.

Phát triển chăn nuôi theo hướng chất lượng, giá trị, bền vững

.
08:41, Thứ Bảy, 05/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Xác định chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Lệ Thủy mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp hiệu quả phát triển chăn nuôi theo hướng chất lượng, giá trị và bền vững với môi trường.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Huế, năm 2014, anh Võ Văn Sang, ở xã Thái Thủy đã phải lăn lộn khắp nơi để mưu sinh. Nhận thấy công việc không ổn định, thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh, nên anh Sang quyết định về quê lập nghiệp bằng mô hình nuôi cá chình.

Anh Sang tâm sự: “Sau quá trình tìm tòi, tôi nhận thấy cá chình là một loại đặc sản, thịt thơm ngon, bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao, nhưng ở huyện Lệ Thủy chưa ai nuôi. Trong khi đó, nguồn thức ăn của cá chình lại rất dễ kiếm và có sẵn ở địa phương, như: các loại cá tạp, ngao, ốc, hến, giun đất. Vì vậy, tôi quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi cá chình thương phẩm tại vườn nhà”.

Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại đang là hướng đi giúp nhiều người dân Lệ Thủy làm giàu.
Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại đang là hướng đi giúp nhiều người dân Lệ Thủy làm giàu.

Để khởi nghiệp, anh Sang vay ngân hàng 150 triệu đồng để đào ao nuôi cá với diện tích 500m2, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Sau đó, anh vào Trung tâm giống cá chình ở tỉnh Khánh Hòa để học hỏi kinh nghiệm và mua cá chình giống về nuôi. Khi lứa cá đầu tiên xuất bán, anh Sang đã thu về trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Trong hai năm qua, anh tiếp tục mở rộng mô hình với diện tích gấp đôi so với năm trước và tiền lãi thu được hơn 200 triệu đồng. Ngoài nuôi cá chình, anh Sang còn đầu tư nuôi cá lóc đầu vuông, nuôi bò, trồng 4 sào lúa, 5ha rừng. Từ giữa năm 2017 đến nay, anh đã thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ mô hình tổng hợp này.

Không chỉ anh Võ Văn Sang, nhiều nông dân Lệ Thủy đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để đạt được kết quả đó, huyện Lệ Thủy chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng chất lượng, giá trị và môi trường bền vững; phát triển các loại vật nuôi truyền thống, vật nuôi mới có giá trị.

Đồng thời, huyện mở rộng quy mô, áp dụng quy trình chăn nuôi mới, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả.

Huyện cũng đã quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2018, trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh, giá sản phẩm chăn nuôi tăng, nên tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 21.475 tấn, tăng 6,02% so với cùng kỳ.

Đến nay, toàn huyện có 139 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, trong đó phần lớn là các trang trại chăn nuôi. Hầu hết các trang trại đều phát huy được giá trị, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Anh Quý, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lệ Thủy cho biết, năm 2019, huyện sẽ phấn đấu nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển bò lai, chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời, liên kết tiêu thụ sản phẩm; áp dụng công nghệ chăn nuôi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra...

Xuân Vương
 

,