.

Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2019: Bao giờ trở thành thương hiệu xứng tầm?

.
09:43, Thứ Năm, 09/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Chuỗi hoạt động lễ hội, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao của Tuần Văn hóa-Du lịch (VH-DL) Đồng Hới trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua như một lời chào mời, giới thiệu, quảng bá vềTP. Đồng Hới nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Tuy nhiên, từ sự kiện văn hóa quan trọng này, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, đòi hỏi cần có giải pháp và đổi mới kịp thời, hiệu quả.

Tuần VH-DL năm nay được rút gọn với 6 hoạt động chính, gồm: lễ hội ẩm thực “Hương Nhật Lệ”, âm nhạc đường phố, chương trình nghệ thuật “Đồng Hới- Hoa hồng và biển”, lễ hội Chèo cạn-Múa bông và đón Bằng công nhận “Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, liên hoan nhảy dân vũ, giải đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ.

Nghi lễ Trình mũi được phục dựng là nét mới của Tuần VHDL năm nay nhưng lại ko thu hút người dân và du khách
Nghi lễ Trình mũi được phục dựng là nét mới của Tuần VHDL năm nay nhưng lại không thu hút người dân và du khách.

Ngoài ra, hoạt động bổ trợ lễ hội ánh sáng tại Công viên Nhật Lệ do Công ty TNHH The Royal ViệtNam cũng đã tạo thêm sự mới mẻ, đa dạng.

Theo ông Hoàng Ngọc Đan, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới, Tuần VH-DL đã góp phần khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa, tôn vinh những nét đẹp truyền thống của người Đồng Hới. Đồng thời, các sinh hoạt lễ hội truyền thống đã góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng.

Qua đó, tạo ấn tượng đẹp đối với du khách trong nước và quốc tế, thu hút lượng khách du lịch đến Đồng Hới ngày càng nhiều, thời gian lưu trú càng dài, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, động lực thúc đẩy dịch vụ, du lịch Đồng Hới phát triển.

Đến thời điểm này, TP. Đồng Hới đã tổ chức được 13 Tuần VH-DL trọn vẹn. Quy mô lần sau đã lớn hơn lần trước nhưng về sức hấp dẫn thì vẫn còn nhiều “điểm” chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của Đồng Hới.

Theo nhận xét của một số khán giả xem chương trình nghệ thuật “Đồng Hới-Hoa hồng và biển”, những năm gần đây, chương trình tổ chức hoành tráng song “mô típ” đều diễn ra một cách tuần tự, giống nhau. Chính sự giống nhau về nội dung, hình thức dàn dựng cũng như một số hoạt động nghệ thuật biểu diễn khiến công chúng không hào hứng với chương trình.

Với thời gian tổ chức trong 7 ngày, các hoạt động trong Tuần VH-DL đáng lẽ cần được duy trì liên tục, thì lại được sắp xếp chưa khoa học và phù hợp. Cùng tối 29-4, hai hoạt động gồm: liên hoan dân vũ và lễ hội Chèo cạn-Múa bông được tổ chức đồng thời, trong khi đó, ngày 28-4 (đúng vào ngày chủ nhật), thời điểm du khách ngoại tỉnh bắt đầu về lưu trú tại TP. Đồng Hới lại không có bất kỳ hoạt động nào diễn ra.

Chương trình nghệ thuật “Đồng Hới- Hoa hồng và biển” theo “mô típ” cũ nên công chúng không hào hứng
Chương trình nghệ thuật “Đồng Hới- Hoa hồng và biển” theo “mô típ” cũ nên công chúng không hào hứng.

Chị Trần Thanh Hương, khách du lịch Hà Nội chia sẻ, về Quảng Bình đúng dịp diễn ra Tuần VH-DL, nhưng ngoài tắm biển, thưởng thức ẩm thực thì các hoạt động đường phố, giao lưu văn hóa, văn nghệ… còn rất hạn chế. Các điểm vui chơi quy mô, trò chơi dân gian đặc sắc ngoài trời phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn lẫn khách du lịch ngoại tỉnh cũng “tìm mỏi mắt”…

Đáng kể, lễ hội ánh sáng-hoạt động bổ trợ của Tuần VH-DL lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Đồng Hới đã gây hình ảnh phản cảm khi dựng rào chắn tại khu vực công cộng và bán vé thu tiền cao (50.000 đồng/lượt người lớn và 30.000 đồng/trẻ em) cho khách vào tham quan.

