.

Về nơi nắng ấm

.
09:43, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Hôm đó, khi bàn chân đã rát bỏng trong cát nóng, em nhìn biển xót xa: “Biết khi nào biển sạch hả chị?”. Ngoài khơi có con thuyền chênh chao giữa sóng. Đó là lúc người ta cảnh báo vùng biển 4 tỉnh miền Trung đang bị nhiễm độc do Formosa Hà Tĩnh xả thải.
 
Bất chấp sự can ngăn của mọi người, hai người bạn trong nhóm của em, một trai, một gái đã lên thuyền cùng ngư phủ. Gần hai giờ sau, thuyền vào bờ. Hai người trẻ ướt sũng. Trên vàng lưới, chỉ có mươi con cá nhỏ, nhưng đa phần đã chết hoặc bị biến dạng. Mọi người im lặng nhìn nhau, “biển chết” thật rồi!
 
Sau buổi đó, em và hơn 10 bạn trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh đã đi về các làng biển, cùng người dân dọn rác rồi tìm hiểu về những khó khăn của họ, tạo FanPage trên mạng xã hội, kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ đồng bào miền Trung. Thời gian đó, em đi về Sài Gòn-Quảng Bình thường xuyên hơn. Hàng và tiền được các em đưa về trao tận tay những gia đình ngư dân thực sự khốn khó.
 
Sự thấu cảm chân thành của các em đã chạm đến trái tim của người dân các làng biển. Ngày chia tay, em chân thành: “Em mong ngày trở lại, biển hồi sinh, chị em mình lên Phong Nha chơi. Em chưa được đến đó”. Tôi cầm tay em: “Chị chờ!”. Thực ra, lúc đó, cả tôi và em đều hiểu, sẽ chẳng có phép màu nào cả, chỉ nỗi đau là có thật!
 Năm 2018, Quảng Bình có 3,9 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Năm 2018, Quảng Bình có 3,9 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Mùa mưa năm đó và năm sau nữa, 2 cơn bão lớn liên tiếp đổ bộ vào miền Trung. Biển sôi sục, đục ngầu, vật vã rồi tống vào bờ hàng lớp cặn bã. Những làng mạc chìm trong nước lũ, quê nghèo sau bão xác xơ.
 
Trong những ngày gian nan ấy, em cùng những người bạn đã quay trở lại. Em đi xe máy, trèo đèo lội suối, đến các bản làng xa xôi, mang áo quần, chăn màn, thực phẩm, thuốc men cho những đồng bào đang đói và lạnh. Lần ấy, xe nổ lốp trên dốc đá, may mà em chỉ bị thương nhẹ.
 
Quê hương tôi sau cơn “địa chấn” có tên Fomorsa và hai trận cuồng phong, tưởng khó gượng dậy, nhưng đã đứng dậy, ngay sau đó, một cách khó tin. Như mưa đền cây, khách du lịch cả nước về với Quảng Bình, không ngần ngại bởi câu hỏi chưa có lời đáp “biển đã sạch chưa?”.
 
Du lịch Quảng Bình sau một mùa đìu hiu, thưa vắng, dần nhộn nhịp, đông vui trở lại. Mùa nước nổi mang cá tôm về các vùng đầm phá, đắp bù cho sự thiếu hụt cá tôm của biển. Không chỉ đồng bằng được mùa nhờ phù sa mùa lũ, trên các bản làng, đồng bào Rục, Arem, Vân Kiều cũng được mùa lúa rẫy.
 
Sau hai năm, biển chưa kịp tái tạo trở lại nguồn thủy sinh dồi dào như vốn có, nhưng cá tôm, rồi những hải sản quý như tôm sú, tôm hùm, mực ống, mực nang...từ biển đã tụ về các chợ, các nhà hàng và theo các chuyến hàng vào nam ra bắc. Làng biển cũng qua dần cơn bĩ cực, ngư dân tha hương lần lượt trở về, nhận tiền đền bù, vay vốn ưu đãi của Nhà nước, đóng tàu to, vượt sóng lớn.
 
Trở lại Phong Nha vào những ngày tháng tư, khi hoa Vàng anh nở rộ bên bờ suối, tôi nhớ lời hẹn của em. 2018, Quảng Bình quê tôi đã có một năm bình yên với thời tiết đẹp. Cuối thu, khi gió trở mùa, hoa lau nở trắng những sườn đồi. Người quê tôi nhìn lau nở là mừng, biết năm đó không có bão. Tôi nhớ câu hát của mẹ ngày xưa “rằng qua lận đận mới tận lòng nhau”.
Vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của người dân các làng biển đã ổn định.
Vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của người dân các làng biển đã ổn định.
Quê hương tôi cứ hết lận đận này lại đến lận đận khác nên đã “tận” tấm lòng của người dân cả nước, trong đó có em và những người bạn của mình. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy em trên trang cá nhân, khi thì em ở xứ sở sương mù, khi thì ở một bờ biển đẹp của một đất nước xa xôi.
 
Em xinh đẹp và kiêu sa, không giống em tóc rối, quần jean, áo phông bạc màu, khi thì lội trên cát nóng, khi thì dầm trong mưa lũ ở quê tôi. Tôi muốn em trở lại Quảng Bình những ngày nắng ấm, chỉ để em được ngắm hoàng hôn trên dòng sông Son, ăn con cá, con tôm trên dòng sông ấy, như là nhận từ quê hương tôi một lời cám ơn nồng ấm!
 
Về đi em,về đi lại cùng tôi những nẻo đường quê em đã từng đi. Em sẽ thấy, người dân quê tôi vẫn lam lũ trong bùn đất, tằn tiện từng bữa ăn cho con được đến trường. Nhưng nơi ấy nắng ấm đã về. Tôi sẽ kể em nghe câu chuyện về cậu bé con nhà nghèo nuôi ước mơ biến nơi mình sinh ra thành một điểm đến sáng giá trên bản đồ du lịch thế giới.
 
Và giấc mơ đẹp ấy đã thành hiện thực. Nghe rằng, trước mùa xuân này, chàng trai sông Son đã bay tới Mỹ, kết nối những đạo diễn nổi tiếng của Hollywood để tiếp tục quảng bá cho du lịch Quảng Bình, với hy vọng du lịch sẽ mang sinh kế cho người dân và sự đổi thay cho một vùng đất.
 
Tôi cũng sẽ nói với em rằng, hiếm có nơi nào mà địa văn hóa và sự thăng trầm của lịch sử để lại nhiều dấu ấn sâu đậm như ở nơi này. Con sông Gianh kể chuyện Trịnh-Nguyễn phân chia đôi bờ giới tuyến. Lũy Đào Duy Từ còn giữ lại cho Đồng Hới sự cổ kính, khiêm nhu với những bức tường cổ và những con kênh đào chảy quanh trong lòng phố.
 
Đường Hồ Chí Mình như bản hùng ca yêu nước xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh Phong Nha- Kẻ Bàng...Sự giao thoa và tiếp biến văn hóa cũng đã để lại cho vùng đất này cả một kho tàng văn hóa, nghệ thuật vô cùng độc đáo. Và như thế, quê hương tôi đâu chỉ có sự hấp dẫn, kì bí của “vương quốc hang động”. Chỉ tiếc là, cho mãi đến bây giờ, những giá trị ấy vẫn chưa được khai mở xứng tầm với nó, quảng bá nó như một niềm tự hào!
 
Về đi em, biển đã yên bình. Tôi sẽ chờ em như chờ những tia nắng đầu tiên của mùa xuân đang về!
 
Trần Hồng Hiếu
,