.

Bố Trạch: Lúng túng trong chuyển đổi diện tích cao su

.
08:00, Thứ Ba, 14/05/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Bố Trạch là một trong những địa phương có diện tích cây cao su bị gãy đổ nhiều nhất tỉnh sau hai cơn bão năm 2013 và năm 2017, đến nay, nhiều người trồng cao su trên địa bàn huyện vẫn còn lúng túng trong việc tìm cây trồng thay thế cây cao su.

Chúng tôi về hai xã Phú Định, Tây Trạch những ngày tháng 5 nắng gắt. Đến thời điểm này, một số diện tích cao su bị gãy đổ vẫn chưa được thu dọn, vì người dân vẫn đang loay hoay, chưa biết thay thế cây cao su bằng cây gì.

Những năm trước, toàn xã Phú Định có trên 1.000 ha cao su. Nhưng sau hai cơn bão năm 2013 và năm 2017, diện tích cao su còn lại mà người dân có thể khai thác được chỉ còn gần 600 ha, 300 ha đã được chuyển đổi sang trồng các cây ngắn ngày, còn hơn 100 ha cao su gãy đổ vẫn chưa được thu dọn.

Theo người dân ở đây, mặc dù giá mủ cao su những năm gần đây xuống thấp nhưng so với các cây trồng khác, cây cao su vẫn phù hợp chất đất, điều kiện thời tiết và mang lại giá trị kinh tế cao hơn, đầu ra vẫn duy trì ổn định hơn.

Ông Phan Văn Hiên, thôn Trung Định, xã Phú Định cho biết: “Dân không có vốn nên trước mắt trồng một số cây ngắn ngày. Tuy nhiên, so với cây dài ngày như cao su, tôi thấy cao su vẫn ổn định hơn, vừa phù hợp với chất đất, cũng vừa mang lại thu nhập. Hơn thế, chúng tôi cũng đã gắn bó, quen với cách thức, tập quán chăm sóc cho cây cao su bấy lâu nay!”.

Người dân ở xã Tây Trạch chuyển đổi một số diện tích trồng cây cao su sang trồng sắn.
Người dân ở xã Tây Trạch chuyển đổi một số diện tích trồng cây cao su sang trồng sắn.

Người dân vẫn muốn tiếp tục trồng cao su, nhưng địa phương vẫn đang lúng túng, băn khoăn, liệu có nên tiếp tục chọn cây cao su là cây trồng chủ lực hay không. Mặc dù có rất nhiều hội thảo đánh giá thực trạng cây cao su trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức, tuy nhiên, câu trả lời dường như vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Trung Định, xã Phú Định, cũng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng được 800 cây cao su mà gãy hết hơn 300 cây. Giờ chặt bỏ cũng chưa biết phải thay thế loại cây gì nên để dở dang vậy. Tôi mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, nếu không có cây trồng nào có thể thay thế tốt hơn thì để bà con tiếp tục trồng lại cao su”.

Chính quyền xã Phú Định đang tính đến giải pháp là tiếp tục duy trì những diện tích cây cao su đang khai thác và chuyển đổi toàn bộ những diện tích còn lại sang trồng cây ngắn ngày. Nhưng vấn đề đặt ra là trồng cây gì trên vùng đất gò đồi để có thể bảo đảm đầu ra, ổn định thu nhập cho nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết: “Đối với những diện tích cao su gãy đổ, địa phương cũng đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi, vì còn tính đến quá trình sản xuất và đầu ra lâu dài cho bà con. Mặc dù bà con trên địa bàn có nhiều ý kiến chất vấn, nhưng địa phương vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Được biết, huyện và tỉnh cũng đã có chủ trương về chuyển đổi cây trồng, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Tôi mong muốn các cấp, ngành cần sớm có định hướng cụ thể để địa phương chỉ đạo bà con triển khai thực hiện, ổn định phát triển kinh tế”.

Trong khi chờ địa phương tìm cây trồng thay thế, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cao su bị gãy đổ sang trồng các cây hoa màu như sắn. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, việc trồng cây ngắn ngày trên đất gò đồi lâu dần sẽ làm mất chất đất, dẫn đến nguy cơ xói, lở vào mùa mưa lũ. Ông Lê Văn Nhật ở xã Tây Trạch cũng là một trong số những người dân trồng cao su từ năm 1994 đến nay. Vừa qua, ông Nhật cũng đã trồng sắn thay thế cao su.

Ông Nhật cho biết: “Cao su gãy đổ, đất bỏ hoang, nhà tôi thấy tiếc nên trồng sắn, chứ sắn thu nhập thấp lắm, tính ra cũng không đủ bù công cán. Với chất đất vùng này, nếu được Nhà nước đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết để trồng cây ngắn ngày như các loại dược liệu thì chúng tôi sẵn sàng chuyển đổi và như thế chắc chắn sẽ ổn định hơn, nhưng đến nay vẫn chưa thấy chính quyền xã có chỉ đạo”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, trên cơ sở căn cứ vào việc quy hoạch vùng, đồng thời, qua nghiên cứu thị trường và điều kiện khí hậu, nhất là để phòng tránh thiên tai địch họa có thể xảy ra bất thường như hiện nay, huyện đã có định hướng cho bà con chuyển đổi một số diện tích sang trồng cây ngắn ngày, như: ngô lấy thân, sắn và cây dược liệu...

Hiện nay, một số nhà máy sản xuất trên địa bàn huyện và tỉnh cũng có nhu cầu thu mua những sản phẩm trên. Việc cần làm ngay là bà con chủ động bắt tay vào sản xuất, chính quyền xã linh động, tìm cách liên kết với các nhà máy chế biến để có định hướng đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, việc định hướng, quy hoạch và quản lý vùng trồng cao su cần phải được các cấp chính quyền huyện Bố Trạch triển khai chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng người dân bỏ đất trống hay tự phát chuyển đổi một số cây trồng khác và khai thác không đúng kỹ thuật, vừa không mang lại hiệu quả kinh tế và gây xói lở đất, vừa không bảo đảm môi trường.

Hương Trà

,