.

Doanh nghiệp may xuất khẩu Quảng Bình: Để không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận CPTPP

.
09:30, Thứ Ba, 23/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp may xuất khẩu ở Quảng Bình, việc tiếp cận các chính sách của hiệp định này vẫn là điều “xa vời”.

Các doanh nghiệp may phát triển ổn định

Theo số liệu báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 15 xí nghiệp may, tập trung tại các địa bàn: TP. Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Nhu cầu lao động của các nhà máy khoảng 5.400 người, tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 3.900 lao động.

Trong số 15 xí nghiệp may này, có 4 đơn vị may xuất khẩu lớn, gồm: Xí nghiệp may Hà Quảng, Công ty may S&D Quảng Bình, Xí nghiệp may Lệ Thủy, Công ty CP may Đại Thành.

Hiện, các đơn vị này đều hoạt động tốt với công suất sản xuất cao và có đơn hàng đều đặn. Điển hình có Xí nghiệp may Hà Quảng, đóng tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới. Xí nghiệp được đưa vào sản xuất từ năm 2009 đến nay, công suất sản xuất ổn định với 7,2 triệu sản phẩm/năm, thu nhập của công nhân đạt bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng (năm 2018).

Theo đánh giá của ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, Xí nghiệp may Hà Quảng xứng đáng là đơn vị dẫn đầu trong toàn Tổng công ty. Với dây chuyền công nghệ và máy móc hiện đại, tỷ lệ tự động hóa cao, lao động có tay nghề và ít biến động, Xí nghiệp may Hà Quảng đã đạt được năng suất lao động bình quân và thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của toàn Tổng công ty.

Xí nghiệp may Lệ Thủy được xây dựng tại Khu công nghiệp Cam Thủy (huyện Lệ Thủy) với quy mô 3 nhà máy gồm 50-60 chuyền may. Giải đoạn I của xí nghiệp đưa vào vận hành từ năm 2016. Hiện nay, xí nghiệp có 22 chuyền may với 800 lao động, sản lượng đạt khoảng 4 triệu sản phẩm/năm. Nhu cầu lao động của xí nghiệp là 1.200 lao động, còn thiếu 400 lao động.

Các sản phẩm may Quảng Bình cần nâng cao chất lượng, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Các sản phẩm may Quảng Bình cần nâng cao chất lượng, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Các xí nghiệp, cơ sở may khác cũng có công suất đạt từ 1,2-2 triệu sản phẩm/năm; có đơn hàng ổn định để duy trì sản xuất liên tục đến cuối năm 2019. Bên cạnh những kết quả đạt được trong sản xuất, các doanh nghiệp may đang gặp một số khó khăn về lao động.

Phần lớn các nhà máy, cơ sở may còn thiếu lao động, chưa phát huy hết năng lực sản xuất và công suất thiết kế. Lao động thường xuyên biến động, không ổn định ảnh hưởng đến thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, tay nghề và công tác đào tạo.

Để khắc phục khó khăn, các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương, tham gia sàn giao dịch việc làm tìm nguồn lao động (ở một số địa phương trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận, như: Quảng Trị, Hà Tĩnh), nhưng vẫn khó tuyển lao động và tuyển dụng không đủ số lượng.

Để hỗ trợ các cơ sở đào tạo lao động cho ngành may của tỉnh, ông Lê Trá Khoái, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hàng năm, thông qua nguồn vốn khuyến công của Trung ương và địa phương, Sở Công thương đã phối hợp với doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo nghề may mỗi năm cho khoảng 300 lao động tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua kế hoạch đào tạo lao động nông thôn, hàng năm, tỉnh cũng đã hỗ trợ các địa phương đào tạo nghề may cho 450-500 lao động trên địa bàn.

Gian nan tiếp cận các chính sách của Hiệp định CPTPP

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Trong đó, cơ hội và thách thức của các ngành nghề, lĩnh vực là rất khác nhau. Riêng ngành dệt may, yêu cầu về xuất xứ có ý nghĩa đặc biệt vì giúp thuế quan giảm, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, trong đó thị trường được kỳ vọng nhất của Việt Nam là Canada và Australia.

Riêng Nhật Bản đã có hiệp định song phương với Việt Nam từ trước nên không hy vọng tăng trưởng nhiều. Mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chưa có FTA chung hiện nay trung bình là trên 10%. Khi CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0%. Khi đó, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được củng cố lợi thế cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ hiệp định này, khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải vượt qua không hề nhỏ. Vì yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt, nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP nhưng chúng ta hiện đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc (ngoài khu vực CPTPP). Yêu cầu đặt ra cho dệt may Việt Nam là phải xây dựng vùng nguyên liệu trong nước cũng như có kế hoạch nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong khu vực CPTPP.

Khảo sát nhanh một số doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, đa số đều cho rằng, CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do nói chung vẫn là vấn đề quá lớn, ở “tận đẩu tận đâu”. Do đó, doanh nghiệp chưa thể khai thác những chính sách từ các hiệp định cũng như có kế hoạch, chiến lược cụ thể để sẵn sàng tham gia.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may gia công xuất khẩu, nhưng việc chủ động tiếp cận Hiệp định CPTPP của Công ty CP may Đại Thành vẫn chưa nằm trong kế hoạch. Theo lãnh đạo công ty, hiệp định này mang tầm vĩ mô, ảnh hưởng đến các tập đoàn, công ty lớn. Trong khi, Công ty CP may Đại Thành chỉ là một thành viên nhỏ bé trong cộng đồng rộng lớn nên rất khó tiếp cận.

Ông Lê Trá Khoái cho biết, Quảng Bình hiện có 4 đơn vị may xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu của các đơn vị này đa phần ủy thác qua tổng công ty, hoặc có số lượng xuất khẩu không nhiều. Cụ thể, Xí nghiệp may Hà Quảng, Xí nghiệp may Lệ Thủy xuất khẩu ủy thác thông qua Tổng công ty may 10 và Tổng công ty Dệt may Huế.

Công ty may S&D Quảng Bình xuất khẩu trực tiếp, nhưng đơn hàng chủ yếu từ Tổng công ty may 10. Công ty CP may Đại Thành xuất khẩu trực tiếp theo đơn hàng có được, tuy nhiên, tỷ lệ còn nhỏ; hiện nay, công ty vẫn nhận hàng gia công cho Xí nghiệp may Hà Quảng và một số doanh nghiệp may xuất khẩu khác.

Như vậy, với các doanh nghiệp may xuất khẩu Quảng Bình, thách thức từ Hiệp định CPTPP chưa nhiều. Vấn đề đặt ra chủ yếu của các doanh nghiệp may hiện nay là tuyển dụng đủ lao động, đào tạo và đào tạo nâng cao tay nghề.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, từng bước tự động hóa một số khâu, công đoạn then chốt trong sản xuất… nhằm hạ giá thành sản phẩm để tạo sức cạnh tranh trên thị trường, dần vươn ra “biển lớn”.

Tiền thân CPTPP là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gồm 12 thành viên. Đầu năm 2017, Mỹ rút khỏi TPP nên quy mô của hiệp định bị giảm xuống, nhưng 11 thành viên vẫn nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP.

Hiệp định CPTPP đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, đồng thời, đưa ra cơ chế giải quyết các tranh chấp có tính ràng buộc, chặt chẽ hơn.

Các nước tham gia hiệp định sẽ xoá bỏ gần như hoàn toàn thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ luật pháp tại các nước sở tại, đồng thời, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, từ đó, tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp, cũng như lợi ích mới cho người tiêu dùng các nước thành viên.

Lê Mai

,