.

4 di sản phi vật thể và cơ hội nào cho du lịch Quảng Bình

.
08:58, Thứ Sáu, 08/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Những ngày cuối năm 2018, Quảng Bình đón nhận tin vui khi lễ hội Cầu ngư được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trước đó, hò khoan Lệ Thủy cũng có vinh dự này. Vậy là tỉnh ta hiện sở hữu 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại (Bài chòi Trung bộ) và 1 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (ca trù). Tiềm năng về văn hóa, lịch sử đang khiến Quảng Bình trở thành một điểm đến hấp dẫn, ấn tượng, tuy nhiên, việc khai thác thế mạnh này như thế nào để vừa phục vụ du lịch, vừa bảo đảm tính vẹn nguyên của di sản lại là một vấn đề không hề dễ dàng.
 
Sau hơn một năm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, hò khoan Lệ Thủy đã sẵn sàng trở thành một sản phẩm du lịch thực thụ. Ông Dương Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Lệ Thủy chia sẻ, môi trường dung dưỡng loại hình văn nghệ dân gian này khá hoàn hảo, bởi hò khoan đã có sức sống lâu bền trong lòng người dân Lệ Thủy, các trường học đều đưa hò khoan vào giảng dạy, các CLB về hò khoan hoạt động vô cùng sôi nổi, rộng khắp và thành lập mới ngày càng nhiều.
 
Định kỳ hàng năm, Lệ Thủy đều tổ chức các hội thi về hò khoan Lệ Thủy trong các cấp học và người cao tuổi, thậm chí có cả thi hùng biện Tiếng Anh về hò khoan.
 
Năm 2018, Trung tâm đã tích cực giới thiệu, quảng bá hò khoan Lệ Thủy trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, hò khoan vẫn chưa thể tham gia vào đời sống du lịch sôi động và ngày càng đổi mới của Quảng Bình.
 
Theo ông Dương Ngọc Liên, nguyên nhân khách quan một phần là do Lệ Thủy vẫn chưa phát triển mạnh về du lịch mặc dù có rất nhiều tiềm năng về các di tích văn hóa lịch sử nổi bật, điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn…
 
Mặt khác, hò khoan Lệ Thủy vẫn chưa tạo được sự liên kết để có thể trở thành một sản phẩm du lịch ấn tượng và chưa có một địa điểm cụ thể để trình diễn hò khoan. Chỉ khi nào có các đoàn khách hay doanh nghiệp du lịch có nhu cầu, các CLB hò khoan Lệ Thủy mới có cơ hội biểu diễn phục vụ du khách.
 
Đồng thời, các nghệ nhân tâm huyết vẫn đang thiếu một cơ chế, chính sách để gắn bó lâu dài với hò khoan trong lộ trình gắn kết du lịch. Ngoài ra, một khi đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể, hò khoan rất cần một đề án để bảo tồn chỉnh chu, từ công tác sưu tầm, biên soạn, tôn vinh nghệ nhân cho đến đầu tư phát triển khai phá tiềm năng du lịch.
Các lễ hội Cầu ngư được kỳ vọng sẽ tạo thêm hấp dẫn cho du lịch biển Quảng Bình.
Các lễ hội Cầu ngư được kỳ vọng sẽ tạo thêm hấp dẫn cho du lịch biển Quảng Bình.
Quảng Bình có đường bờ biển dài 116,04 km từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ, là nơi dung dưỡng biết bao tâm hồn sáng tạo của ngư dân vùng biển, trong đó, lễ hội cầu ngư là lễ hội có lịch sử lâu đời, gắn liền với đời sống của nhân dân vùng biển.
 
Có thể khẳng định đây là lễ hội lớn nhất của ngư dân các địa phương miền biển tỉnh ta. Trừ 2 huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa không có biển, còn lại 6 huyện, thị xã, thành phố hầu như đều có lễ hội cầu ngư.
 
