.

Hiệu ứng ánh sáng trong du lịch

.
09:42, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thiết kế để tạo nên hiệu ứng ánh sáng là công trình nghệ thuật, làm sao để tạo nên một bản giao hưởng ánh sáng cho du khách “nghe” bằng mắt, thỏa mãn thị giác và lâng lâng nhiều cung bậc cảm xúc.
 
Những bản giao hưởng ánh sáng
 
Du lịch, suy cho cùng là để thoả mãn mắt nhìn, tai nghe, trải nghiệm và mua sắm, trong đó thoả mãn mắt nhìn là yếu tố rất quan trọng. Đầu tiên là phải được nhìn thấy. Có mục sở thị mới thích, có thích mới muốn trải nghiệm và mua sắm.
 
Phần lớn các cuộc du lịch, thời gian ban ngày việc di chuyển (đi xe, đi bộ…) rất nhiều nên khoảng thời gian tĩnh để ngắm nhìn, chiêm nghiệm, mua sắm thường ít hơn buổi tối. Đây chính là mấu chốt để nghiên cứu những hoạt động, dịch vụ phục vụ khách du lịch.
 
Một đô thị, một điểm du lịch được chiếu sáng về đêm bằng sự sinh động của các sắc màu sẽ kích thích, lôi kéo du khách ra đường thay vì chùng xuống trong giấc ngủ sau một ngày di chuyển. Ánh sáng là thứ kích thích thị giác, cảm giác con người rất mạnh.
 
Du khách có thể ồ lên khi từ trên cao nhìn thấy một thành phố bừng sáng với muôn vàn màu sắc, có thể suýt soa ngắm một cây cầu lung linh trên mặt nước lấp lánh, phải đứng lại ngắm nhìn, thậm chí phải bước vào bên trong một cửa hàng, cửa hiệu được bài trí hệ thống ánh sáng bắt mắt, kích thích, mời gọi…
Nhật-Nguyệt song tháp, điểm nhấn của hồ Quế trong tuyến tham quan “hai sông bốn hồ” ở Quế Lâm-Trung Quốc lung linh, huyền ảo.
Nhật-Nguyệt song tháp, điểm nhấn của hồ Quế trong tuyến tham quan “hai sông bốn hồ” ở Quế Lâm-Trung Quốc lung linh, huyền ảo.
Không thể không ra đường buổi tối trong một khung cảnh như vậy. Đó chính là kết quả của hiệu ứng ánh sáng, nó tạo nên những không gian văn hoá, không gian thương mại, gia tăng hoạt động của du khách, mục tiêu hướng tới của ngành du lịch.
 
Hiệu ứng ánh sáng ở một đô thị, một điểm du lịch quan trọng thế nào thì đã rõ, tuy nhiên, không phải cứ sáng lên là hấp dẫn. Ánh áng cũng cần được “qui hoạch” một cách bài bản, có chủ ý của từng điểm, từng khu vực, từng công trình…, tạo sự khác biệt để tránh nhàm chán, hay nói cách khác là tạo sự hưng phấn cho du khách. Thiết kế để tạo nên hiệu ứng ánh sáng là công trình nghệ thuật, làm sao để tạo nên một bản giao hưởng ánh sáng cho du khách “nghe” bằng mắt, thỏa mãn thị giác và lâng lâng nhiều cung bậc cảm xúc.
 
Thủ đô Pari của Pháp được mệnh danh là “Kinh đô ánh sáng” bởi sự chú trọng trong thiết kế ánh sáng của thành phố này với hơn 296 địa điểm được chiếu sáng, bao gồm khách sạn, nhà thờ, tượng, đài phun nước, các tòa nhà quốc gia và di tích.
 
Đặc biệt, 33 trong số 37 cây cầu của Paris được chiếu sáng vào buổi tối. Không chỉ châu Âu, nhiều đô thị của các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…cũng đã thành công trong việc tạo hiệu ứng ánh sáng để thu hút khách du lịch.
 
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc tại Tập đoàn truyền thông nhật báo Quảng Tây (Trung Quốc), chúng tôi được các đồng nghiệp dẫn đi tham quan thắng cảnh “hai sông bốn hồ” tại “thiên đường du lịch” Quế Lâm. “Hai sông bốn hồ” hoàn toàn là thắng cảnh nhân tạo, xuất phát từ việc đào thông bốn hồ với hai sông (hồ Dung, hồ Sam, hồ Mục Long, hồ Quế; sông Ly và sông Đào Hoa) với chu vi hơn 10 cây số vuông.
 
