.

Thực hiện Chương trình giảm phát thải Bắc Trung Bộ: Cơ hội và thách thức

.
08:40, Thứ Bảy, 16/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một trong 6 tỉnh được tham gia thực hiện Chương trình giảm phát thải Bắc Trung Bộ, Quảng Bình có cơ hội để thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn nguồn tài nguyên rừng... Thế nhưng để đạt được mục tiêu trên, tỉnh ta cũng gặp phải nhiều thách thức, trở ngại.

Thực trạng và cơ hội

Theo quy hoạch, điều chỉnh, Quảng Bình hiện có 615 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó có đầy đủ các loại rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất. Trong số 319 nghìn ha rừng sản xuất có 104 nghìn ha rừng trồng; tuy nhiên, chỉ có 58 nghìn ha đã thành rừng, diện tích còn lại chưa thành rừng.

Các loài cây trồng chủ yếu là keo lai gỗ nhỏ, chiếm gần 90% diện tích rừng trồng, còn lại là thông, phi lao và các loài cây khác. Toàn tỉnh còn có 65,338 ha đất chưa có rừng, trong số đó có cả đất trống.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết, trước thực trạng trên và trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, việc lồng ghép Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững với giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ góp phần phát triển ngành lâm nghiệp bền vững mà còn thể hiện trách nhiệm, giúp hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế.

Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ được thực hiện từ năm 2018 đến 2025 ở 6 tỉnh, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, với tổng diện tích đất là 5,15 triệu ha và dân số khoảng 10,5 triệu người. Vùng Bắc Trung Bộ gồm phần lớn diện tích lá rộng thường xanh hiện có của Việt Nam và một số khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng toàn cầu.

Đây là Chương trình REDD+ cấp vùng đầu tiên ở Việt Nam. Theo tính toán, Chương trình giảm phát thải kỳ vọng sẽ giảm được 32,09 triệu tấn CO2 (bao gồm cả giảm phát thải và tăng hấp thụ các bon rừng).

Thực hiện Chương trình giảm phát thải sẽ duy trì sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng.
Thực hiện Chương trình giảm phát thải sẽ duy trì sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng.

Trong đó, giai đoạn thực hiện Hiệp định chi trả giảm phát thải 2019-2024 sẽ giảm phát thải 26 triệu tấn CO2 và Ngân hàng Thế giới đã cam kết mua 10,3 triệu tấn CO2 quy đổi, tương đương với 51,5 triệu đô la Mỹ.

Ngoài lợi ích về giảm phát thải, chương trình còn mang lại các lợi ích phi các-bon trên các khía cạnh kinh tế-xã hội, môi trường và quản trị tại các tỉnh thực hiện, như: duy trì sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng; thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên rừng; bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường quản trị xã hội cấp thôn bản; quản lý và quản trị rừng bền vững; cải thiện quản lý đất, rừng và quy hoạch sử dụng đất…

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu bảo vệ rừng tự nhiên tốt và tăng cường trồng rừng gỗ lớn, chuyển đổi rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và tái sinh rừng tự nhiên có hiệu quả thì Quảng Bình sẽ giảm phát thải ròng 2.063.288 tấn CO2, đóng góp 10,5% giảm phát thải; đặc biệt sẽ hưởng lợi ròng 7.334.233 USD, đứng thứ nhì toàn vùng sau Nghệ An.

Thách thức và những giải pháp

Mặc có nhiều cơ hội để thực hiện Chương trình giảm phát thải, song Quảng Bình là một trong những tỉnh gặp bất lợi trong thực hiện chương trình do hiện tại chưa có các mô hình quản lý rừng bền vững đối với rừng trồng và diện tích rừng trồng cung cấp gỗ lớn không nhiều; trong khi đó, rừng tự nhiên vẫn chưa dừng được đà suy thoái và mất rừng.

Với mục tiêu bảo đảm 15% diện tích rừng bị suy thoái được phục hồi, bảo tồn đến năm 2020; trồng rừng gỗ lớn, sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng; phát triển các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp… cũng là những thách thức không nhỏ đối với tỉnh ta.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học để đề xuất giải pháp quản lý rừng bền vững, phát triển rừng trồng gỗ lớn trong bối cảnh hiện nay. Ông Phạm Văn Bút, Trưởng phòng quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trao đổi: “Để thực hiện đồng bộ, từng bước chấm dứt tình trạng trồng rừng trên đất chưa giao, bảo đảm gỗ hợp pháp, tỉnh cần triển khai lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ khoán bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng với các hoạt động REDD+ để hạn chế mất rừng, suy thoái rừng.

Đặc biệt, tỉnh cần làm thí điểm, đánh giá và nhân rộng các mô hình kinh doanh rừng năng suất cao theo hướng trồng rừng gỗ lớn thâm canh, chuyển hóa rừng từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn”.

Những năm gần đây, tỉnh cũng đã hỗ trợ trên 470 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô và giống cây bản địa tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy. Trong đó, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đệ nhận khoán từ Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn trồng thử nghiệm và đã đầu tư trồng trên 5 ha tại vùng đất xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.

Mô hình đã phát huy hiệu quả, ông Đệ cho hay: "Giống mới có nhiều ưu điểm vượt trội, người dân trên địa bàn rất ưa chuộng, bởi sâu bệnh ít, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao gấp 1,5-2 lần giống cũ. Theo đà phát triển này, rừng trồng chừng 4 năm là có thể thu hoạch được, nhưng để đạt giá trị cao, phải cần 8 năm mới khép tán. Hiện người dân trong vùng cũng đã mua giống cây nuôi cấy mô về trồng khá nhiều, thay thế các loại giống keo lai giâm hom".

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Thái, để phát triển rừng theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của rừng, tỉnh ta cần chú trọng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng với các giải pháp cụ thể, như: liên kết với các doanh nghiệp lớn có chứng chỉ CoC xây dựng vùng nguyên liệu FSC và bao tiêu sản phẩm; có chính sách hỗ trợ các địa phương, đơn vị chủ rừng trong trồng rừng gỗ lớn.

Cùng với đó, các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm hướng dẫn người dân kỹ thuật kinh doanh rừng theo hướng bền vững và nâng cao giá trị lâm sản.

Đặc biệt là giải quyết dứt điểm các trường hợp tự chuyển đổi rừng sai quy định, phá rừng tự nhiên và lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng keo trái phép theo quy định của pháp luật; tổ chức giao đất, giao rừng (nhất là đất trống, rừng trồng) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để gỗ rừng trồng xuất ra thị trường bảo đảm tính hợp pháp.

Hương Trà
 

,