.

Để "viên kim cương màu xanh" tỏa sáng...

.
17:31, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Kỳ vọng du lịch Quảng Bình trở thành một “viên kim cương màu xanh” của Châu Á của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình năm 2018 vừa qua không phải là quá sức, bởi chúng ta sở hữu trong tay những tiềm năng không phải nơi nào cũng có. Tuy nhiên, vấn đề là động lực nào để biến kỳ vọng trên trở thành hiện thực.
 
Theo người đứng đầu Chính phủ, muốn thành công, du lịch Quảng Bình phải hình thành một ngành dịch vụ có khả năng cạnh tranh khu vực và toàn cầu; trong đó, phải lấy chiến lược trung tâm là dịch vụ hóa nền kinh tế, phát huy tối đa mũi nhọn du lịch, và đặc biệt, phải tạo sự kết nối lan tỏa và cộng hưởng với nhiều vùng miền khác nhau.
 
Trước hết, phải khẳng định rằng, với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, du lịch Quảng Bình đã được định danh trên bản đồ du lịch quốc gia, cũng như trong khu vực.
 
Nhưng chỉ chừng đó thôi, du lịch Quảng Bình vẫn chưa đủ để trở thành một “viên kim cương màu xanh” của Châu Á. Lại nhớ, những ngày đầu khi Phong Nha-Kẻ Bàng được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, số lượng du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm và chiêm ngưỡng rất khiêm tốn.
 
Một thời gian khá dài sau đó, du lịch tỉnh ta vẫn chủ yếu đi lên từ nguồn “vốn tự có của tạo hóa” ấy và chưa thoát khỏi tính tự phát, đơn giản của buổi ban đầu với niềm trăn trở quen thuộc “chưa tương xứng với tiềm năng”.
 
Thế nhưng giờ đây, du lịch tỉnh ta đã dần vượt qua được yếu tố may mắn ban đầu để tạo dựng nên được “thương hiệu” du lịch của “vương quốc hang động”. Minh chứng cụ thể cho điều này đó là số lượng du khách đến không ngừng tăng lên trong vài năm trở lại đây.
 
Năm 2017, số lượt du khách đến Quảng Bình là 3,3 triệu lượt, đến năm 2018, tăng lên 3,9 triệu lượt. Chỉ số tăng trưởng du lịch từ năm 2016 đến nay luôn ở mức 2 con số. Những con số đó đã cho thấy nỗ lực lẫn quyết tâm của tỉnh nhà trong việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Không chỉ có vậy, Quảng Bình giờ đây còn là “nơi mong đến” của các nhà đầu tư du lịch lớn với những dự án có tầm cỡ, như: Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp của Tập đoàn FLC; Dự án Trung tâm thương mại Vincom; Dự án Khu nghỉ dưỡng Sunspa Đảo Yến, Sân golf Bảo Ninh của Tập đoàn Trường Thịnh, Khu du lịch suối nước khoáng nóng Bang; Dự án khách sạn Pullman...

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã phê duyệt chủ trương đầu tư khoảng 54 dự án của nhà đầu tư về lĩnh vực dịch vụ du lịch với tổng mức đầu tư lên đến hơn 20 ngàn tỷ đồng.

Quả thực, không quá lời nếu gọi đó là những “cơn gió mát lành” không chỉ làm dịu lại cái khắc nghiệt của thiên nhiên, giải nhiệt cho “cơn khát” thu hút đầu tư của du lịch tỉnh, mà còn tiếp thêm động lực, sức mạnh để chúng ta biến những ước mơ, kỳ vọng trở thành hiện thực.

 Tuyến du lịch khám phá hang động Pygmy được Công ty TNHH Jungle Boss mới đưa vào khai thác cho hiệu quả cao.
Tuyến du lịch khám phá hang động Pygmy được Công ty TNHH Jungle Boss mới đưa vào khai thác cho hiệu quả cao.
Tiềm năng, cơ hội đã mở ra, nhưng những thách thức đặt ra cả trước mắt lẫn lâu dài cho du lịch tỉnh ta cũng không hề nhỏ, khi sản phẩm du lịch còn ít ỏi, mang tính mùa vụ; thiếu các khu vui chơi giải trí, hàng lưu niệm, cơ sở lưu trú cao cấp và điều đặc biệt nữa là thiếu sự liên kết, kết nối “sâu” với các trung tâm du lịch, các di sản trong vùng.
 
Bởi, với những tiềm năng đẳng cấp, vị trí địa lý thuận lợi, lại nằm ngay trên “Con đường di sản miền Trung”, du lịch Quảng Bình sẽ là “gạch nối” kết nối các di sản trong khu vực và là điểm đến dễ hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng với các dòng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền du lịch khám phá hang động.
 
Tuy nhiên nếu không khéo, du lịch tỉnh ta rất dễ rơi vào “cái bẫy” chỉ là một điểm dừng chân trải nghiệm du lịch hang động trong thoáng chốc, nếu như không có những chuyển biến về chất lượng và sự đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là sự kết nối sâu với các địa phương khác trong vùng.
 
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, muốn giải quyết những vấn đề nội tại của du lịch tỉnh, phải kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo các dịch vụ hỗ trợ. Hi vọng, sự góp mặt của các “ông lớn” du lịch trong thời gian gần đây và khi các dự án lớn về du lịch dịch vụ đi vào hoạt động sẽ phần nào thay đổi diện mạo du lịch trên địa bàn tỉnh.
 
Về vấn đề liên kết với du lịch các địa phương trong vùng, ông Đặng Đông Hà cho biết thêm, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Vì vậy, liên kết để phát triển du lịch với các địa phương trong khu vực là điều tất yếu. Việc liên kết, kết nối, hợp tác giữa các địa phương, các điểm đến sẽ tạo nên vùng du lịch, giúp các địa phương phát huy lợi thế, tiềm năng, làm tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch hơn.
 
Chính vì vậy, trong những năm trở lại đây, Sở đã lập kế hoạch chi tiết, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, các tỉnh lân cận, như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác...
 
Dù chỉ mới thực hiện trong vài năm, nhưng bước đầu tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả trong giới thiệu, quảng bá, trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp tham gia tổ chức các sự kiện du lịch...
 
Giữa năm vừa qua, phát biểu tại hội nghị gặp gỡ, kết nối và phát triển sản phẩm du lịch Quảng Bình-Quảng Nam, đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đặt ra vấn đề, trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, vấn đề kết nối, hợp tác giữa các điểm đến hạt nhân, hình thành nên vùng du lịch là xu hướng tất yếu để phát triển du lịch bền vững.
 
Quảng Bình và Hội An hiện là những thương hiệu cốt lõi, hai đầu mối quan trọng, nếu có sự liên kết chặt chẽ với nhau sẽ tạo nên sản phẩm du lịch hấp dẫn khách quốc tế. Đó là những tiền đề cần thiết, khởi đầu cho sự liên kết, kết nối phát triển du lịch của tỉnh ta với không chỉ du lịch tỉnh Quảng Nam mà còn với các địa phương khác trong vùng.
 
Những cái “bắt tay” trong phát triển du lịch, không chỉ là sự hợp tác, cùng phát triển, cùng chia sẻ lợi ích, mà còn là cơ hội để du lịch tỉnh xác định được vai trò, vị trí của các dòng sản phẩm mang tính đặc trưng của mình trên bản đồ du lịch vùng, rộng hơn nữa là cả nước, để từ đó có quyết sách đúng đắn trong nỗ lực đưa du lịch tỉnh ta trở thành một “viên kim cương màu xanh” của Châu Á như kỳ vọng...
 
Dương Công Hợp
,