Cùng với đó, hàng loạt điểm giữ xe tự phát khu vực công viên Nhật Lệ đã tạo ra sự lộn xộn, ùn ứ các phương tiện giao thông, gây nguy cơ mất an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội. Sự việc còn thể hiện cái nhìn hạn chế và thiếu bao quát cũng như ý thức trách nhiệm của những người làm công tác tham mưu, quản lý văn hóa trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Công Uẩn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hải Đình cũng bày tỏ, dù xuất hiện dưới hình thức nào thì lễ hội VH-DL phải là hoạt động văn hóa được tổ chức do dân, vì dân, hướng tới nâng cao các giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng, nơi diễn ra lễ hội.

Tuy nhiên, giải đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ chưa thực sự hướng đến điều đó. TP. Đồng Hới cần thay đổi tư duy làm lễ hội, xây dựng những hoạt động phù hợp với nhu cầu thưởng thức của công chúng, đặc biệt cần có sự tham gia tích cực của người dân sở tại với vai trò là chủ thể của lễ hội. Việc thuê vận động viên từ vùng khác đến tham gia đua của các xã, phường, không tạo dựng được phong trào và hưởng ứng tích cực của người dân thành phố.

Bên cạnh đó, việc phục dựng một số nghi thức dân gian của lễ hội, như: lễ Trình mũi-Buông phao, cúng thần linh… cần tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm, có đủ kiến thức hiểu biết về văn hóa truyền thống để bảo đảm đúng với nghi thức truyền thống tại địa phương.

Những năm qua, TP. Đồng Hới tổ chức Tuần VH-DL từ nhiều nguồn kinh phí, như: huy động trong dân, nguồn tài trợ, các thành phần kinh tế khác theo hình thức xã hội hóa. Đặc biệt, Đồng Hới đã đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để tổ chức chuỗi các hoạt động. Với những gì đã diễn ra ở các lần trước và Tuần VH-DL năm 2019, nhiều người dân thành phố đều “trăn trở” mật độ tổ chức sự kiện văn hóa này.

Lễ hội múa bông, chèo cạn là một trong những hoạt động chất lượng của Tuần VH-DL Đồng Hới những năm qua.
Lễ hội múa bông, chèo cạn là một trong những hoạt động chất lượng của Tuần VH-DL Đồng Hới những năm qua.

Nên chăng, TP. Đồng Hới nghiên cứu để bố trí lại sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm hài hòa các hoạt động. Bởi, việc duy trì lịch trình Tuần VH-DL như hiện nay thì chắc chắn sự nghèo nàn về nội dung hoạt động và trùng lặp về ý tưởng là điều khó tránh khỏi.

Ngoài ra, việc tổ chức các lễ hội chưa kết hợp được với các hoạt động thương mại-du lịch, chưa tổ chức được các dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch hoặc có tổ chức nhưng còn đơn giản, không hấp dẫn du khách. Đáng chú ý, ý thức gìn giữ vệ sinh môi trường của người dân cũng như du khách khi tham gia các hoạt động chưa cao nên tình trạng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường còn khá phổ biến sau mỗi hoạt động…

Để Tuần VH-DL phát triển xứng tầm, là “điểm nhấn” quan trọng trong tuyến du lịch dọc con đường di sản miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, TP. Đồng Hới cần chủ động khắc phục những tồn tại, hạn chế và đổi mới cách thức tổ chức, nâng cao chất lượng các hoạt động.

Có như thế, mới biến Tuần VH-DL thành sản phẩm du lịch độc đáo, một thương hiệu riêng biệt, có ý nghĩa đối với hoạt động du lịch của TP. Đồng Hới nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.

Thùy Lâm

,