.

Hàng Việt giành trọn niềm tin của người tiêu dùng

.
10:16, Thứ Bảy, 20/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau 10 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là cuộc vận động) đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, tầng lớp nhân dân về hàng Việt. Sức mua, tiêu thụ hàng Việt ở các chợ nông thôn, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, khẳng định niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt.

Thay đổi nhận thức về hàng Việt

Qua khảo sát thị trường nội địa, tại đa số các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân chủ yếu là hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt trong tiêu dùng của người dân ngày càng cao.

Đặc biệt, đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, lương thực, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 70-80%; đối với hàng may mặc, tỷ lệ này là 60-70%, 100% mặt hàng thủy hải sản là hàng Việt.

Những năm qua, việc triển khai chính sách ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, trong tỉnh đã tạo điều kiện cho chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng lên với mẫu mã, kiểu dáng đa dạng.

Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện bán hàng Việt khuyến mại; vận động doanh nghiệp đưa hàng Việt có thương hiệu, chất lượng cao, giá cả hợp lý, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vào các siêu thị, đại lý và chợ truyền thống.

Với chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt, tại các hội chợ Sở Công thương tổ chức và tham gia, các mặt hàng Việt luôn được ưu tiên quảng bá, giới thiệu nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm của người tiêu dùng đến các mặt hàng sản xuất trong nước, trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Công thương còn tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, chỉ đạo, hướng dẫn Siêu thị Co.opmart Quảng Bình tổ chức 20 chuyến bán hàng Việt lưu động về các huyện miền núi, vùng sâu trên địa bàn tỉnh. Các mặt hàng được bày bán tại các phiên chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được phép lưu thông hợp pháp trên thị trường, bảo đảm về chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi mang lại hiệu quả cao.
Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi mang lại hiệu quả cao.

Các phiên chợ đã giúp người dân có cơ hội tiếp xúc, nhận biết các hàng hóa bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp do Việt Nam sản xuất; tác động lớn đến tâm lý người tiêu dùng, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

Tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại thôn Lộc Long (xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh), chị Lê Thị Hiền cho biết: “Tôi thấy các mặt hàng tại phiên chợ rất chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt nhiều mặt hàng do chính chủ doanh nghiệp đứng bán nên tôi rất yên tâm, tin tưởng mua về sử dụng”.

Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức khảo sát, nắm bắt thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch) chia sẻ: “Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực, giúp chúng tôi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng để hiểu thêm tâm tư, phản hồi của họ khi sử dụng sản phẩm của HTX. Từ đó, chúng tôi sẽ có các phương án cải tiến về mẫu mã bao bì, phát triển các sản phẩm nấm sạch phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân…”.

Cùng với hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, Sở Công thương đã phối hợp với Bộ Công thương xây dựng 2 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Siêu thị Diến Hồng, huyện Minh Hóa và Siêu thị Thái Hậu, TX. Ba Đồn.

Ngoài ra, để nhân rộng mô hình điểm bán hàng Việt trên địa bàn, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng 4 điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh. Các điểm bán hàng Việt này đã và đang phát huy tốt hiệu quả của mình, tạo được lòng tin đối với khách hàng khi mua các sản phẩm tại đây…

Các giải pháp hưởng ứng cuộc vận động

Đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động, từ năm 2012-2018, Sở Công thương đã hỗ trợ 4.375,961 triệu đồng cho hơn 500 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn.

Sở cũng hỗ trợ 948 triệu đồng cho các doanh nghiệp xây dựng điểm "Tự hào hàng Việt Nam" và doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm; 204 triệu đồng cho doanh nghiệp thực hiện các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; tập huấn bồi dưỡng kiến thức về các nội dung liên quan đến cuộc vận động...

Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm tra thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại cũng được tăng cường nhằm tạo sức cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho thị trường hàng Việt.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, Sở Công thương đã tư vấn hỗ trợ thành lập 5 doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm nấm, sắn, khoai lang, nghệ củ và thủy sản. Các hội nghị cung cầu hàng hóa với một số tỉnh cũng được Sở Công thương tổ chức, tạo cơ hội hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các tỉnh…

Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhằm phát huy hiệu quả của cuộc vận động, Sở Công thương định hướng tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt.

Các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường tham gia các hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Quảng Bình. Cần tích cực lồng ghép thực hiện các hoạt động phát triển thị trường thương mại trong tỉnh gắn với cuộc vận động; đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động…

Lê Mai
 

,