.

Ba mươi năm ấy...

.
08:33, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đã là mùa xuân thứ ba mươi Quảng Bình trở lại địa giới cũ.Thời gian đó quả là chưa dài trong chặng đường hơn bốn thế kỷ của mảnh đất bên bờ biển Đông mang tên Quảng Bình này. Nhưng đấy là chặng đường đầy gian khó. Đã có bao khát vọng được tích tụ, gửi gắm trong những công trình mang tính động lực cho phát triển để Quảng Bình hôm nay đã có một diện mạo mới, tầm vóc mới…
 
Tháng 7-1989 tỉnh Quảng Bình trở lại địa giới cũ. Đấy có lẽ là khoảng thời gian mà khó khăn của đất nước đang “chạm đáy”. Và hiển nhiên tỉnh ta còn khó khăn bội phần, bởi vừa mới “ra riêng” từ một tỉnh lớn thuộc loại... nghèo. Cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm là nét xuyên suốt trong đời sống người dân tỉnh nhà. Lúc đó phần lớn người Đồng Hới đang nấu cơm và đun cám lợn bằng lá thông khô, đi xe đạp trên những con đường đất đỏ bụi mịt mù…
 
Ngay từ những ngày đầu trở lại địa giới cũ, tỉnh ta đã đề cập đến việc đầu tư xây dựng lại sân bay Đồng Hới tại xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới. Sân bay Đồng Hới được người Pháp xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước.
 
Từ sau 1954, sân bay đã có vài lần làm trọng trách lớn lao. Đó là chuyến đón Bác Hồ vào thăm tỉnh ta năm 1957. Tiếp đó là những lần đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ vào thăm, làm việc tại Quảng Bình…Tháng 8-2006, sân bay Đồng Hới được khởi công xây dựng lại, với công suất thiết kế 500 nghìn lượt khách/năm.
 
Tháng 8 năm 2008, chuyến bay đầu tiên nối thủ đô với Đồng Hới bằng máy bay dân dụng ATR 72. Và chục năm sau, năm 2018, sân bay Đồng Hới đã làm được điều không tưởng, vượt công suất thiết kế với hơn 700 nghìn lượt khách/năm. Nói không tưởng bởi thời gian đầu đơn vị đầu tư lỗ nặng, tỉnh phải có những hỗ trợ để duy trì các chuyến bay.
 
Trong khó khăn đó, tỉnh đã có một quyết sách táo bạo là mở thêm tuyến bay đi TP. Hồ Chí Minh vào tháng 7-2009. Như một phép mầu, khi có tuyến bay mới lượng khách đã tăng liên tục và đến năm 2018 nó đã vượt công suất thiết kế.
 
Bây giờ Cảng hàng không Đồng Hới đã có thêm nhiều tuyến bay khác nhau với nhiều hãng hàng không cùng khai thác và cả tuyến bay quốc tế đi Chiang Mai (Thái Lan) vào tháng 7-2017. Sân bay Đồng Hới  đã tạo nên “nhịp cầu trên mây” nối miền quê xa ngái Quảng Bình với các trung tâm khác trong nước và vươn dần ra thế giới.
Khách đi máy bay ngày càng tăng cao.
Khách đi máy bay ngày càng tăng cao.
Không phải ngẫu nhiên mà những con “sếu lớn” lại dừng chân bên bờ Nhật Lệ để “xây tổ”? Không phải ngẫu nhiên mà những bãi cát trắng với những bụi dương liễu còi cọc ven biển Quảng Ninh, Lệ Thủy đã biến thành “đất vàng” hút các nhà đầu tư, nếu không có sân bay Đồng Hới. Đến lúc này có thể khẳng định rằng việc xây dựng lại sân bay Đồng Hới là cú hích thực sự mạnh mẽ, có tính chiến lược cho phát triển chặng đường qua và đặc biệt trong tương lai.
 
Và như một lẽ tự nhiên của phát triển, năm 2018, sân bay Đồng Hới đã được Chính phủ cho phép nâng cấp với công suất vượt nhiều lần công suất cũ, có năng lực đón các loại máy bay dân dụng lớn nhất hiện nay….Có lẽ đó là tin "hot" không chỉ với người dân Quảng Bình mà với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
 
Cùng với “nhịp cầu trên mây”, tỉnh ta đã thực sự “khuất phục” về cơ bản các dòng sông lớn trên địa bàn tỉnh. Mỗi dòng sông đều có những vẻ đẹp riêng, nhưng những nguy cơ khó lường lại luôn hiện hữu trên mỗi dòng sông. Một sông Gianh đã làm biệt lập chín xã vùng nam huyện Quảng Trạch (cũ), một Nhật Lệ huyền thoại chia cắt xã Bảo Ninh với thành phố tỉnh lỵ, để những bãi biển tuyệt đẹp mà hoang vắng vẫn mãi là tiềm năng…
 
Trong mười năm đầu của thế kỷ mới, những cây cầu với sứ mạng lớn lao lần lượt vươn qua những dòng sông: cầu Nhật Lệ, cầu Quảng Hải, cầu Phong Hóa, cầu Văn Hóa, cầu Kiến Giang… Dù có khác nhau về kiểu dáng nhưng chúng thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên các địa bàn, kết nối, khai thác tiềm năng còn lẩn khuất trong từng vùng đất.
 
