.

Ấn tượng những công trình

.
07:50, Thứ Bảy, 15/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Năm 1989 trở về địa giới cũ, giao thông vận tải Quảng Bình (GTVTQB) vẫn nằm trong tình trạng trì trệ, ách tắc, hệ thống đường sá bị máy bay Mỹ phá hủy trong chiến tranh chưa được sửa chữa và khôi phục. Trước những thách thức ấy, ngành GTVTQB vừa tập trung hàn gắn, sửa chữa, vừa xây dựng mới, thực hiện GTVT đi trước một bước nhằm phục vụ đắc lực phát triển kinh tế và phục vụ đời sống dân sinh.
Năm 2005, cầu Nhật Lệ 1 hoàn thành đưa vào sử dụng, nối trung tâm thành phố Đồng Hới với xã Bảo Ninh. (Ảnh: Đ.V)
Năm 2005, cầu Nhật Lệ 1 hoàn thành đưa vào sử dụng, nối trung tâm thành phố Đồng Hới với xã Bảo Ninh. (Ảnh: Đ.V)
30 năm, làm sao kể hết những công trình GTVT được xây dựng trên địa bàn tỉnh. Xét cho cùng thì công trình nào cũng mang ý nghĩa phục vụ kinh tế-xã hội, để lại ấn tượng sâu đậm.
 
Chỉ tính riêng các công trình xây dựng do tỉnh quản lý cũng đã có nhiều công trình đáng được ngợi khen, nhưng trước hết xin nêu một số công trình đường bộ, đường biển và đường không.
 
Trước hết là công trình nâng cấp 5km (quốc lộ 1A) đoạn qua thành phố Đồng Hới. Vừa mới tách tỉnh, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn trăm bề, nhưng Sở GTVT đã nhanh chóng bắt tay vào thiết kế, thi công, mở rộng mặt đường 36m và cán đá đổ nhựa.
 
Sau hai năm thi công, năm 1991, công trình hoàn thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Lúc bây giờ, các tỉnh phía Bắc chưa có tỉnh nào có con đường cán đá đổ nhựa rộng tới 36m.
 
Với thành tích ấy, năm 1992, công trình nâng cấp 5km đường qua thành phố Đồng Hới được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (lúc bấy giờ, Nhà nước đang tạm dừng việc tặng thưởng Huân chương Lao động cho tập thể và cá nhân, chỉ xét những công trình xây dựng hoặc những sản phẩm đặc biệt).
 
Qua năm 1992, chiếc cầu vòm vượt đường sắt Thuận Lý được khởi công xây dựng. Đây là điểm vượt đường sắt gần chợ Ga Thuận Lý nên mật độ người và phương tiện vận tải qua lại thường xuyên, liên tục, thường gây ách tắc giao thông và xảy ra tai nạn chết người. Vì thế, việc xây dựng cầu vượt là bức thiết.
 
Cầu vượt có chiều dài 320m, rộng 13m, được thi công dầm móng bê tông cốt thép đúc và lao dầm chữ T có khẩu độ 18-21m. Sau hơn hai năm thi công, cầu được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1994, được đánh giá bảo đảm kỹ thuật và mỹ thuật. Đây là cầu vòm vượt đường sắt lớn nhất cả nước vào thời kỳ ấy.
 
Cùng trên địa bàn thành phố Đồng Hới, năm 2002, công trình xây dựng cầu Nhật Lệ 1 được khởi công. Cầu có chiều dài 636m, rộng 12m, dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng H13. Đây là chiếc cầu có khẩu độ dài nhất so với các cầu trên địa bàn tỉnh ta. Sau 3 năm thi công, đến năm 2005, cầu được khánh thành đưa vào sử dụng, nối trung tâm thành phố Đồng Hới với xã Bảo Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch nghĩ dưỡng, tắm biển, là một trong những mũi nhọn ưu tiên phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà.  
 
Sau mười năm (2002-2012), cầu Nhật Lệ 2 được khởi công xây dựng. Đây là công trình đường bộ cấp 1, có kết cấu nhịp chính cầu dây văng (hai nhịp đối xứng, chiều dài mỗi nhịp 150m) nhịp dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, tải trọng HL93, chiều dài cầu 512,9m, bề rộng 23,6m (gồm 4 làn xe cơ giới, dải an toàn và lề người bộ hành), tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đây là cầu dây văng thứ hai trong cả nước do Việt Nam thiết kế và thi công. Cầu Nhật Lệ 2 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Cầu Nhật Lệ 1 và cầu Nhật Lệ 2 bắc qua sông Nhật Lệ đã góp phần tô đẹp và nâng dáng vóc của một thành phố biển hiện đại.
 
30 năm qua, các tuyến đường huyện, thị, đường liên thôn, liên xã đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Đến nay, hầu hết các xã đã có đường cho xe cơ giới về đến tận xã, các điểm vượt sông, vượt suối được xây cầu vĩnh cửu, như: cầu Kiến Giang (Lệ Thủy), cầu Trung Quán (Quảng Ninh), cầu Văn Hóa, cầu Châu Hóa (Tuyên Hóa)... Nhưng trước hết phải nói đến cầu Quảng Hải, dài 661m (cầu Quảng Hải 1 dài 376m, cầu Quảng Hải 2 dài 285m) được khởi công năm 2003 và hoàn thành năm 2008, là công trình thi công trên nền địa chất rất phức tạp, trong quá trình thi công phải xử lý nhiều lần. Cầu thông xe nối liền trung tâm thị xã Ba Đồn với các xã vùng Nam, một vùng dân cư đông đúc, rộng lớn mà từ bao đời nay người dân hằng mơ ước có một chiếc cầu để qua sông không phải sợ đò.
 
Về đường biển, tỉnh ta có ba cảng biển (cảng Thắng Lợi-Thanh Khê, cảng Gianh và cảng  Hòn La). Trong ba cảng ấy, Hòn La là cảng biển tổng hợp được xây dựng mới hoàn toàn, đưa vào hoạt động từ năm 2008. Cảng Hòn La có diện tích 8,8ha, cầu cảng 215m, có năng lực đón tàu 20.000DWT, hiện tại đã tiếp nhận được tàu 10.000DWT. Cảng Hòn La với điều kiện tự nhiên nằm trong vịnh Hòn La rộng 9km, che chắn các hướng sóng và hướng gió chính trong năm.
 
Cảng cách quốc lộ 1A 3km, cách cửa khẩu Cha Lo 153km (theo quốc lộ 12A), cách Nhà máy xi măng Sông Gianh 40km, nằm giữa trung tâm hai cảng lớn là cảng Hải Phòng và cảng Đà Nẵng. Cảng Hòn La ra đời đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước cũng như thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển.
 
Cũng vào năm 2008, sau 4 năm xây dựng, sân bay Đồng Hới (Cảng hàng không Đồng Hới) được đưa vào khai thác. Đây là sân bay được thực dân Pháp xây dựng vào thập niên 1930, sau một thời gian dài không sử dụng đã bị phá hủy. Vào năm 2004 bắt đầu xây dựng lại, có công suất thiết kế 400.000 khách/năm.
 
Hiện nay, đã khai thác đường bay Đồng Hới-Hà Nội, Đồng Hới-Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, nhu cầu tăng trưởng vận tải, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
 
Rồi đây, có nhiều công trình GTVT trên địa bàn tỉnh ta sẽ được xây dựng hiện đại hơn, to đẹp hơn, nhưng những công trình này mãi mãi là niềm tự hào của ngành GTVT nói riêng và của nhân dân Quảng Bình nói chung.
 
Lại Thế Ái
,