP không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn.

Theo ông Phu, DTLCP có tác nhân gây bệnh là vi rút, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng cho biết, công tác kiểm soát an toàn dịch bệnh tại các lò mổ, các chợ được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Do đó, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng thịt lợn sạch, rõ nguồn gốc.

Nhóm P.V

,