.

Làm nông… thời đại 4.0

.
09:42, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Cách mạng công nghiệp 4.0 với những tiến bộ về kỹ thuật và Internet đã thực sự tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu. Và với riêng nền nông nghiệp tỉnh ta, cuộc cách mạng này chính là cơ hội “vàng” để nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến và thông minh vào chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao hiệu quả sản xuất.
 
Những “nhà nông 4.0”
 
Một ngày làm việc của anh Phan Trung Thông, Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) thường bắt đầu bằng việc theo dõi hệ thống cảm biến nhiệt độ và tính toán chế độ dinh dưỡng cho toàn bộ cây trồng trong hệ thống nhà màng thuộc Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty.
 
Tận dụng nguồn rác thải hữu cơ và phế phụ phẩm nông nghiệp được phân loại tự động từ nhà máy rác, các nhân viên Công ty đang thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh để tạo ra các giá thể hữu cơ, phân hữu cơ và dùng chính các giá thể hữu cơ đó để trồng các loại rau màu, dưa lưới theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường.
 
Giữa màu xanh “mướt mắt” của các loại hoa, rau màu, dưa lưới và sung Mỹ, chia sẻ với phóng viên, anh Phan Trung Thông cho biết, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty bao gồm 6 hệ thống nhà màng với toàn bộ quy trình chăm sóc cây trồng chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Internet.
 
Trên nền diện tích 8.000m2, các loại cây được chăm sóc tự động thông qua hệ thống tưới theo công nghệ tiết kiệm với chế độ nước, phân, dinh dưỡng đã được tính toán chi tiết và được điều khiển qua hệ thống máy tính của Công ty.
 
Riêng dưa lưới, mỗi cây chỉ giữ lại một quả tốt nhất và được mã hóa, định vị “tọa độ” quản lý trên máy tính cho đến khi thu hoạch. Khu vực nhà màng được gắn với bộ cảm biến thông minh, tự động điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng thích hợp cho các loại cây trồng bên trong bằng cách mở khẩu độ phù hợp để đón ánh nắng mặt trời và tự khép kín trong điều kiện nhiệt độ bên ngoài quá cao.
Nông nghiệp 4.0 là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp 4.0 là xu thế phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp.
Không chỉ tập trung ở các công ty lớn, giờ đây các ứng dụng khoa học công nghệ, tự động và bán tự động đang được người nông dân tỉnh ta ưu tiên áp dụng ngay cả trong các trang trại gia đình.
 
Tự nhận mình là nông dân của thế hệ cũ nhưng anh Hoàng Minh Thắng (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) đã chủ động nắm bắt xu thế ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại lạnh khép kín với quy mô 50 lợn nái và 1.000-1.200 lợn thịt/năm.
 
Anh Thắng chia sẻ, toàn bộ hệ thống chuồng lạnh được gắn với bộ cảm biến tự động. Khi quạt hút được vận hành, không khí trong chuồng sẽ được rút ra và không khí mới được tràn vào qua các tấm làm mát để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm luôn duy trì ổn định ở mức 280C. Trong trường hợp mất điện, hệ thống còi tự động sẽ báo để người nuôi chủ động mở máy phát điện, điều chỉnh nhiệt độ.
 
Đặc biệt, với sự hỗ trợ của hệ thống các “mắt” camera giám sát từ xa, nên dù ở bất cứ đâu, anh Thắng cũng hoàn toàn có thể nắm rõ tình hình ở trang trại của mình chỉ bằng vài cái nhấp tay trên màn hình smartphone.
 
Tạo đà “bắt nhịp” công nghệ
 
Theo các chuyên gia, nông nghiệp 4.0 tập trung vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, sinh học và công nghệ nano; đồng thời, sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà không cần sự có mặt trực tiếp của con người.
 
Nắm bắt xu thế nông nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0, thời gian qua, tỉnh ta đã tích cực chỉ đạo phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, xem nông nghiệp công nghệ cao chính là “bước đệm” để nông nghiệp tỉnh ta thu hẹp khoảng cách với nông nghiệp thông minh.
 
Theo ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp-PTNT, các công nghệ được tích hợp ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ta hiện nay chủ yếu là cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến; tự động hóa; công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học hay các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao; các quy trình canh tác tiên tiến theo hướng hữu cơ… nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng và sức cạnh tranh của nông sản, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
 
Hiện trên địa bàn tỉnh ta, trồng trọt là lĩnh vực thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung chủ yếu vào sản xuất rau quả an toàn và cây dược liệu.
 
Có thể kể đến đầu tiên là Dự án trang trại Nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP thực phẩm sạch Đông Dương (Thuận Đức, Đồng Hới); Dự án trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm (Lý Trạch, Bố Trạch) hay Nông trại sản xuất thực phẩm sạch của Công ty TNHH Thương mại Hiếu Hằng (Đồng Sơn, Đồng Hới)…
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nổi bật nhất có thể kể đến công ty TNHH Butaphan (Trường Xuân, Quảng Ninh) với các thiết bị hiện đại được xếp vào loại hàng đầu Việt Nam được ứng dụng trong việc thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi trong chăn nuôi với quy mô 2.400 lợn nái.
 
Riêng trong lĩnh vực thủy sản, toàn tỉnh đã có 2 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và PTNT ra quyết định công nhận là dự án nuôi tôm của Công ty Cổ phần Thanh Hương và Công ty Cổ phần Đức Thắng (xã Hải Ninh, Quảng Ninh).
 
Đây là những dự án nuôi tôm công nghiệp 2 cấp, trong đó cấp 1 được nuôi trong nhà kính với quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh, hóa chất, sử dụng 100% nước biển tự nhiên tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và bảo đảm vệ sinh ATTP.
 
Điều đáng nói là tất cả các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh ta có sản lượng khá, tiêu thụ tốt; không ít sản phẩm đã được các siêu thị lớn bao tiêu, thậm chí là đã xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà đầu tư.
 
“Với kết quả nhất định trong những bước đi đầu tiên ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX tiếp cận công nghệ; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách; xúc tiến mở rộng thị trường nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thêm cơ hội để nông nghiệp công nghệ cao tỉnh ta phát triển, thu hẹp khoảng cách với nông nghiệp thông minh trong thời đại công nghệ 4.0”, ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT khẳng định thêm.
 
Thanh Hải
,