.

"Khủng hoảng thừa" cơ sở lưu trú ở Phong Nha

.
14:37, Thứ Hai, 18/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian gần đây, hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, homestay thi nhau mọc lên tại khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch, Bố Trạch). Điều đáng nói, lượng khách đến lưu trú tại đây không nhiều dẫn đến tình trạng nhiều nhà nghỉ, khách sạn luôn “đói khách”. Nhiều chủ khách sạn, homestay phải vay vốn ngân hàng để đầu tư, thu không đủ bù chi khiến nhiều người rơi vào tình cảnh “giữ không được, mà bỏ cũng không xong”.
 
Đến Phong Nha những ngày này sẽ dễ dàng nhận ra sự bùng nổ các cơ sở lưu trú. Chỉ một đoạn đường ngắn nhưng có đến hàng chục cơ sở lưu trú nằm san sát nhau.
 
Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận thấy là lượng khách du lịch lưu trú tại khu vực này còn rất hạn chế. Đa phần chỉ tập trung ở một số cơ sở lớn và chuyên nghiệp trên địa bàn.
 
Anh Nguyễn Song Toàn, chủ khách sạn Song Toàn, xã Sơn Trạch cho biết, để phục vụ nhu cầu lưu trú của khách đến tham quan khu du lịch Phong Nha, vợ chồng anh đã mạnh dạn vay một số tiền lớn để xây dựng khách sạn với hơn 10 phòng nghỉ. Dù được đầu tư mới, cơ sở vật chất khá khang trang nhưng lượng khách đến lưu trú vẫn còn ít.Thu nhập từ khách sạn không đủ bù cho các chi phí điện nước, thuê nhân công và trả lãi cho khoản vay ngân hàng.
 
“May mắn là ngoài kinh doanh khách sạn, tôi còn làm thêm một số công việc khác. Khoản thu đó có thể dùng để bù qua bù lại nên vẫn duy trì được. Còn nhiều cơ sở khác ở đây không có nguồn thu ngoài thì liên tục rơi vào tình trạng thu không đủ chi”, anh Toàn chia sẻ.
Ngày càng nhiều khách sạn, homestay được mở ra tại khu vực Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.
Ngày càng nhiều khách sạn, homestay được mở ra tại khu vực Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch.

Anh T., một chủ nhà nghỉ khác gần đó (đề nghị giấu tên) cho hay: “Để có thể thu hút khách đến lưu trú, anh đã triển khai rất nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá nhưng vẫn không mấy khả quan. Mùa du lịch cao điểm thì không nói, còn mùa thấp điểm thì lâu lâu mới có một khách du lịch ghé nghỉ chân.

Trước đây, tôi nghĩ với lượng khách du lịch đến Phong Nha ngày càng tăng như thế này thì việc xây cơ sở lưu trú sẽ làm ăn được, nên mới mạnh dạn vay tiền đầu tư. Làm xong mới biết để du khách đến với mình còn cần nhiều yếu tố hơn. Mà nếu không có kinh nghiệm và nghiệp vụ thì sẽ khó để đáp ứng được”.

Ông Nguyễn Nam Trung, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết, hiện tại trên địa bàn xã có hơn 100 cơ sở lưu trú gồm: khách sạn, nhà nghỉ, homestay với gần 1.000 phòng và gần 2.000 giường; trong đó, homestay chiếm số lượng nhiều nhất với 53 cơ sở.
 
Các cấp, các ngành chức năng đã có nhiều phương án hỗ trợ để tăng lượng khách cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn thông qua việc phát triển các sản phẩm du lịch, các loại hình dịch vụ du lịch, như: du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn ở suối nước Moọc, sông Chày-hang Tối, thung lũng Sinh Tồn, thác Gió; du lịch văn hóa lịch sử, thăm các di tích lịch sử đường 20 Quyết thắng; du lịch mạo hiểm… 
 

Ngoài ra, UBND xã cũng phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện và các dự án để tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho các cơ sở kinh doanh, các nhân viên bán hàng; mở lớp kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, tiếng Anh giao tiếp... Lượng khách đến Phong Nha cũng liên tục tăng, từ 485.324 lượt (năm 2016) lên 575.664 lượt (năm 2018).

Tuy nhiên, lượng khách ở lại lưu trú tại Phong Nha còn thấp. “Thời gian lưu lại Phong Nha của du khách thường rất ngắn. Vì các nhà đầu tư chưa tạo được chỗ chơi để giữ khách ở lại mà toàn đầu tư vào chỗ ở, dẫn đến thừa chỗ ở nhưng thiếu chỗ chơi. Đó chính là mấu chốt của vấn đề”, ông Trung chia sẻ.

Lượng khách du lịch, nhất là du khách quốc tế đến Phong Nha ngày càng tăng nhưng số khách lưu trú lại dài ngày thì rất hạn chế.
Lượng khách du lịch, nhất là du khách quốc tế đến Phong Nha ngày càng tăng nhưng số khách lưu trú lại dài ngày thì rất hạn chế.

Riêng về việc bùng phát xây dựng homestay, ông Trung cũng thừa nhận, thực tế người dân Phong Nha ồ ạt xây các cơ sở lưu trú như homestay nhưng hầu hết chưa hiểu được hết loại hình du lịch này để xây dựng các mô hình homestay đúng nghĩa của nó.

Vì vậy, hoạt động du lịch có tiềm năng nhưng hiệu quả khai thác còn rất thấp, việc định hướng cũng như công tác quản lý loại hình du lịch này gặp nhiều khó khăn. Đã có một số vấn đề xảy ra, như: việc phục vụ còn đơn giản, dịch vụ bổ sung cho khách còn chưa nhiều, đội ngũ lao động chưa được đào tạo qua trường lớp, yếu về trình độ ngoại ngữ... dẫn đến tình trạng không giữ được khách du lịch lưu trú dài ngày.

Để khắc phục tình trạnh này, ông Trung đề nghị các cấp có thẩm quyền cần quản lý chặt chẽ ngay từ khâu thẩm định cấp phép cũng như khi hoạt động của cơ sở homestay; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phục vụ cho lực lượng lao động làm việc trong du lịch ở nhà dân; đề nghị ban hành tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú homestay đúng nghĩa; các mô hình homestay phải xây dựng các dịch vụ kèm cho khách trải nghiệm, nhưng phải mang đậm bản sắc riêng của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, việc "khủng hoảng thừa" cơ sở lưu trú ở Phong Nha là việc hoàn toàn có thể nhìn thấy được. Nhiều chủ cơ sở lưu trú không có kinh nghiệm cũng như nghiệp vụ chuyên sâu về du lịch nhưng lại đổ vốn đầu tư vào xây cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch. Nhiều người xây nhà nghỉ, khách sạn theo phong trào mà không tính toán về chất lượng phục vụ. Về góc độ những người làm du lịch chuyên nghiệp, ông Kỳ khuyến cáo đây là thực trạng cần chấn chỉnh. Vì những người dân chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên nghiệp sẽ rất khó để bảo đảm yếu tố chất lượng phục vụ.

Ông Kỳ cho rằng, về vấn đề này, chính quyền địa phương cần có định hướng cho người dân. Đầu tư cơ sở lưu trú ở mức nào cho phù hợp với lượng khách. Cung cầu phải có sự cân đối mới vừa bảo đảm được chất lượng phục vụ du khách vừa có được nguồn thu tương đối cho cơ sở lưu trú. 

L.C
,