.

Quảng Ninh: Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn

.
09:12, Thứ Sáu, 10/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với các địa phương trong tỉnh, trong 10 năm qua, các cấp mặt trận huyện Quảng Ninh đã tích cực đồng hành cùng với người tiêu dùng trên địa bàn huyện thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ đó, cuộc vận động bước đầu đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong tâm lý, thói quen và nhu cầu sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng Quảng Ninh.

Trong nhiều năm qua, huyện Quảng Ninh đã rất chú trọng gắn kết việc tuyên truyền, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các phong trào, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”…

Đặc biệt, việc thực hiện phong trào “Nhận diện hàng Việt Nam-Tự hào hàng Việt Nam” đã giúp mỗi người dân địa phương hiểu rõ về chất lượng sản phẩm và có sự hưởng ứng sâu rộng đối với hàng Việt.

Ngoài ra, các cấp chính quyền đang đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm-OCOP” nhằm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của làng, xã, nhờ đó, bước đầu tạo sự chủ động của người dân trong việc lựa chọn sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bà Lê Thị Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Ninh chia sẻ: "Để đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong 10 năm qua, Mặt trận huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức 897 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền cuộc vận động với 36.564 lượt người tham gia; phối hợp với Đài truyền thanh huyện và các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện 565 tin, bài tuyên truyền.

Các sản phẩm chế biến thủy sản là một trong những thế mạnh đặc trưng của huyện Quảng Ninh.
Các sản phẩm chế biến thủy sản là một trong những thế mạnh đặc trưng của huyện Quảng Ninh.

Đồng thời, huyện đẩy mạnh tuyên truyền một số sản phẩm nông sản được sản xuất, chế biến có chất lượng cao, bảo đảm sản phẩm sạch, có uy tín trên địa bàn, như: dưa hấu Hàm Ninh, khoai deo Hải Ninh, mướp đắng Hiền Ninh, gạo Vĩnh Tuy…

Bên cạnh đó, để đồng hành cùng với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, huyện Quảng Ninh cũng đã ưu tiên hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở đối với các doanh nghiệp phát triển ngành nghề mới, đồng thời, hỗ trợ đăng ký nhãn mác, thương hiệu cho các sản phẩm đưa ra thị trường.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường; đổi mới giải pháp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ để mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp; tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế, chính sách để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn huyện... cũng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả.

Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo các phòng liên quan phối hợp với Sở KH-CN thực hiện một số mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, như: trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGap; nuôi hàu trên sông Nhật Lệ; trồng thanh long ruột đỏ tại xã Vạn Ninh; trồng và chế biến tinh dầu sả tại xã Trường Xuân; phát triển nghề chế biến tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ…

Hiện huyện Quảng Ninh đã lựa chọn 4 mô hình để thực hiện phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, trong đó có 2 sản phẩm là mật ong Trường Xuân và gạo Vĩnh Tuy đang được hội đồng huyện thẩm định và làm hồ sơ đề nghị Sở KH-CN công nhận thương hiệu.

Đi đôi với các hoạt động hỗ trợ, Mặt trận các cấp huyện Quảng Ninh còn phối hợp với các doanh nghiệp chủ động đưa hàng Việt về nông thôn thông qua các hội chợ, phiên chợ Việt ở nông thôn nhằm tăng thị phần hàng Việt Nam tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mỗi năm, huyện Quảng Ninh đều phối hợp với các siêu thị trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 3-5 đợt đưa hàng về nông thôn với doanh số bán hơn 60 triệu đồng/đợt với khoảng 250-300 lượt người tham gia.

Theo bà Lê Thị Minh Hải, qua 10 năm thực hiện cuộc vận động, ý thức của các tầng lớp nhân dân và người tiêu dùng về ưu tiên dùng hàng Việt Nam được nâng lên, người tiêu dùng đã nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Thống kê cho thấy, hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam đã chiếm trên 80% số lượng hàng hoá đang lưu thông trên địa bàn huyện từ vài năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình khuyến mãi, hội chợ... cũng đã bước đầu giúp cho người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá chất lượng hàng Việt Nam, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân có ý thức lựa chọn sản phẩm, thay đổi thói quen và hành vi tiêu dùng, xóa bỏ tâm lý thích dùng hàng ngoại…

Hiền Phương

,