Thành phố Quế Lâm đã rất thành công trong việc bố trí cảnh sắc hai bên bờ và sử dụng hệ thống ánh sáng nghệ thuật. Nhiều cảnh sắc ban ngày nhìn khá bình thường nhưng khi đêm xuống, hệ thống ánh sáng được bật lên, thì trở nên lung linh, huyền ảo, hút hồn du khách.
Vì sự thu hút của nó nên du khách phải bỏ ra hai giờ đồng hồ để đi hết “hai sông bốn hồ” bằng thuyền máy (và đương nhiên để có được hai giờ đồng hồ đó thì phải...bỏ ra một cơ số tiền).
 
Nhìn lượng khách tham quan “hai sông bốn hồ” đông nghìn nghịt, sẽ hiểu được nguồn thu từ du lịch nơi này như thế nào. Các đồng nghiệp ở Tập đoàn truyền thông nhật báo Quảng Tây cho chúng tôi biết, Quế Lâm vừa mới tổ chức lễ hội ánh sáng xong trước khi chúng tôi đến. Thật tiếc, nếu đến đúng thời điểm diễn ra lễ hội ánh sáng thì không biết cảm xúc sẽ còn thăng hoa đến đâu.
 
Nhìn người, ngẫm ta
 
Đi ra xứ người, về lại quê hương mới thấy cảnh sắc tự nhiên của Quảng Bình chẳng kém cạnh ai. Đi du thuyền trên Ly Giang, trên thắng cảnh “hai sông bốn hồ” ở Quảng Tây - Trung Quốc, tôi cứ nghĩ mãi về dòng Gianh với vẻ đẹp mê hoặc ở thượng nguồn, về dòng Nhật Lệ vắt ngang giữa lòng thành phố, về dòng Kiến Giang mềm như giải lụa…
 
Vấn đề là làm sao để khai thác tiềm năng tự nhiên trời ban phú. Đồng Hới, dòng Nhật Lệ và bán đảo Bảo Ninh là sự kết hợp tuyệt vời của phố - sông - biển mà nhiều vùng đất muốn làm du lịch mơ ước.

Ngoài chuyện qui hoạch hợp lý, tận dụng được địa kinh tế (hay nói gọn hơn là địa du lịch) thì việc qui hoạch, thiết kế ánh sáng để tạo nên hiệu ứng, làm bừng sáng những cây cầu, bờ sông, phố đi bộ, công trình điểm nhấn, cửa hàng, cửa hiệu… là điều cần phải nghĩ tới.

Cảnh sắc ven bờ tuyến tham quan quan “hai sông bốn hồ” với hiệu ứng ánh sáng.
Cảnh sắc ven bờ tuyến tham quan quan “hai sông bốn hồ” với hiệu ứng ánh sáng.
Đồng Hới giờ cũng đã khác xưa nhiều theo chiều hướng tích cực, nhưng đêm về vẫn chưa tạo được cảm giác hào hứng ra đường do hiệu ứng ánh sáng mang lại. Cầu Nhật Lệ I, cầu Nhật Lệ II, đôi bờ Nhật Lệ, các góc phố thương mại… vẫn chưa có được dáng vóc đặc biệt khi thành phố lên đèn. Tất cả gần như vẫn là thứ ánh sáng tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm, hoặc có chăng thì đang đơn giản, thiếu sự sắp xếp của một nhạc trưởng ánh sáng !
 
Quảng Bình đang xác định lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn, vì thế trong qui hoạch tổng thể, qui hoạch vùng cần hết sức chú ý đến các công trình, điểm nhấn du lịch, trong đó thiết kế để tạo hiệu ứng ánh sáng là điều không thể bỏ quên, nếu không muốn nói là phải đặt lên hàng đầu.
 
Bởi hiệu ứng ánh sáng tạo ra không gian văn hoá, không gian giao lưu cộng đồng, không gian kinh tế…và rốt cuộc nó mang lại điều gì chắc mọi người đều hiểu. Tương lai, kinh tế mạnh lên, chắc chắn Đồng Hới sẽ có thêm những cây cầu trên sông Nhật Lệ, sông Lệ Kỳ, sông Cầu Rào…, những công trình kiến trúc tạo điểm nhấn.
 
Hãy quan tâm việc thiết kế ánh sáng tổng thể, ánh sáng vùng, ánh sáng từng công trình… song hành với công tác quy hoạch, thiết kế và thi công xây dựng, để đời sống phố xá ban đêm cũng sôi động như ban ngày, để cuộc sống người dân bản địa thăng hoa hơn và người nơi khác thì khát khao tìm về. Tôi và bao người nữa, là con dân của Đồng Hới - Quảng Bình, có quyền mơ một ngày quê hương hương mình sẽ đẹp lung linh để chào đón du khách muôn phương!
 
Hữu Thái
 

 

,