.

Quảng Ninh: Tập trung chuyển dịch cơ cấu giống vụ đông-xuân

.
09:33, Thứ Tư, 09/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Với sự chỉ đạo tích cực của chính quyền các cấp, nông dân huyện Quảng Ninh đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm bảo đảm cho một vụ mùa đông-xuân thắng lợi.

Năm 2018 được đánh giá là năm mà sản xuất nông nghiệp của huyện Quảng Ninh đạt nhiều kết quả quan trọng với tổng sản lượng lương thực  đạt 50.086 tấn, tăng 646 tấn so với cùng kỳ năm 2017. Có được kết quả đó là nhờ huyện đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ nông nghiệp; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa,  tạo điều kiện cho nhân dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Cùng với đó, các địa phương trong toàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa các loại cây trồng trên đất lúa, chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, dưa hấu, mướp đắng, đậu xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, nhờ lịch gieo cấy phù hợp, năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập được nâng cao.

Có mặt trên đồng đất xã Vĩnh Ninh khi bà con đang triển khai gieo cấy vụ đông-xuân, ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, vụ đông-xuân năm nay, xã Vĩnh Ninh tiến hành gieo cấy trên diện tích 423 ha lúa.

Bà con chuẩn bị xuống giống trà lúa ngắn ngày tại các chân ruộng cao thiếu nước.
Bà con chuẩn bị xuống giống trà lúa ngắn ngày tại các chân ruộng cao thiếu nước.

Tuy đầu vụ thời tiết lạnh nhưng chính quyền địa phương đã chỉ đạo nông dân tranh thủ những lúc khô ráo xuống đồng sản xuất. Tính đến nay, xã Vĩnh Ninh cơ bản đã hoàn thành việc xuống giống các trà lúa dài ngày và trung ngày.

Riêng đối với 15 ha tại các các chân ruộng cao thiếu nước, chủ yếu tập trung ở diện tích canh tác của HTX Vĩnh Trung, xã sẽ hướng dẫn bà con gieo trồng các trà lúa ngắn ngày trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, sản phẩm gạo Vĩnh Tuy của xã hiện là một trong bốn sản phẩm được huyện Quảng Ninh chọn đầu tư xây dựng theo hình thức chuỗi giá trị nông sản.

Do đó, bên cạnh việc tiến hành xây dựng đề án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhằm công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm; vụ đông-xuân năm nay, xã Vĩnh Ninh đã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chuỗi giá trị gạo.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Kỷ, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, bước vào vụ đông-xuân 2018-2019, huyện Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể. Trước biến đổi bất thường của thời tiết, dự đoán sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, huyện Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch gieo trồng lúa trên tổng diện tích khoảng 5.100ha, năng suất 61 tạ/ha, sản lượng 30.110 tấn...

Đặc biệt, năm nay, lượng mưa ít hơn hẳn so với mọi năm, nhiều khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nước tưới ngay từ đầu vụ đông-xuân khi một số hồ đập nhỏ, như: cụm hồ Trường Xuân, Long Đại, Điều Gà, có dung tích thấp, huyện đã chủ trương thực hiện các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, riêng vụ đông-xuân sẽ chuyển đổi 55 ha đất lúa bị thiếu nước ở các xã Vĩnh Ninh, thị trấn Quán Hàu, Hiền Ninh, Trường Xuân sang trồng các loại ngô, khoai lang, dưa hấu, mướp đắng, đậu xanh.

Bước vào vụ mới, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng khung lịch thời vụ theo phương châm làm đất nhanh gọn, triển khai gieo cấy sớm; đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh thủy nông trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để chủ động kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hợp lý ngay từ đầu năm với phương châm tiết kiệm nước vụ đông-xuân để sản xuất vụ hè thu thuận lợi, có lịch tưới cụ thể để bảo đảm nguồn nước kịp thời phục vụ sản xuất.

Đặc biệt, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, cùng với việc xây dựng các phương án sản xuất cụ thể, huyện Quảng Ninh quan tâm chỉ đạo cải tạo, tu sửa hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất, đồng thời, tập trung mạnh vào giải pháp chuyển dịch cơ cấu giống.

Theo đó, huyện Quảng Ninh tập trung đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với từng chân đất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, giống tiến bộ kỹ thuật. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư thâm canh, tránh tình trạng sản xuất manh mún và hạn chế khả năng lây lan của các loại sâu bệnh, dịch hại trên đồng ruộng, huyện cũng chủ trương yêu cầu mỗi xã chỉ cơ cấu từ 3-4 loại giống; ưu tiên cơ cấu các loại giống trung và ngắn ngày có năng suất và chất lượng vào sản xuất tại các diện tích thấp trũng ở các xã Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh nhằm tránh thiệt hại do thời tiết mưa rét đầu vụ gây ra.

Bên cạnh đó, huyện Quảng Ninh cũng chú trọng quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, ưu tiên quy hoạch vùng sản xuất cây lương thực, vùng thâm canh lúa chất lượng cao gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ và tạo thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nông sản ở địa phương; tích cực áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI vào sản xuất, tăng cường đầu tư thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tốt các chuỗi giá trị nông sản…

“Với đặc thù của một địa bàn thuần nông, vụ đông-xuân có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân huyện Quảng Ninh. Chính vì vậy, trước khi bước vào sản xuất, huyện đã chỉ đạo bà con vệ sinh kỹ đồng ruộng, sử dụng các loại giống xác nhận để gieo cấy.

Đặc biệt, với thực tế lượng mưa ít hơn hẳn so với mọi năm, huyện đã hướng dẫn các phòng ban kiểm tra thực tế dung tích hệ thống hồ đập thủy lợi phục vụ nước sản xuất trên địa bàn để có phương án điều tiết phù hợp, chú trọng tiết kiệm nguồn nước tưới để vừa tăng năng suất, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất.

Đến nay, nông dân Quảng Ninh đã xuống giống khoảng 2.000 ha/5.100 ha lúa theo kế hoạch và kỳ vọng đây tiếp tục sẽ là một vụ mùa thắng lợi của bà con”, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh chia sẻ thêm.

Thanh Hải


 

,