.

Quảng Trạch: Vốn ưu đãi "tiếp lửa" làng nghề

.
08:28, Thứ Ba, 05/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã có những điều chỉnh kịp thời để tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất trong hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm cho các đối tượng nghèo, chính sách, đặc biệt là những lao động trong các HTX, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Quảng Trạch là một trong những địa phương được biết đến với các làng nghề, làng nghề truyền thống, như: chế biển thủy hải sản ở xã Cảnh Dương; mây tre đan ở xã Quảng Phương; dầu mè, lạc ở xã Quảng Trường hay bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh…

Chị Phan Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HTX làng nghề truyền thống Tân An cho biết: "Làng nghề bánh tráng Tân An đã có từ lâu đời, trước đây, do thiếu vốn sản xuất nên chị em trong thôn chỉ làm thủ công, vừa sản xuất vừa bán lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống cần nguồn vốn để mở rộng sản xuất, tăng cường quảng bá sản phẩm.
Các làng nghề, làng nghề truyền thống cần nguồn vốn để mở rộng sản xuất, tăng cường quảng bá sản phẩm.

Từ khi có nguồn vốn vay giải quyết việc làm của PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch, chị em đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư thêm máy tráng bánh, dây chuyền tự động nên đã giảm rất nhiều công đoạn thủ công, sản phẩm làm ra được khách hàng tin dùng. Một số chị em nhờ vay vốn mà phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng".

Hiện, toàn xã Quảng Thanh đã tiếp nhận nguồn vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm và các chương trình khác của PGD NHCSXH huyện với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng và trên 150 hộ vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nổi bật là làng nghề truyền thống bánh tráng Tân An.

Thông qua 4 tổ chức chính trị xã hội có ký hợp đồng ủy thác với PGD NHCSXH huyện, với 11 tổ tiết kiệm và vay vốn, hàng tháng các hộ vay vốn được tham gia sinh hoạt tổ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh. Công tác kiểm tra sử dụng vốn, hướng dẫn bà con cách thức sản xuất, kinh doanh luôn được các tổ chức hội quan tâm nên nguồn vốn vay phát huy hiệu quả tốt.

Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Phan Thị Cẩm Tú chia sẻ: "Thời gian tới, bà con làng nghề truyền thống bánh tráng Tân An cũng rất mong PGD NHCSXH huyện bố trí thêm nguồn vốn các chương trình, nhất là chương trình giải quyết việc làm, để tạo điều kiện cho bà con mở rộng sản xuất, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống".

Năm 2017, anh  Phạm Hồng Nam, ở xã Quảng Trường cùng vợ mở HTX sản xuất nông sản Trường Thủy, chuyên sản xuất về dầu lạc. Anh Nam tham gia vay nguồn vốn giải quyết việc làm từ nguồn của Hội Nông dân được 140 triệu đồng.

Nhiều hộ gia đình ở làng nghề truyền thống bánh tráng Tân An sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển sản xuất. (Ảnh: T.Hành)
Nhiều hộ gia đình ở làng nghề truyền thống bánh tráng Tân An sử dụng hiệu quả vốn vay để phát triển sản xuất. Ảnh: T.Hành

Với nguồn vốn và nội lực có được, mỗi ngày, HTX của anh sản xuất được khoảng 200 lít dầu lạc, tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên HTX với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Nhờ tuân thủ nghiêm nghặt quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn, chất lượng và uy tín, nên sản phẩm dầu lạc Trường Thủy đã có mặt ở nhiều điểm bán hàng, siêu thị và chinh phục nhiều khách hàng khó tính trong cả nước.

Qua thống kê của PGD NHCSXH Quảng Trạch, tính đến hết tháng 12-2018, tổng dư nợ toàn huyện đạt 428.842 triệu đồng, tăng so với đầu năm 51.054 triệu đồng, riêng dư nợ cho vay giải quyết việc làm toàn huyện đạt 12.899 triệu đồng với 404 khách hàng dư nợ.

Chị Trần Thu Nga, Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch cho hay: "Hiện nay,  nhu cầu vay vốn trên địa bàn huyện Quảng Trạch là rất lớn, điều này thể hiện rõ qua dư nợ cho vay, như: xã Quảng Châu có dư nợ 55 tỷ đồng, có 4 xã có dư nợ trên 30 tỷ đồng (Quảng Hưng 34,5 tỷ đồng; Quảng Phương 32,2 tỷ đồng; Quảng Hợp 38 tỷ đồng; Quảng Phú 30 tỷ đồng), trong đó, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm chiếm phần đa số. PGD NHCSXH huyện tiếp tục có những điều chỉnh, tạo điều kiện thiết thực hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm cho người dân".

Hiền Phương


 

,