Toàn tỉnh hiện có 20 xã còn duy trì lễ hội Cầu ngư: Quảng Đông, Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Hưng, Quảng Xuân (Quảng Trạch); Quảng Phúc, Quảng Văn, Quảng Hải, Quảng Phong (TX. Ba Đồn); Thanh Trạch, Hải Trạch, Đức Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch); Quang Phú, Hải Thành, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới); Hải Ninh (Quảng Ninh); Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy).
 
Nhà nghiên cứu Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh cho biết, riêng đối với thành phố du lịch Đồng Hới, lễ hội Cầu ngư được tổ chức vào ngày 15 tháng tư âm lịch hàng năm, đến nay, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao: “Bao giờ cho đến tháng tư, làng ta mở hội cầu ngư rộn ràng…”.

Ngoài lễ tế thần linh, lễ hội còn có các loại hình nghệ thuật truyền thống, như: diễn xướng chèo cạn, múa bông, các làn điệu hò khoan, hò đưa linh, hò mái ba, hò mái nện cùng với các điệu múa (múa quạt, múa hoa đăng), sau đó là lễ thả đèn trên sông Nhật Lệ.

Sẽ mất rất nhiều thời gian để hò khoan Lệ Thủy trở thành sản phẩm du lịch thực thụ.
Sẽ mất rất nhiều thời gian để hò khoan Lệ Thủy trở thành sản phẩm du lịch thực thụ.
Với bề dày truyền thống lịch sử, sự đa dạng các loại hình nghệ thuật và sự độc đáo, sức hấp dẫn, lễ hội Cầu ngư được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng của TP. Đồng Hới. Theo ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố, trong Tuần văn hóa du lịch thành phố hàng năm, múa bông và chèo cạn cũng được đưa vào giới thiệu, quảng bá cho du khách.
 
Trong thời gian tới, thành phố sẽ đưa lễ hội Cầu ngư tại xã Bảo Ninh, Quang Phú và phường Hải Thành vào khai thác du lịch, tuy nhiên, vẫn sẽ phải nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để có phương án phù hợp nhất. Ông Hải cũng chia sẻ thêm, một di sản khác là hội bài chòi cũng đã trở thành điểm nhấn của Tuần lễ văn hóa du lịch Đồng Hới trong năm 2018 qua cách tổ chức hiệu quả, sáng tạo của Thành đoàn.
 
Ông Trần Xuân Cương, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch tỉnh chia sẻ, mặc dù có tới 4 di sản văn hóa phi vật thể nhưng việc biến các di sản trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn lại không hề dễ dàng. Tỉnh ta rất nỗ lực trong khâu quảng bá khi tận dụng mọi cơ hội, thời cơ để giới thiệu các di sản, đồng thời khuyến khích, động viên, tạo mọi cơ hội để các đơn vị kinh doanh du lịch đưa vào tour, tuyến, điểm đến.
 
Trước đây, chương trình "Ca trù Quảng Bình sưởi ấm mùa đông di sản" tại sông Chày-hang Tối của Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cũng rất hút khách, hay Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin đã triển khai một số tour khám phá biển Ngư Thủy Trung, nghe hò khoan Lệ Thủy và tham gia Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang. Mới đây, Everland Quảng Bình cũng đã đưa bài chòi vào khai thác như một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
 
Tuy nhiên, hiện nay, các hoạt động khai thác du lịch đối với di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn rất hạn chế và chưa có các sản phẩm nổi bật. Các hoạt động thiếu đi sự liên kết, tập trung và nêu bật giá trị di sản. Đồng thời, các doanh nghiệp dường như không mặn mà với những tiềm năng này bởi thiếu cơ chế hỗ trợ phù hợp.
 
Trong thời gian tới, để tránh sự lãng phí các “tài nguyên văn hóa”, tỉnh sẽ chỉ đạo nghiên cứu hình thành và phát triển các tuyến du lịch văn hóa tâm linh, các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa-lịch sử; tuyến du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian.
 
Đáng chú ý, tỉnh sẽ dựa trên điều kiện phát triển của cơ sở hạ tầng du lịch, lợi thế về nguồn tài nguyên và sự liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp với các địa phương trong khu vực để cần nghiên cứu và phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch mới gồm: du lịch lễ hội (festival tour), du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện).
 
Mai Nhân
,