.

Áp dụng công nghệ trong khai thác hải sản: Hướng đi bền vững

.
08:35, Thứ Hai, 08/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Để nâng cao năng suất và chất lượng hải sản, nhiều ngư dân trong tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong quá trình khai thác và bảo quản sản phẩm...

Lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu, chụp là một trong những nghề đánh bắt chủ lực của ngư dân trong tỉnh. Trong đó, nghề  câu có 1.581 tàu; lưới kéo 92 tàu; lưới rê 1.812 tàu, lưới chụp 659 tàu...

Mỗi năm, những nghề này đóng góp vào sản lượng khai thác hải sản của tỉnh gần 4.000 tấn. Do đặc thù khai thác của các nghề lưới vây, lưới rê chủ yếu ở ngư trường xa, nên việc các ngư dân phải đầu tư máy móc, thiết bị và ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng sản phẩm là điều rất cần thiết.

Hiện đại hóa thiết bị khai thác hải sản

Những năm trước đây, những ngư dân Quảng Bình dù đã đi biển nhiều năm, đánh bắt ở nhiều ngư trường nhưng phần đa các tàu công suất nhỏ vẫn còn trang bị thô sơ, thiếu những thiết bị hiện đại, chính vì thế đã làm giảm sản lượng khai thác thủy sản và hạn chế mức thu nhập của ngư dân.

Mãi đến năm 2016, sau sự cố môi trường biển, Nhà nước và Chính phủ khuyến khích ngư dân cải hoán, đóng tàu mới vươn khơi xa để khai thác thì các tàu cá mới chính thức ứng dụng các thiết bị hiện đại phục vụ khai thác thủy sản.

Năm 2015, ông Lê Văn Chói, Đức Trạch, Bố Trạch đầu tư đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản. Để bảo đảm chất lượng khai thác, ông Chói đã đầu tư hệ thống đèn LED trên tàu.

Nhờ đó, sản lượng đánh bắt cao hơn hẳn so với tàu sử dụng đèn sợi đốt truyền thống. Nhiên liệu sử dụng để phát điện cho hệ thống đèn LED giảm 1/3 so với đèn sợi đốt và vùng chiếu sáng rộng hơn.

Hệ thống đèn led được các chủ tàu trang bị để nâng cao hiệu quả khai thác,
Hệ thống đèn led được các chủ tàu trang bị để nâng cao hiệu quả khai thác,

Mỗi chuyến đi biển, anh em thuyền viên có thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/người. Chưa kể, các chuyến khai thác được nhiều thì lợi nhuận còn tăng thêm. Nhờ đó, cuộc sống của anh em thuyền viên ổn định hơn trước.

Là một trong những người tiên phong ứng dụng hầm bảo quản cá bọc i-nox và phun Polyurethane (PU), ngư dân Lê Văn Tuấn ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho rằng: “Nhờ công nghệ PU, mà mỗi chuyến ra khơi, tôi tiết kiệm trên 15% chi phí, tăng 20-25% giá trị sản phẩm”.

Đầu năm 2016, từ thực tế của nghề đi biển, ông Lê Văn Tuấn mạnh dạn ứng dụng hầm bảo quản hải sản theo công nghệ PU với tổng kinh phí đầu tư trên 100 triệu đồng. Với lớp đá phủ cá dày 10-12cm, nên thời gian “giữ” đá của hầm bảo quản ứng dụng công nghệ PU tăng từ 7-20 ngày so với trước. Vì vậy, dù nhiều chuyến biển kéo dài hơn 20 ngày, nhưng ông Tuấn cũng không lo lắng chuyện đá tan, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản.

“Công nghệ PU giúp chất lượng hải sản bảo đảm và ổn định, nên tôi cũng không phải lo lắng xuất bán sản phẩm vì hết đá. Điều này giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí nhiên liệu”, ông Tuấn cho biết thêm.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ PU trong bảo quản sản phẩm, nhiều ngư dân khai thác hải sản xa bờ cũng mạnh dạn đầu tư máy định vị, máy định dạng để dò tìm và “đánh dấu” tọa độ luồng cá; hoặc hệ thống đèn led, đèn dẫn dụ cá có màu sắc, ánh sáng phù hợp để thuận lợi trong quá trình gom bắt cá.

“Dù nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm, nhưng nhờ sự hỗ trợ của trang thiết bị, máy móc hiện đại, nên hiệu quả khai thác hải sản vẫn bảo đảm, giúp ngư dân mạnh dạn bám biển”, ngư dân Lê Văn Tuấn, cho biết thêm.

Hướng đến phát triển bền vững

Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 tàu cá được lắp đặt máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS VX-1700, loại thiết bị vừa giúp ngư dân khai thác hải sản hiệu quả, vừa bảo đảm thông tin liên lạc giữa tàu cá và trên bờ.

Chất lượng liên lạc của máy VX-1700 tốt hơn Icom, nên giúp anh em thuyền viên nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin, nhất là các bản tin dự báo thời tiết để điều tàu tránh trú khi có thiên tai hoặc ra khỏi những khu vực nguy hiểm.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết, việc sử dụng máy VX-1700 thế hệ mới đã hỗ trợ các lực lượng chức năng cập nhật đầy đủ, chính xác hành trình sản xuất của ngư dân trên các vùng biển xa, qua đó, kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra rủi ro, sự cố; đồng thời, hướng dẫn ngư dân không xâm phạm các vùng biển trong quá trình khai thác hải sản.

Ngoài thiết bị VX-1700, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động lắp đặt thêm các loại thiết bị điện, điện tử hiện đại, như: máy dò ngang, rada, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực, máy thông tin liên lạc tầm xa...

Nhờ đó, hiệu quả khai thác tăng lên gấp 3-4 lần so với trước. Ngư lưới cụ cũng không ngừng được cải tiến để khai thác năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao; khai thác có tính chọn lọc và bảo vệ nguồn lợi hải sản. Sản lượng khai thác biển năm 2018 của Quảng Bình ước đạt 64.291 tấn, bằng 108% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Chi cục Thủy sản, việc ngư dân mạnh dạn đầu tư và ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong quá trình khai thác hải sản không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, mà còn giúp ngành thủy sản thuận lợi hơn trong công tác quản lý, giám sát, góp phần thực hiện hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu, tiến tới gỡ “thẻ vàng” thủy sản trong thời gian sớm nhất.

Hiền Phương

,