.

Bảo Ninh-Bán đảo vàng

.
08:58, Thứ Sáu, 08/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Dòng Nhật Lệ như nét vẽ tuyệt đẹp mà tạo hóa đã phóng túng tạc vào thành phố Đồng Hới. Bên kia sông, Bảo Ninh không chỉ làng biển trù phú mà còn là vùng đất giàu tiềm năng du lịch đang được khai mở. Vâng, nơi đó đang là bán đảo “vàng”...
 
1. Chiều cuối đông dù đã khá muộn song phía cuối trời xa lắc vẫn hiện lên nhiều vệt ráng vàng và tím sẫm. Gió rất khẽ chỉ đủ làm cho mặt sông Nhật Lệ lăn tăn sóng. Khung cảnh đẹp đến mê hoặc.
 
Ngồi bên bờ sông mé Bảo Ninh, người bạn tôi đến từ thủ đô cầm điện thoại lên bấm lia lịa, nói để về cơ quan khoe khoảnh khắc mùa đông Quảng Bình. Thế là chuyện phố phường Đồng Hới, chuyện những cây cầu trên dòng Nhật Lệ càng thêm rôm rả sau mấy cút rượu, như là món quà tâm giao để bạn tôi hiểu hơn về miền gió lào, cát trắng này.
 
Ông Trần Ngoan, một cán bộ cựu trào của Bảo Ninh nhớ lại, những năm sau khi tỉnh Quảng Bình trở lại địa giới cũ (tháng 7 năm 1989), Bảo Ninh vẫn là vùng đất nhiều khó khăn do cách sông trở đò. Ở xứ cát trắng này, đường đi là lối mòn trên cát. Người dân sử dụng đôi dép tông lội vục vào cát chứ nào biết đến xe cộ là gì.
 
Với một tỉnh nghèo, cây cầu vượt sông Nhật Lệ cũng mang “dấu ấn” của sự nghèo, chỉ vừa đủ cho hai làn xe ô tô qua lại. Tuy nhiên, cây cầu dù còn mang tính "bình dân" song đã góp phần lớn lao không chỉ kết nối đôi bờ, phục vụ giao thương mà còn đánh thức một vùng đất đầy tiềm năng lâu nay còn bị lãng quên.
Bán đảo Bảo Ninh đang thu hút nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn
Bán đảo Bảo Ninh đang thu hút nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn.
Từ đầu cầu Nhật Lệ đến cuối bán đảo Bảo Ninh dài hơn 10 cây số. Trên cung đường cát trắng ấy, tiềm năng về du lịch dần được đánh thức. Vậy thì, chỉ một cây cầu thôi khó gánh nổi trọng trách phát triển về kinh tế.
 
Ông Trần Ngoan tâm sự, có cầu qua sông Nhật Lệ là niềm mơ ước của bao thế hệ người dân quê hương Mẹ Suốt anh hùng, song khi cầu Nhật Lệ được xây dựng thì cây cầu ấy mới chỉ giải quyết được vấn đề dân sinh, giúp người dân cải thiện đời sống chứ muốn thành phố giàu và nâng tầm đô thị, phải thêm những chiếc cầu khác, rộng rãi hơn, ấn tượng hơn.
 
Quả thật, theo thời gian những định dạng mới cho Bảo Ninh được thể hiện ngày càng rõ nét. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài cho biết, tập trung nguồn lực phát triển vùng Bảo Ninh thành khu đô thị đặc biệt, làm động lực trong phát triển du lịch không chỉ riêng Đồng Hới mà của cả tỉnh Quảng Bình. Và việc xây dựng một cây cầu thứ hai vượt sông Nhật Lệ có tầm vóc là một yêu cầu tất yếu cho sự phát triển của thành phố Đồng Hới. Quyết sách là vậy nhưng khi lập dự án, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh còn nghèo, làm chi thêm cầu cho tốn kém, lãng phí…
 
Để có cây cầu đẹp và dáng dấp hiện đại, tỉnh tổ chức thi tuyển chọn mẫu cầu với các thông số đề ra khá khắt khe. Cuối cùng, các vị lãnh đạo tỉnh quyết định chọn mẫu thiết kế là cầu dây văng nhịp đối xứng khẩu độ lớn thứ hai Việt Nam. Sau 5 năm và bằng nhiều cách thu xếp để đủ vốn, cầu Nhật Lệ 2 hoành tráng vươn qua dòng sông với trụ tháp vút cao.
 
2. Hai cây cầu bắc qua Nhật Lệ đã biến làng biển Bảo Ninh thành bán đảo đắc địa, cát nay thành vàng. Tôi có người bạn là viên chức nhỏ của Ðồng Hới nhưng có vẻ là người thức thời. Khi Bảo Ninh đang là “vùng sâu” anh liều mình xuống thuyền sang bên kia mua đất để...an cư với cái lý “trước sau gì rồi cũng phải bắc cầu qua sông”.
 
Khi ấy, đất bên “vùng sâu” kia còn rất rẻ, anh mua luôn 500 m2. Nay có đường đi qua, lô đất anh mua thành mặt tiền, vừa ở vừa bán cũng thu được nhiều tỷ đồng. Hôm ngồi nhâm nhi với tôi, anh nói, nhiều người ở Bảo Ninh bây giờ đã khá giả nhờ đất đai có giá.
 
Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, Bảo Ninh có thêm nhiều nhu đô thị mới được xây dựng hạ tầng hiện đại và nghe đâu, đất nền đều được bán hết với giá cao. Hai năm nay, với sự có mặt của các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản cả nước như Vingroup, FLC, Pullman..., thị trường bất động sản Quảng Bình dần xuất hiện các dòng sản phẩm: shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng và condotel.
 
Đặc biệt, phân khúc đất nền tại Bảo Ninh nói riêng, Đồng Hới nói chung cũng trở nên sôi động. Khách hàng của những dự án này phần lớn đến từ thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Giá đất tại Bảo Ninh tăng nhanh là do hệ thống hạ tầng thuận lợi, đồng bộ; đồng thời có sự tác động của ngành du lịch và các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn đang được đầu tư tại đây kéo một lượng khách du lịch đến với địa phương.
 
3. Doi cát Bảo Ninh hai mươi năm trước là một phần của làng Mỹ Cảnh. Là người sinh ra từ làng cát, ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch Tập đoàn Trường Thịnh Quảng Bình đã nhận ra tiềm năng vùng cát nên quyết định đầu tư xây dựng khu du lịch mang tầm quốc tế. Cầu Nhật Lệ xong thì giai đoạn đầu của Sun spa Resort cũng hoàn thành để đón khách. Cầu Nhật Lệ 2 xong, ông cũng đang đầu tư phía nam cầu một sân golf đẳng cấp quốc tế. Bây giờ thì Bảo Ninh đã trở thành “lâu đài trên cát” với nhiều dự án du lịch hoành tráng, hiện đại ở miền Trung. Lợi thế đó đã mang lại cho người dân kế sinh nhai mới là nghề du lịch dịch vụ mà trước đó họ còn lạ lẫm.
 
Hoàng Trung sinh ra trong một gia đình ngư dân ở Bảo Ninh. Đã vài lần, Trung theo cha xuống tàu ra khơi song ngư phủ có vẻ là nghề không làm cho anh hứng thú. Trung quyết định vào nam tìm việc, rồi đến một làng biển nổi tiếng để học đóng tàu. Cũng như đi biển, nghề đóng tàu vẫn không đủ sức thu hút người thanh niên trẻ này mà mô hình du lịch cộng đồng ở đó mới hấp dẫn anh.
 
Sau khi trở về làng biển quê hương, Hoàng Trung quyết định xây dựng homestay Barefoot. “Tôi sinh ra ở Bảo Ninh và thấy ở quê hương mình có những bản sắc riêng nên muốn cho khách trải nghiệm những sản phẩm, phong cảnh mang tính bản địa ấy. Cùng với việc đón khách đến nhâm nhi ly cà phê buổi sáng hay ngắm hoàng hôn lặn trên sông Nhật Lệ, thưởng thức các món ăn dân dã tự tay họ làm, Barefoot còn có những sản phẩm hấp dẫn khác như câu mực, câu cá trên sông Nhật Lệ, trải nghiệm vá lưới, đóng tàu đóng thuyền…”- Hoàng Trung nói. Một sáng ở Barefoot, chúng tôi chứng kiến nhiều tốp khách du lịch trong và ngoài nước ngoài nước tìm đến đây để trải nghiệm các dịch vụ gắn với sông nước Bảo Ninh. Điều đó cho thấy, Hoàng Trung đã đi đúng hướng trên con đường mình đã chọn lựa.
 
Cùng như Trung, một số bạn trẻ ở Bảo ninh cũng đã chọn mô hình du lịch cộng đồng để khởi nghiệp, bước đầu thu hút được lượng khá lớn khách du lịch. Theo Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh Nguyễn Ngọc Hiếu, năm qua doanh thu từ khách sạn và dịch vụ du lịch của Bảo Ninh đạt hơn 300 tỷ đồng, chiếm gần 50% số thu ngân sách của xã biển có đội tàu xa bờ hùng hậu này.
 
Dưới góc nhìn chiến lược, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có lý khi quyết định bỏ ra một triệu USD từ ngân sách của để thuê bằng được Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản đến lập quy hoạch chung xây dựng đô thị Đồng Hới nhằm biến bán đảo cát Bảo Ninh thành…vàng.
 
Với trục ngang là đường nối hai cây cầu bắc qua Nhật Lệ và tuyến đường “xương sống” rộng 60 mét chạy dọc Bảo Ninh, các nhà quy hoạch Nhật Bản đã nhấn mạnh việc xây dựng các đô thị mới trên vùng cát Bảo Ninh với hàng loạt resort ven biển, khu nghỉ dưỡng, cây xanh, hồ nước. Vùng đất ở Bảo Ninh với diện tích 1.630 ha sẽ tạo điều kiện để phát triển thành phố Đồng Hới về phía đông, một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển du lịch biển, một lợi thế của các tỉnh duyên hải miền Trung.
 
Bảo Ninh giờ đây đang khoác lên mình màu xanh mới. Sức sống được nhen lên từ những ý tưởng táo bạo, công trình mới trên bán đảo…vàng hôm nay.
 
Hoàng Phúc
,