.

Gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Khi nông sản cũng cần "thẻ căn cước"

.
09:10, Thứ Ba, 15/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, trong đó có việc thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với một số sản phẩm thông qua tem QR code. Đây được xem là tín hiệu khả quan góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

HTX Nông nghiệp An Nông ở xã Hòa Trạch (Bố Trạch) là một trong những cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên bao bì đối với một số sản phẩm, như: bắp cải, cải ngọt, rau muống, cà rốt…

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thủy sản khai thác truy xuất được nguồn gốc tại siêu thị Bình Minh (Bố Trạch).
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thủy sản khai thác truy xuất được nguồn gốc tại siêu thị Bình Minh (Bố Trạch).

Anh Lê Đình Quả, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp An Nông chia sẻ, với chiếc tem này, thông qua ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể kiểm tra những thông tin về cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, quá trình vận chuyển, hạn sử dụng...

Nhờ truy xuất được nguồn gốc, các sản phẩm rau xanh do HTX sản xuất đã tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng trong bối cảnh “nhập nhèm” về nguồn gốc sản phẩm hiện nay.

Theo bà Ngô Thị Diệu, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản), tem QR code được xem như là “thẻ căn cước” của sản phẩm, bởi mỗi sản phẩm mà cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp ra thị trường chỉ được cấp duy nhất một mã QR code.

Chính vì vậy, việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Hiện tỉnh ta đã có một số cơ sở thực hiện gắn tem truy xuất QR code lên sản phẩm, như: HTX sản xuất nấm sạch Tuấn Linh, HTX Hưng Phát (sản phẩm thỏ Ruby), khoai deo Như Mận…

Năm 2018, Chi cục cũng đã hỗ trợ xây dựng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc QR code cho 4 cơ sở với 16 sản phẩm. Cụ thể, HTX Nông nghiệp An Nông với các sản phẩm rau ăn lá và rau củ sấy khô; HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp Cự Nẫm với bộ sản phẩm cao cà gai leo, cao lá vằng và cao huyết đằng Thanh Bình; Công ty DVTM Thanh Quang với các sản phẩm thủy sản khai thác, như: mực ống, mực lá, cá thu, mực khô, cá khô các loại; Công ty TNHH Bio Korea chi nhánh Quảng Bình với sản phẩm muối tre… Mỗi cơ sở được cấp quyền truy xuất 20.000 mã QR code/năm và được hỗ trợ 20.000 tem decal chống nước để dán lên sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường.

Có thể nói, việc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, như: VietGAP, HACCP, QR code…, đã giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông lâm thủy sản kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn về nguồn gốc cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, khi áp dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, cơ sở sản xuất sẽ quản lý được dòng hàng, bảo vệ thương hiệu, chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết. Hoạt động này còn giúp người tiêu dùng nhận biết được hàng thật, hàng giả, đồng thời, tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó, yên tâm trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm. Tem truy xuất cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Hiện tại, tỉnh ta đã từng bước hình thành các chuỗi nông sản chủ lực và đặc sản có lợi thế cạnh tranh nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng thương hiệu cũng như “minh bạch” nguồn gốc xuất xứ.

Trong đó, nổi bật là chuỗi sản xuất gạo sạch SRI của HTX SXKD DVNN Mỹ Lộc Thượng; chuỗi sản xuất, chế biến khoai lang của HTX khoai lang Lâm Hường; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu của HTX Sản xuất nấm sạch Tuấn Linh; liên kết sản xuất, tiêu thụ lợn, gà sạch; sản xuất rau an toàn VietGAP ứng dụng công nghệ cao…

Sản phẩm rau ăn lá của HTX Nông nghiệp An Nông đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Sản phẩm rau ăn lá của HTX Nông nghiệp An Nông đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Cũng theo bà Ngô Thị Diệu, Chi cục đã hỗ trợ, kiểm tra và xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 17 sản phẩm nông thủy sản của 9 cơ sở kinh doanh; hỗ trợ tư vấn và chứng nhận VietGAP cho 6 cơ sở, bao gồm: 1 cơ sở trồng rau, 1 nhóm hộ trồng cam mật, 1 cơ sở trồng ổi, 1 cơ sở trồng dưa lưới, 1 cơ sở chăn nuôi lợn và 1 cơ sở chăn nuôi gà, chứng nhận HACCP cho 1 cơ sở chế biến thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm, như: nấm sạch Tuấn Linh, rau sạch An Nông, tinh dầu lạc Nguồn Son, Phong Nha...; một số sản phẩm nông sản, như: mật ong Tuyên Hóa, rau ăn lá các loại của HTX Nông nghiệp An Nông và thịt lợn của trang trại Vũ Trung (Lệ Thủy) được bày bán tại siêu thị Co.opmart.

Một số sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP và xác nhận chuỗi cung ứng còn được hỗ trợ gắn tem QR code truy xuất nguồn gốc bước đầu, được người tiêu dùng đánh giá cao về sự minh bạch của sản phẩm.

Truy xuất nguồn gốc là xu thế tất yếu trong sản xuất hàng hóa hiện đại. Tuy nhiên, việc triển khai truy xuất nguồn gốc vẫn gặp nhiều khó khăn do đây là hoạt động thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Để đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao năng lực trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích các cơ sở tạo dựng thương hiệu và áp dụng QR code để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng sản phẩm và giúp cho người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm mà mình lựa chọn.

Ngọc Lan
 

,