.

Đìu hiu... làng nón Ba Đề

.
08:49, Chủ Nhật, 17/03/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Được hình thành và phát triển từ những năm 40 của thế kỷ 20, làng nghề sản xuất nón lá Ba Đề, xã Bắc Trạch (Bố Trạch) đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm. Vào giai đoạn cực thịnh, nghề từng là "cứu cánh" trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân địa phương. Thế nhưng, đó đã là câu chuyện của nhiều năm trước. Hiện tại, nón lá Ba Đề đang đứng trước nguy cơ mai một vì phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, rào cản.

Lao động quay lưng với nghề

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, khoảng năm 1940, một số người dân địa phương gồm ông Phan Văn Dũng, Nguyễn Văn Hồ, Phan Văn Xanh, Cao Viết Tốn... đến học nghề làm nón ở làng Thổ Ngọa, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch (nay là phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn).

Thiếu vốn và lao động, chị Nguyễn Thị Lan gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng cơ sở thu mua nón lá.
Thiếu vốn và lao động, chị Nguyễn Thị Lan gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng cơ sở thu mua nón lá.

Sau khi học nghề thành thạo, họ trở về làng làm nghề và truyền dạy cho nhiều người dân địa phương. Từ đó đến nay, trải qua nhiều thế hệ, nghề làm nón được người dân Ba Đề gìn giữ và phát triển.

Thực tế cho thấy, những năm trước đây, ở Ba Đề, nhà nào làm nón thì mức sống ổn định hơn. “Mặc dù là nghề phụ nhưng làm nón đã thu hút mọi lứa tuổi lao động ở địa phương. Tuy thu nhập không cao nhưng nhờ đó, người dân quê tôi cũng kiếm thêm thu nhập để trang trải cho những sinh hoạt trong gia đình.

Khó có thể làm giàu, nhưng với nghề làm nón trong tay, người dân làng nghề Ba Đề ngày trước không phải lo đến việc đói ăn, thiếu mặc. Bởi quanh năm hầu như không lúc nào là không có việc; sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu", ông Phan Đình Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch chia sẻ.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Hiện tại, lao động làm nón ở Ba Đề đang "rơi rụng" dần theo thời gian. Nếu ngày trước, nghề làm nón là niềm tự hào của người dân địa phương khi giúp họ vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn thì nay, không ít người dân đang quay lưng với nghề để tìm sinh kế khác. Tất cả là vì thu nhập từ nghề làm nón chẳng đáng là bao.

Theo thống kê của địa phương, năm 2015, toàn xã Bắc Trạch có khoảng 300 hộ với hơn 750 lao động làm nghề. Nhưng hiện nay, con số đó chỉ còn 130 hộ với khoảng 350 lao động. Mức thu nhập 50.000-70.000 đồng/ngày từ làm nón không đủ sức hấp dẫn nhiều lao động, nên họ chuyển hướng tìm nghề khác với mức thu nhập cao hơn.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm nón, nhưng nay, chị Phạm Thị Bình (thôn 4) vẫn quyết định "chia tay" nghề truyền thống của làng để chuyển sang làm thợ nề. Chị bảo, cũng thấy tiếc khi không quyết tâm theo đến cùng nghề của ông cha nhưng vì hoàn cảnh khó khăn mà mức thu nhập từ làm nón lại không đáng kể, không đủ để chị trang trải những sinh hoạt trong gia đình.

Bởi vậy, hơn 2 năm nay, chị Bình chuyển sang làm thợ nề với mức thu nhập 220.000-250.000 đồng/ngày. "Tính ra, làm thợ nề thu nhập cao gấp 3-4 lần làm nón. Làng tôi giờ nhiều người bỏ nghề làm nón để chuyển qua các nghề khác, như: mộc, nề, dịch vụ, buôn bán nhỏ...", chị Bình cho biết.

Đúng như lời chị Bình chia sẻ, lao động tại làng nghề Ba Đề hiện tại "rơi rụng" khoảng gần một nửa. Và đa số những người còn bám trụ với nghề đều là những người già cả, lớp thanh niên gần như rất hiếm người tỏ ra mặn mà với nghề.

Gian nan giữ nghề

Việc được công nhận là làng nghề vào năm 2008 là cơ sở để nón lá Ba Đề tiếp tục khẳng định sức sống qua hơn ¾ thế kỷ; đồng thời là “bước đệm” để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm. Tuy nhiên, cho đến nay, đây vẫn là ước mơ xa tầm tay của người dân địa phương. Hành trình xây dựng thương hiệu cho nón lá Ba Đề vấp phải quá nhiều khó khăn mà vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”.

Hiện tại, đời sống của người dân địa phương vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Làm nón tuy là nghề truyền thống nhưng vẫn chỉ được xem là nghề phụ kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, rảnh rỗi, chính vì vậy, hình thức sản xuất vẫn còn mang nặng tính tự phát, nhỏ lẻ.

Nón lá Ba Đề đang rất cần phương hướng phát triển lâu dài, ổn định.
Nón lá Ba Đề đang rất cần phương hướng phát triển lâu dài, ổn định.

Mức thu nhập từ làm nón cũng chỉ đủ để người dân trang trải một số khoản chi tiêu nhỏ trong cuộc sống. Do đó, việc huy động nguồn vốn từ dân để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là điều "bất khả thi" đối với nón lá Ba Đề.

Hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Lan (thôn 4) mở cơ sở thu mua nón lá cho người dân ở địa phương. Chị nhập nguyên liệu về cho bà con làm nón, sau đó thu mua sản phẩm. Mong muốn của chị là mở rộng cơ sở, giúp bà con phát triển nghề. Tuy nhiên, do thiếu vốn và lao động nên suốt nhiều năm qua, chị vẫn chưa thể biến mong muốn ấy thành hiện thực.

"Khó khăn hiện tại của cơ sở là do chưa đăng ký giấy phép kinh doanh nên không được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng quy mô. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho tôi đăng ký giấy phép kinh doanh nhưng vì thiếu lao động nên chưa thể thực hiện được", chị Lan chia sẻ.

Ngoài chuyện thiếu vốn, thị trường tiêu thụ của nón lá Ba Đề cũng đang gặp nhiều hạn chế, chỉ gói gọn ở một vài địa phương trong tỉnh, như: chợ Cộn (TP. Đồng Hới), Phong Nha, chợ Troóc (Bố Trạch)...

Nguyên nhân là do mẫu mã sản phẩm không được cải tiến, không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các làng nghề khác. Rõ ràng, việc loay hoay tìm hướng đi trong vô vàn khó khăn khiến công tác xây dựng thương hiệu, phát triển làng nón Ba Đề rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Và nếu không tìm được giải pháp thích hợp, kịp thời thì thực trạng mai một làng nghề sẽ không còn là câu chuyện của "thì tương lai xa".

Để nón lá Ba Đề có được thương hiệu riêng của mình, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần hoạch định phương hướng phát triển lâu dài, bền vững; khuyến khích bà con thành lập các tổ, nhóm sản xuất tập trung.

Mặt khác, làng nón Ba Đề rất cần đến sự quan tâm hơn nữa của chính quyền, các cơ quan chức năng để người dân nơi đây yên tâm giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Tâm An
 

,