.

Dầu lạc sạch Trường Thủy và hành trình định danh

.
10:52, Thứ Ba, 01/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ ý tưởng muốn đem sản phẩm nông sản sạch đến tận tay người tiêu dùng, vợ chồng chị Đinh Thị Mai Hoa và anh Phạm Hồng Nam ( xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch) đã mạnh dạn vận động người thân chung tay thành lập hợp tác xã (HTX) "ép" tinh dầu lạc sạch cung ứng cho thị trường, mở ra hướng làm giàu mới và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân...

Hướng đến... "Mỗi xã một sản phẩm"

Trong chuyến tham quan ở tỉnh Quảng Nam, anh Phạm Hồng Nam và chị Đinh Thị Mai Hoa tình cờ thưởng thức các món ăn ngon được chế biến từ sản phẩm dầu lạc. Quá yêu thích mùi thơm của dầu lạc, thi thoảng, anh chị lại mang những bao lạc ở địa phương trở lại Quảng Nam để ép thành dầu ăn mang về dùng trong gia đình.

Dây chuyền công nghệ sản xuất dầu lạc của HTX nông sản Trường Thuỷ.
Dây chuyền công nghệ sản xuất dầu lạc của HTX nông sản Trường Thuỷ.

Tuy nhiên, ở Quảng Nam, người dân chỉ ép dầu lạc theo kiểu nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, không phải sản xuất hàng hóa và chưa thực sự bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Sau vài ba lần như thế, nhận thấy việc đi ép tinh dầu lạc rất tốn thời gian, công sức và bất tiện, vợ chồng anh chị manh nha ý tưởng sản xuất tinh dầu lạc sạch ngay tại địa phương.

Anh Phạm Hồng Nam tâm sự: "Vợ tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán và từng làm thuê cho hàng chục doanh nghiệp, nên rất hiểu về thị trường. Xu hướng tâm lý người tiêu dùng hiện nay thường hướng tới những sản phẩm nông sản sạch, bảo đảm chất lượng, có lợi cho sức khoẻ.

Do đó, khi tôi bàn với vợ về kế hoạch học tập, tìm kiếm công nghệ tiên tiến để mở một cơ sở sản xuất tinh dầu lạc sạch, vợ tôi hưởng ứng rất nhiệt tình". Thế rồi suốt một quãng thời gian dài, hai vợ chồng luôn sắp xếp thời gian để tự nghiên cứu, tìm hiểu về công nghệ sản xuất tinh dầu lạc ở trên sách báo, mạng Internet, thậm chí vào tận miền Nam hoặc ra miền Bắc để tận mắt xem các cơ sở, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.

Khi đã nắm khá rõ về kỹ thuật, đầu năm 2017, anh chị quyết định ra tận Hà Nội mua một dây chuyền công nghệ sản xuất tinh dầu lạc hiện đại mang về. Khi có dây chuyền, anh chị vừa sản xuất thử nghiệm, đồng thời, tiến hành làm các thủ tục pháp lý để được công nhận là sản phẩm nông sản sạch, an toàn. Tiếp đến là xây dựng thương hiệu Dầu đậu lạc Trường Thuỷ nhằm cung ứng ra thị trường.

Mặt khác, gia đình còn vận động thêm người thân để thành lập HTX nông sản Trường Thủy với 9 thành viên, do chị Đinh Thị Mai Hoa làm Giám đốc HTX. Anh chị còn triển khai đầu tư xây dựng trụ sở hoạt động giai đoạn đầu với tổng số vốn dự kiến hơn 4 tỷ đồng...

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường nói: "Hưởng ứng chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để phát triển nông thôn gắn với 2 mục tiêu cốt lõi là xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, việc thành lập HTX sản xuất dầu lạc sạch của hai vợ chồng Đinh Thị Mai Hoa còn hướng tới đưa sản phẩm dầu lạc Trường Thuỷ đại diện cho xã Quảng Trường trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"; góp phần tích cực vào việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thêm nhiều cơ hội việc cho người dân...".

Tăng cường liên kết với nông dân

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất bảo đảm an toàn, chất lượng và uy tín, sản phẩm dầu lạc Trường Thủy đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận để bán ra thị trường và Hội Tim mạch Việt Nam khuyên dùng. Hiện nay, sản phẩm dầu lạc Trường Thủy đã có mặt tại nhiều điểm bán hàng và một số siêu thị trên địa bàn tỉnh, thậm chí đã được xuất bán ra các thị trường "khó tính", như: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn...

Được biết, dù mới hoạt động được 1/3 công suất, nhưng mỗi ngày HTX sản xuất được 200 lít dầu lạc, tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong HTX với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng và 30 lao động thời vụ.

Sản phẩm dầu lạc Trường Thuỷ được thị trường tin dùng.
Sản phẩm dầu lạc Trường Thuỷ được thị trường tin dùng.

Bên cạnh việc tập trung xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm, từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX nông sản Trường Thuỷ còn chú trọng đến khâu liên kết với nông dân trong huyện và các vùng lân cận. Cụ thể, HTX đã ký kết cho nợ 50% giá trị tiền phân bón và bao tiêu trên 100 tấn sản phẩm lạc khô cho bà con ở hai xã Quảng Hợp, Quảng Kim (huyện Quảng Trạch).

Ngoài ra, HTX còn tiến hành thu mua khoảng 200 tấn lạc cho nông dân các xã: Cao Quảng, Văn Hoá, Châu Hoá... (huyện Tuyên Hoá). Tính đến cuối năm 2018, HTX đã xây dựng được trên 10 cộng tác viên bán hàng dầu lạc qua mạng, 13 điểm bán hàng...

Theo anh Phạm Hồng Nam, khu vực dọc theo lưu vực sông Gianh rất thuận lợi để phát triển cây lạc nên HTX không phải lo lắng về nguồn nguyên liệu duy trì cho hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, để có được nguồn nguyên liệu sạch, thời gian tới, HTX sẽ chú trọng liên kết với nông dân nhằm cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng.

Ngoài ra, HTX sẽ hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật canh tác lạc sạch với những khuyến khích sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, thảo dược. Với cách thức liên kết này, bà con hoàn toàn yên tâm về đầu ra của cây lạc, không sợ bị tư thương ép giá.

Văn Minh

 

,