.
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

.
14:33, Thứ Ba, 09/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh từng bước có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, làm thế nào để có những hành động thiết thực, những chiến dịch dài hơi nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp, cá nhân đang là vấn đề lớn mà người tiêu dùng và doanh nghiệp rất quan tâm.

Thực tế cho thấy, mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã được tuyên truyền rộng rãi nhưng nhiều người tiêu dùng chưa nhận biết đầy đủ quyền lợi của mình khi đi mua sắm và quyền lợi chính đáng đó được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay chưa quan tâm đến việc lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng. Bởi vậy, khi sự cố xảy ra, người dân không có cơ sở để giải quyết, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phải làm gì, nên chỉ im lặng chấp nhận. Mặt khác, phần lớn người dân mua sắm chủ yếu ở các chợ truyền thống nên việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa khó có thể được kiểm soát.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa chạy theo lợi nhuận, đánh lừa người tiêu dùng. Đó là trường hợp bán lẫn lộn các mặt hàng nhưng không cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm; bán các mặt hàng bị lỗi một phần, quảng cáo sai; khi có phản ánh từ phía khách hàng thì chậm trao đổi, đối thoại, thiếu hợp tác...

Thúc đẩy tiêu dùng lành mạnh để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.
Thúc đẩy tiêu dùng lành mạnh để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp bán hàng cung cấp thông tin một đàng, chất lượng sản phẩm một nẻo. Điển hình cho thực trạng này là mặt hàng trái cây, nhiều loại được các thương lái, tiểu thương tự tay dán những tem mác ghi xuất xứ từ Mỹ, Úc…, gây ra nhầm lẫn rất đáng lo ngại cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cũng cần phải kể đến những những tiểu thương, cơ sở kinh doanh luôn đặt chữ tín lên hàng đầu để hoạt động bền vững. Cửa hàng bách hóa tổng hợp Tố Nga ở thành phố Đồng Hới của bà Trần Thị Tố Nga là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều người nội trợ và người dân trên địa bàn. Có kinh nghiệm buôn bán lâu năm, với bà Nga, mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng chính là tạo niềm tin, chỗ đứng bền vững trong kinh doanh.

Dù dịp lễ tết hay những lúc khan hiếm hàng hóa, bà Nga vẫn lựa chọn những mặt hàng đảm bảo chất lượng và luôn có mức giá phù hợp. Bà Trần Thị Tố Nga, chia sẻ: "Tôi luôn chủ động nhập hàng hóa xuất xứ Việt Nam và hạn chế hàng ngoại. Hàng hóa tem mác luôn phải rõ ràng, đầy đủ. Dù ở thời điểm nào, tôi cũng luôn giữ đúng giá không nâng giá".

Với sự nhập nhằng giữa hàng hoá thật, giả như hiện nay, người dân khó có thể là người tiêu dùng thông thái. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo đảm sự công bằng cho các doanh nghiệp và những đơn vị làm ăn chân chính.

Với tinh thần đó, chủ đề Ngày quyền của người tiêu dùng năm 2019 là “Kinh doanh lành mạnh-Tiêu dùng bền vững” nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi đến người tiêu dùng, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; qua đó, góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: "Trong năm 2019, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, chúng tôi sẽ tích cực phối kết hợp với các ngành liên quan để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, phối hợp với các địa phương để tuyên truyền quyền về lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trong các hoạt động mua bán các mặt hàng thiết yếu.

Đơn vị triển khai treo băng rôn, cờ phướn, khuyến cáo người tiêu dùng trong mua bán, trao đổi, cần phân biệt giữa hàng thật và hàng giả. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến Luật bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời, hướng dẫn các văn bản liên quan".

Như vậy, có thể khẳng định rằng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chính là thúc đẩy tiêu dùng lành mạnh cũng như bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế một cách bền vững.

Hiền Phương

,