.

Chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi

.
08:59, Thứ Ba, 16/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Dịch tả lợn châu Phi đang tiếp tục diễn biến phức tạp, để chủ động phòng dịch, huyện Quảng Trạch đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, khống chế không để dịch bệnh xuất hiện và lây lan trên địa bàn.

Quảng Trạch là huyện có đường quốc lộ 1A đi qua, là địa bàn nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng của tỉnh ta. Vì vậy, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn huyện thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc từ các vùng có dịch bệnh là rất cao.

Để chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm và sẵn sàng ứng phó kịp thời với dịch tả lợn châu Phi, huyện Quảng Trạch đã triển khai nhiều biện pháp. Bà Phan Thị Lệ Hằng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho hay, bệnh dịch tả lợn châu Phi có đặc điểm là lây lan nhanh trên đàn lợn và có tỷ lệ lợn chết rất cao.

Chính vì vậy, sau khi có công điện của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, huyện Quảng Trạch đã khẩn trương tập trung triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh.

Lực lượng chức năng kiểm tra và phun tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông có chở động vật khi qua địa bàn huyện Quảng Trạch.
Lực lượng chức năng kiểm tra và phun tiêu độc khử trùng các phương tiện giao thông có chở động vật khi qua địa bàn huyện Quảng Trạch.

Vừa qua, huyện đã tiến hành tiêm vắc xin, phun tiêu độc khử trùng 350 lít hóa chất ở tất cả 18 xã và đang tiếp tục phân bổ về các xã thêm 300 lít hóa chất. Ngoài ra, huyện cũng đã trích số tiền 200 triệu để hỗ trợ các xã thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Bên cạnh công tác tiêm vắc xin và phun tiêu độc khử trùng cho đàn lợn ở các địa phương, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện tăng cường tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, người chăn nuôi và người dân thông tin về tác hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp chủ động ngăn chặn và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh...

Ngoài những hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn, hiện nay, ở Quảng Trạch còn có dịch vụ tắm heo ở xã Quảng Đông và  các cơ sở giết mổ lợn. Đây là những nơi có nguy cơ bùng phát và lây nhiễm dịch bệnh tả lợn châu Phi lớn nhất.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết, để chủ động phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Trung tâm đã tích cực hướng dẫn người chăn nuôi và lực lượng thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, như: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, vệ sinh tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi...

Đối với các cơ sở giết mổ trên địa bàn và những dịch vụ tắm heo, đơn vị cũng đã tiến hành phun tiêu độc khử trùng, đồng thời, thành lập đoàn chuyên ngành tích cực kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Hiện nay, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi từ các địa phương khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh ta, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời ở cửa ngõ phía bắc của tỉnh ta. Từ đầu tháng 3, tại thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, Quảng Trạch, một chốt kiểm dịch động vật tạm thời đã được lập.

Ông Nguyễn Văn Lợi, cán bộ kỹ thuật, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch, chuyên viên chốt kiểm dịch tạm thời Bắc Quảng Bình cho hay: "Chốt này gồm cán bộ lực lượng liên ngành hoạt động 24/24 giờ cả ngày thứ 7 và chủ nhật và ngày lễ với nhiệm vụ kiểm tra các phương tiện giao thông chuyên chở các loại động vật và tiến hành phun tiêu độc khử trùng.

Sau một thời gian hoạt động, mỗi ngày, chốt kiểm dịch đã kiểm tra và phun tiêu độc khử trùng cho hàng trăm phương tiện giao thông. Nhìn chung, các chủ phương tiện đều chấp hành hiệu lệnh và hợp tác với nhân viên, cán bộ của chốt". 

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh  nên đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện chưa xuất hiện ổ dịch nào.

Đ.N

,