.

Nghịch lý cung-cầu lao động trong sản xuất công nghiệp

.
08:34, Thứ Hai, 27/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiện nay, ngành công nghiệp tỉnh Quảng Bình đang duy trì tốc độ phát triển ổn định, quy mô ngày càng mở rộng với nhiều dự án, lĩnh vực mới được đầu tư xây dựng. Đây chính là cơ hội cho người lao động trong tỉnh tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, nhiều lao động lại không “mặn mà” với công việc tại các doanh nghiệp địa phương. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh.

Cầu cần-cung thiếu

Tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 450 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp với khoảng 11.700 lao động tham gia. Tuy nhiên, số lao động này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhiều doanh nghiệp.

Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván ép Sơn Kim, Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới có công suất 275.000 m3/năm, tổng mức đầu tư 270 tỷ đồng, hoàn thành cuối năm 2018. Hiện nay, nhà máy đã đi vào sản xuất, với sản lượng 3.000 m3 ván ép/tháng, nhu cầu lao động của nhà máy là 300 lao động. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà máy, đến nay, nhà máy chỉ có khoảng 100 lao động, còn thiếu hơn 200 lao động.

Cũng hoàn thành cuối năm 2018, dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván ép, Công ty đầu tư CP Thăng Long, Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới đang trong giai đoạn chạy thử với sản lượng 30m3 ván ép/ngày. Nhu cầu lao động của nhà máy đang thiếu với số lượng lớn.

Ông Nguyễn An Bích, Giám đốc Nhà máy sản xuất gỗ ván ép cho biết: “Trước mắt,, nhà máy đã tuyển được 100 lao động, hiện đang bắt tay vào đào tạo, huấn luyện. Khó khăn lớn nhất của nhà máy bây giờ là thiếu lao động, nhà máy đang gấp rút tuyển dụng thêm khoảng 200 lao động nữa. Hy vọng, nguồn lao động trong tỉnh Quảng Bình nói chung và TP. Đồng Hới nói riêng sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho nhà máy”.

Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu lao động.
Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp vẫn đang gặp khó khăn vì thiếu lao động.

Khó khăn về lao động không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất gỗ ván ép, nhiều doanh nghiệp may mặc cũng gặp trở ngại lớn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở may các loại, với tổng công suất khoảng 21 triệu sản phẩm/năm, tập trung tại các địa bàn: TP. Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Nhu cầu lao động của các nhà máy là 5.400 người, hiện tại có 3.900 lao động, còn thiếu 1.500 lao động, tập trung chủ yếu ở dự án May S&D và May Lệ Thủy. Mặc dù, các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương, tham gia sàn giao dịch để tuyển dụng lao động nhưng tình trạng thiếu lao động chưa được cải thiện bao nhiêu.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH may S&D cho biết: “Từ ra Tết đến nay, công ty đã tuyển thêm được hơn 100 lao động. Tuy nhiên, số lao động này vẫn chưa bảo đảm được công suất giai đoạn 2 của công ty. Nhu cầu lao động của công ty là 1.800 lao động, nhưng hiện nay mới chỉ có 1.100 lao động”.

Đi tìm nguyên nhân

Thực tế, nguồn lao động phổ thông ở Quảng Bình là khá lớn. Tuy nhiên, thanh niên lao động ở các vùng nông thôn đa phần không muốn làm việc tại địa phương mà có xu hướng vào Nam tìm việc hoặc đi xuất khẩu lao động với hy vọng có nguồn thu nhập lớn, mở mang tầm mắt… Rất ít người thấy được lợi thế từ việc làm tại các nhà máy trong tỉnh và chấp nhận cơ hội việc làm tại quê hương.

Chị Hoàng Cẩm Vân, Công ty TNHH may S&D cho biết: “Ở quê tôi, số lượng lao động đi làm trong miền Nam khá nhiều. Mặc dù vào Nam, số lao động này đa phần cũng làm công nhân tại các khu công nghiệp nhưng họ vẫn muốn đi để biết thêm về môi trường bên ngoài”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công thương còn lý giải thêm một số nguyên nhân dẫn đến việc khó khăn trong tuyển dụng lao động công nghiệp. Đó là các lao động trên địa bàn mặc dù đã được qua đào tạo, nhưng lâu nay quen lao động thỏa mái, tự do theo lối sản xuất nông nghiệp, nếu bị gò ép vào môi trường kỷ luật, phối hợp cao trong công nghiệp thì khó thích ứng dẫn đến chán nản, bỏ việc.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo trên địa bàn mà các lao động theo học cũng chưa sát với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Do đó, khi được tuyển vào làm việc, các lao động này không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp…

Như vậy, bất cập trong công tác tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là điều có thể thấy rõ. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động nhưng gặp khó khăn, trong khi người lao động địa phương phần nhiều lại muốn tìm việc làm tại các tỉnh phía Nam hoặc đi xuất khẩu lao động.

Những lao động ở lại thì đa số có trình độ tay nghề, kinh nghiệm hạn chế khiến việc tìm việc làm trở nên khó khăn. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như việc tự đánh mất cơ hội việc làm tại địa phương của các lao động.

Để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề lao động của các doanh nghiệp, ông Khoái cho rằng: “Điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm thay đổi nhận thức của người lao động, đẩy mạnh tuyên truyền để họ hiểu được lợi ích trước mắt và lâu dài của công việc.

Vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo nghề cũng cần được chú trọng, nhằm tạo điều kiện cho công nhân trong việc nâng cao tay nghề lao động. Các doanh nghiệp cần quan tâm, dần tạo điều kiện cho công nhân trong vấn đề nơi ăn, ở, trường lớp cho con của họ để các lao động yên tâm làm việc…”.

Để hỗ trợ các cơ sở đào tạo lao động cho ngành may của tỉnh, hàng năm thông qua nguồn vốn khuyến công của Trung ương và địa phương, Sở Công thương đã phối hợp với doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề may mỗi năm cho khoảng 300 lao động tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua kế hoạch đào tạo lao động nông thôn hàng năm, tỉnh cũng đã hỗ trợ các địa phương đào tạo nghề may từ 450-500 lao động trên địa bàn.

Lê Mai

,