Sau chia tỉnh, tôi đã có nhiều chuyến đi theo đường 12A từ Đồng Hới lên Cha Lo (Minh Hóa). Quốc lộ 12A chỉ còn là lối mòn và hoang vắng, như một chứng tích chiến tranh thời đánh Mỹ. Xe ô tô “xịn” phải mất một ngày vật lộn với ổ voi, ổ trâu, cua ngoặt đến chóng mặt mới tới được Đồn biên phòng Cửa khẩu Cha Lo.
 
Thế nhưng sau hơn một thập kỷ dồn sức đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau, chúng ta đã biến quốc lộ 12A thành đại lộ. Không phải một ngày ê ẩm với “con đường đau khổ”,mà chỉ trên dưới ba tiếng đồng hồ là đến được Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
 
Cộng hưởng với quốc lộ 12A, các tuyến đường, cầu bên nước bạn Lào và Thái Lan cũng đã được đầu tư nâng cấp đấu nối vào quốc lộ 12A. Đó là phép mầu để biến một Quảng Bình bên kia dãy Trường Sơn cách trở thành bạn gần với các tỉnh của nước bạn Lào và cả với một Thái Lan đầy tiềm năng trong giao thương buôn bán.
 
Có lẽ nhiều người biết đến công trình hồ chứa An Mã ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Nó được khởi công vào năm cuối thế kỷ trước và chính thức tích nước vào năm 2001 với công suất thiết kế 67 triệu m3. Là tỉnh nông nghiệp nhưng chúng ta thường xuyên mất mùa do thiên tai trong đó hạn hán được coi là kẻ thù số 1.
 
Một trong những năm đại hạn kinh hoàng là năm 1998, hơn 8 nghìn ha lúa vụ hè-thu trong cả tỉnh mất trắng, đặc biệt ở vựa lúa của tỉnh- Lệ Thủy- Quảng Ninh là thiệt hại nặng nhất. Tháng 7 năm đó, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư của Đảng vào thăm tỉnh đã lội giữa những thửa lúa cháy nắng như rơm rạ trên cánh đồng xã Vạn Ninh huyện Quảng Ninh. Đồng chí Tổng Bí thư đã chia sẻ những khó khăn của người dân trong tỉnh và chỉ đạo riết róng vấn đề chống hạn.
 
 Ngày từ những ngày đầu tái lập, tỉnh ta luôn coi việc chống hạn là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu. Và hồ chứa An Mã là khát vọng của người dân huyện lúa Lệ Thủy. Nó như một phép mầu hóa giải sự khắc nghiệt của thiên nhiên với cây lúa ở Lệ Thủy. Mấy năm sau, hồ chứa Rào Đá (Quảng Ninh) có sức chứa 80 triệu m3 được đưa vào sử dụng đã giải quyết về cơ bản nạn hạn hán toàn khu vực sản xuất nông nghiệp hai huyện Lệ Thủy- Quảng Ninh.
 
Năm 2003, một sự kiện lớn với tỉnh ta, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng tôi cho rằng ngày đáng ghi nhận nữa là ngày 1-9-2010 . Đó là ngày Tập đoàn Trường Thịnh khai trương và đón khách tham quan động Thiên Đường. Vâng, đấy là ngày đầu tiên “xã hội hóa” trong việc khai thác tiềm năng di sản thế giới được cụ thể hóa bằng sự góp mặt của một doanh nghiệp tư nhân có tầm vóc, Tập đoàn Trường Thịnh của ông Võ Minh Hoài.
 
Bây giờ thì việc xã hội hóa trong khai thác tiềm năng du lịch ở Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đã trở nên rầm rộ. Đã có những cách làm độc đáo để quảng bá những tiềm năng du lịch của di sản ra thế giới mà đứng đầu là ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc công ty Oxalis.
 
Đã gần ba mươi năm ngày Quảng Bình tái lập tỉnh. Ba mươi mùa mai vàng khoe sắc, xin điểm qua những công trình mang tính động lực đã góp phần quan trọng đưa Quảng Bình lên tầm cao mới, vị thế mới.
 
Văn Hoàng
,