.

Xây dựng thế trận toàn dân giữ rừng

.
08:07, Thứ Tư, 13/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng đến sớm, lớp thực bì trong rừng ken dày, nên hàng chục nghìn ha rừng do Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình có nguy cơ cháy cao. Trước thực trạng trên, đơn vị đã xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc phương án phòng cháy chữa cháy rừng, trong đó, đặc biệt chú trọng thế trận toàn dân giữ rừng.

BQL rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ, xây dựng, phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển của 11 xã thuộc huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Tổng diện tích rừng trên cát đơn vị quản lý là hơn 13.000 ha, trong đó, có hơn 2.000 ha là rừng phòng hộ, diện tích còn lại là rừng sản xuất. Hệ thống rừng trồng ven biển Nam Quảng Bình nằm ở giữa, xung quanh là dân cư sinh sống.

Lực lượng của BQL rừng phòng hộ Nam Quảng Bình thường xuyên túc trực phòng chống cháy rừng.
Lực lượng của BQL rừng phòng hộ Nam Quảng Bình thường xuyên túc trực phòng chống cháy rừng.

Bên cạnh đó, lượng người qua lại khu vực rừng rất nhiều, tại đây còn có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động với các ngành nghề khác nhau. Do đó, việc kiểm soát người ra vào rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, do tính đặc thù của hệ thống rừng ven biển Nam Quảng Bình là cây thấp, phân cành sớm, thực bì và cỏ rười kết hợp với cành khô lá rụng tạo thành lớp vật liệu cháy rất dày, nên không thể áp dụng biện pháp vệ sinh rừng bằng phương pháp đốt trước. Các hồ nước, khe suối trong rừng vào mùa khô cũng cạn kiệt.

Năm 2019, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, nắng nóng đến sớm nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, đơn vị xác định công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách nên đã xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc.

Ông Nguyễn Quang Thụy, Giám đốc BQL rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình cho biết: “Ngay từ đầu năm, đơn vị triển khai công tác PCCCR bằng các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế, như: tăng cường tuần tra rừng, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, trực tại chòi canh lửa 24/24 giờ. Đồng thời, đơn vị chuẩn bị các điều kiện, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy”.

Để công tác bảo vệ rừng được thuận lợi, đơn vị đã xây dựng thế trận toàn dân tham gia PCCCR. Với thế trận này, BQL đã hợp đồng với 80 người dân gồm các thành phần, như: trưởng thôn, bí thư chi bộ, công an viên, bí thư chi đoàn, cựu cán bộ kiểm lâm, lâm trường nghỉ hưu.

Theo ông Nguyễn Quang Thụy, lực lượng này có vai trò rất quan trọng trong công tác PCCCR. Bởi họ chính là những người trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Nếu trường hợp xảy ra cháy, họ là lực lượng đầu tiên và trực tiếp huy động nhân dân trên địa bàn tham gia chữa cháy. Vào mùa khô, họ sẽ cùng các trạm, tổ bảo vệ rừng của Ban phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết về PCCCR.

Ông Trương Xuân Thu, Bí thư chi bộ thôn Trung, xã Võ Ninh, Quảng Ninh cho biết: “Qua những đợt tập huấn về công tác PCCCR của BQL rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình, tôi nhận thấy rừng trên cát đã mang lại lợi ích lớn đối với đời sống, sinh hoạt của nhiều người dân. Vì vậy, khi xảy ra cháy rừng, tôi sẽ huy động toàn bộ từ con cháu trong nhà đến bà con hàng xóm cùng tham gia chữa cháy”.

Khoảng 12 giờ trưa, có mặt tại rừng phi lao, tràm chắn cát dọc biển, ông Phạm Văn Hoàn, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1 của BQL dẫn tôi cùng các anh em trong trạm vượt qua đồi cát bỏng rát để vào chòi canh. Trời nắng như đổ lửa, gió Lào đang thổi mạnh, dưới tán rừng lớp thực bì và cỏ khô ken dày. Ông Hoàn dặn: “Anh em vào rừng tuyệt đối không được hút thuốc hoặc mang theo các vật dụng dễ cháy. Vì nếu sơ suất có thể làm rừng cháy bất cứ lúc nào”.

Dọn thực bì ở những nơi có nguy cơ cháy cao.
Dọn thực bì ở những nơi có nguy cơ cháy cao.

Các nhân viên của trạm được chia thành hai nhóm phụ trách chòi canh lửa và tuần tra, dọn thực bì ở những nơi có nguy cơ cháy. Hiện lực lượng bảo vệ rừng của trạm chỉ có 2 biên chế và 34 người đang hợp đồng. Trạm được giao bảo vệ 6.000 ha rừng thuộc các xã Võ Ninh, Hải Ninh, Gia Ninh và Hồng Thủy, được trang bị các công cụ để PCCCR.

Ông Lê Văn Trịnh, một cán bộ lâm trường vừa nghỉ hưu tham gia tổ bảo vệ tâm sự: “Việc bảo vệ rừng đã ăn sâu vào máu thịt của tôi rồi. Giờ được tham gia công tác bảo vệ rừng khiến tôi rất vui, lại đỡ nhớ rừng dù phụ cấp chẳng được bao nhiêu”.

Những ngày nắng nóng, ông cùng các thành viên trong trạm, tổ phải cơm đùm gạo bới lên chòi ăn ở cả ngày để canh lửa. Hết giờ canh, ông lại thay cho người khác để vào rừng tuần tra, kiểm soát.

Nhờ xây dựng được thế trận toàn dân giữ rừng tốt nên rừng trên địa bàn được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong những tháng nắng nóng kéo dài, BQL rừng phòng hộ Nam Quảng Bình đã nhận được nhiều thông tin về cháy rừng, hiện tượng người ra vào rừng các khu vực rừng dễ cháy và đã có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế cháy rừng xảy ra.

Xuân Vương


 

,