.

Quản lý tài nguyên nước: Chủ động, đồng bộ, hiệu quả

.
14:28, Thứ Năm, 21/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự sống của con người. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và mặt trái của sự phát triển kinh tế-xã hội, nguồn nước tại một số địa phương ở tỉnh ta đang có dấu hiệu suy giảm cả về chất và lượng. Việc quản lý tài nguyên nước đang được các cấp, ngành chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Nguy cơ suy giảm nguồn nước

Quảng Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú bao gồm cả nguồn nước mặt và nước ngầm.

Nước là nguồn tài nguyên vô giá đối với sự sống con người.
Nước là nguồn tài nguyên vô giá đối với sự sống con người.

Đối với nguồn nước mặt, tỉnh ta có 5 hệ thống sông lớn với tổng chiều dài 375km, tổng diện tích lưu vực 7.778 km2. Các hệ thống sông này đều là sông nội địa được bắt nguồn từ vùng rừng núi cao thuộc dãy Trường Sơn và đổ ra biển Đông.

Ở hạ du mỗi sông đều có các cánh đồng bằng phẳng được tạo ra từ phù sa và nằm gần biển. Đặc điểm địa hình đặc trưng với lưu vực nhỏ khiến nước lũ lên xuống nhanh, gây nguy hiểm và thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, người và của. Mùa cạn kéo dài nhưng tổng lượng dòng chảy lại rất nhỏ, không đáng kể; lượng nước trên các sông thường bị thiếu nên hạn hán xảy ra, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh ta còn có 140 hồ chứa tự nhiên và nhân tạo, 96 đập dâng lớn nhỏ với tổng dung tích 550 triệu m3; trong đó có 35 hồ có dung tích > 1 triệu m3 có nhiệm vụ chính cấp tưới cho trên 40.000ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước phục vụ sinh hoạt.

Đối với nguồn nước ngầm, theo báo cáo Quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của tỉnh khoảng 516.000 m3/ngày đêm.

Đây được xem là nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú nhưng không phải là vô tận bởi nguồn nước ngầm ở tỉnh ta phân bố không đều, mức độ nông sâu thay đổi phụ thuộc vào địa hình và lượng mưa trong năm. Vùng đồng bằng ven biển thường có mực nước ngầm nông và dồi dào trong khi vùng trung du miền núi có mực nước ngầm sâu và cạn kiệt vào mùa khô.

Tuy dồi dào, phong phú nhưng nguồn tài nguyên nước ở tỉnh ta đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu cộng với tác động của con người thông qua các hoạt động khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản và nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nước thải công nghiệp tại các cơ sở sản xuất chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để.

Bên cạnh đó, việc quản lý khai thác nguồn nước chưa chặt chẽ do thiếu điều tra đánh giá chi tiết và quy hoạch; việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước chưa được chú trọng, các chủ hồ đập chưa xác định rõ trách nhiệm quản lý và gia tăng các hoạt động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi nên một số hồ đã có dấu hiệu ô nhiễm gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt.

Kèm theo đó, vùng ven biển thuộc hạ du các sông đều bị xâm nhập mặn với mức độ ít nhiều khác nhau, phụ thuộc vào sự truyền triều từ ngoài biển vào; thông thường ở vùng cửa sông độ mặn cao, càng đi sâu và lên phía thượng lưu độ mặn càng giảm dần.

Đồng bộ các giải pháp

Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN-MT tập trung giải quyết các vấn đề về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn.

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Sở đã chủ động rà soát, thống kê toàn bộ hồ, đập hiện có trên địa bàn cũng như nhu cầu sử dụng nước theo thứ tự ưu tiên; hiện trạng môi trường và quản lý, sử dụng đất quanh hồ chứa.

Sở TN-MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch, cắm mốc hành lang bảo vệ chất lượng nguồn nước các hồ, đập thủy lợi và cấp nước sinh hoạt. Theo đó, sẽ có tổng cộng 11 sông, suối và 43 hồ chứa nằm trong danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Minh Tuân, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, Sở TN-MT cho biết, hàng năm, Sở phối hợp với phòng TN-MT các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tài nguyên nước.

Hoạt động khai thác khoáng sản gây nguy cơ suy giảm nguồn nước.
Hoạt động khai thác khoáng sản gây nguy cơ suy giảm nguồn nước.

Công tác kiểm tra, thanh tra tập trung chủ yếu vào một số hoạt động quan trọng, như: hành nghề khoan nước dưới đất, thăm dò, khai thác nước dưới đất, xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Qua thanh tra, kiểm tra, Sở đã tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp được 197 giấy phép tài nguyên nước, trong đó có 28 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 72 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 96 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý 17 hồ chứa, nhiều trạm bơm và cống ngăn mặn giữ ngọt Mỹ Trung phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời, bảo đảm an toàn công trình, cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương trên toàn tỉnh.

Thời gian qua, Công ty luôn tăng cường bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, chống suy thoái, chống cạn kiệt. Nhờ đó, vượt qua những khó khăn do thời tiết cực đoan, Công ty luôn bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho 30.000ha lúa/năm.

Để quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước, trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về tài nguyên nước; tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22-3) nhằm đẩy mạnh tuyên tuyền các văn bản pháp luật về tài nguyên nước cho các tổ chức, cộng đồng; nâng cao nhận thức cộng đồng trong khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước và bảo vệ nguồn nước.

Về lâu dài, Sở tiếp tục huy động các nguồn lực, tiến hành Quy hoạch phân bổ và bảo vệ nước dưới đất và nước mặt trên địa bàn tỉnh; cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt tại các hồ, đập đảm nhiệm cấp nước sinh hoạt; trước mắt, ưu tiên cho các hồ Bàu Sen (Quảng Trạch), Vực Nồi (Bố Trạch) và Rào Đá (Quảng Ninh)…, ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết thêm.

Thanh Hải


 

,