.
Xã Kim Hóa:

Chủ động chuyển đổi cây trồng phù hợp

.
08:53, Thứ Sáu, 17/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau nhiều khó khăn khi hàng loạt diện tích cao su bị đổ gãy, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa đã chủ động tìm hướng đi mới từ việc chuyển đổi cây trồng phù hợp. Trong đó, điển hình có mô hình cây keo lai, cây ăn quả có múi, đem lại thu nhập ổn định cho bà con.

Những năm trước đây, cùng với xã Lê Hóa, Kim Hóa là địa phương có diện tích cao su lớn nhất nhì huyện Tuyên Hóa. Cây cao su được chính quyền cũng như người dân nơi đây xem như một trong những mũi nhọn để tạo sự đột phá mạnh mẽ về phát triển kinh tế. Nhiều người tiên phong đã đổi đời nhờ loại cây “vàng trắng” này. Vì hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2013, diện tích cao su ở Kim Hóa được trồng lên đến hơn 300ha.

Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì giá cao su đột ngột giảm mạnh, kéo dài liên tục trong nhiều năm làm cho người dân nơi đây “lao đao”. Một số hộ vay vốn ngân hàng để mở rộng diện tích nhưng giá mủ quá thấp, phải bỏ quê hương đi làm ăn xa để trả nợ... Không những vậy, nhiều diện tích cao su bị đổ gãy do bão, trong đó, phải kể đến cơn bão số 10 năm 2017.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương một mặt vận động người dân tiếp tục bảo vệ, chăm sóc các vườn cao su bị thiệt hại nhẹ, chờ giá cao su tăng trở lại, mặt khác khuyến khích các hộ có vườn bị gãy đổ nhiều chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập và tránh rủi ro do thiên tai. Hiện nay, toàn xã chỉ còn giữ lại hơn 30ha cây cao su, phần lớn người dân đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.

Là địa phương có diện tích vùng gò đồi rộng lớn, giao thông thuận tiện nên cây keo lai vẫn là cây trồng chủ lực của bà con Kim Hóa. Hiện nay, toàn xã có hơn 500ha cây keo, hiệu quả kinh tế từ loại cây này tăng rõ rệt, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Với 200 gốc bưởi Phúc Trạch, gia đình ông Nguyễn Văn Minh thu về hơn 500 triệu đồng trong năm 2018.
Với 200 gốc bưởi Phúc Trạch, gia đình ông Nguyễn Văn Minh thu về hơn 500 triệu đồng trong năm 2018.

Rừng keo lai sau khi khai thác được nhân dân trồng lại với nhiều đổi mới về kỹ thuật trồng cũng như giống cây nên năng suất cao hơn. Nhiều hộ gia đình làm giàu từ việc trồng keo lai lấy gỗ như hộ anh Trương Quang Sơn, Trần Văn Chinh thôn Kim Tân, Nguyễn Văn Quảng, thôn Kim Lũ 2…

Ngoài ra, mô hình trồng cam, bưởi của người dân cũng là hướng đi nhiều kỳ vọng. Từ diện tích cao su bị đổ gãy, bà con đã chuyển sang trồng cam, bưởi, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cây cao su. Đến nay, toàn xã đã có gần 14ha cam, bưởi. Điển hình có mô hình trồng bưởi của ông Nguyễn Văn Minh, thôn Kim Lũ 1.

Được biết, ông Minh đưa giống bưởi Phúc Trạch về trồng ở đất Kim Hóa hơn 15 năm trước. Mặc dù giống bưởi này vẫn cho quả to, ngọt nhưng năng suất lại thấp. Năm 2015, ông ra Hà Tĩnh tham quan mô hình bưởi Phúc Trạch. Ông quyết tâm học hỏi kỹ thuật trồng bưởi nơi đây bởi so sánh cùng diện tích, cùng lượng cây trồng nhưng vườn bưởi của họ cho thu về hơn 200 triệu/năm, nhưng vườn của ông thì chỉ được 12 triệu đồng/năm do cây lớn nhưng thưa trái, trái nhỏ.

Sau khi học hỏi được kỹ thuật trồng, chăm sóc, ông về áp dụng ngay tại vườn bưởi của mình. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt chú trọng đến việc thụ phấn cho hoa nên năm 2016, 2017, gia đình ông thu về gần 400 triệu đồng từ cây bưởi; năm 2018, từ 200 cây bưởi Phúc Trạch, gia đình ông thu về hơn 500 triệu.

Hiện nay, vườn bưởi của ông phát triển xanh tốt và năng suất cao, có những cây bưởi trên 300 quả, giá bán mỗi quả 25.000 đồng, một số gốc bưởi thương lái mua với giá 7 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm, ông còn chiết hàng nghìn cây giống bán cho nông dân tại địa phương cũng như các xã lân cận để nhân rộng mô hình, riêng gia đình ông đã nhân rộng thêm gần 3ha, cây đang chuẩn bị cho mùa quả đầu tiên.

Nhận thấy mô hình trồng bưởi Phúc Trạch của ông Minh hiệu quả, nhiều người dân địa phương đã đến học hỏi kỹ thuật chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi Phúc Trạch, trong đó có mô hình của anh Trương Quang Việt, thôn Kim Lũ 2. Từ 6ha cây cao su gãy đổ, anh đã cải tạo trồng 4ha cam, 2ha bưởi Phúc Trạch.

Đặc biệt, anh Việt đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để chăm sóc cho cây. Bước đầu, vườn cam, bưởi của anh sinh trưởng khá tốt, lượng cây sống lên đến 98%, mô hình hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình trong thời gian tới.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa, cây cao su trước đây là cây chủ lực của địa phương, nhưng sau một thời gian dài hiệu quả kinh tế thấp nên người dân buộc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hàng năm, địa phương đều lập kế hoạch định hướng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân lựa chọn cây, con giống có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay… Nhờ vậy, nhiều hộ dân trên địa bàn có điều kiện đã đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Chính từ thất bại của cây cao su đã thúc đẩy bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp, vừa tránh được rủi ro của thiên tai và thị trường, vừa dần tạo vùng sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, để kết quả chuyển đổi bền vững, hiệu quả và ổn định, đặc biệt không đi vào “vết xe đổ” của cây cao su, khâu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ vay vốn… cần có sự hỗ trợ, quan tâm hơn nữa của các ban, ngành liên quan.

Thanh Hoa

,