.
Bố Trạch:

Khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo của nông dân

.
08:47, Thứ Năm, 10/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi của các cấp Hội Nông dân huyện Bố Trạch luôn được phát triển sâu rộng và nâng cao về chất lượng, từ đó, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, tạo động lực vươn lên làm giàu cho nhiều hội viên, nông dân.

Các mô hình phát huy hiệu quả

Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, sớm nhận thấy sản xuất theo hướng manh mún nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Văn Bồn, ở thôn 2 (xã Trung Trạch) đã phát triển trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn, bò, gà và cung cấp gà giống chất lượng cao cho bà con trên địa bàn.

Dẫn chúng tôi dạo quanh trang trại rộng trên 6,5 ha, ông Bồn hồ hởi cho biết, sau 16 năm xây dựng và ổn định sản xuất được trên 8 năm, đến nay, trang trại có 50 con lợn nái ngoại sinh sản, 1 chuồng lợn thịt nuôi thương phẩm, mỗi năm xuất chuồng gần 1.000 con, sản lượng gần 100 tấn; 20.000 gà ri; 1,2 ha diện tích mặt nước nuôi cá; 10 con bò nái sinh sản giống lai Sind...

Mỗi năm, doanh thu từ trang trại tổng hợp trên 5 tỷ đồng, trừ chi phí, gia đình ông Bồn thu lợi nhuận 600-750 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 15 lao động, mức lương 4-5 triệu đồng/tháng/lao động và hàng trăm công lao động thời vụ.

Thành công bước đầu của mô hình trồng rau an toàn tại Chi hội nông dân thôn 8, xã Hoàn Trạch mở ra nhiều cơ hội cho phát triển nông nghiệp sạch ở Bố Trạch.
Thành công bước đầu của mô hình trồng rau an toàn tại Chi hội nông dân thôn 8, xã Hoàn Trạch mở ra nhiều cơ hội cho phát triển nông nghiệp sạch ở Bố Trạch.

Hộ ông Bồn là một trong những điển hình của nông dân Bố Trạch vươn lên làm giàu nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ các cấp Hội Nông dân huyện. Hiện, Bố Trạch có 21.031 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Toàn huyện cũng đã xây dựng được 43 mô hình sản xuất kinh doanh mới; trong đó, một số mô hình tiêu biểu, như: mô hình trồng sim tại Phúc Trạch, mô hình xây dựng tổng hợp và nuôi yến sào tại Thanh Trạch, mô hình đánh bắt xa bờ tại Đức Trạch, mô hình trồng cây dược liệu tại Xuân Trạch...

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, như: thành lập các mô hình HTX, tổ hợp tác. Trong năm 2018, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã vận động thành lập được 12 tổ hợp tác và 5 HTX.

Công tác hỗ trợ, giúp đỡ hội viên thoát nghèo vươn lên thành hộ khá giàu cũng là một nhiệm vụ nổi bật Hội Nông dân huyện. Toàn huyện đã có 325 hộ hội viên nghèo được các hộ SXKD giỏi giúp đỡ hỗ trợ vươn lên thoát nghèo với tổng số tiền hỗ trợ là 427 triệu đồng, 870 ngày công và cây, con giống với trị giá hơn 100 triệu đồng. Đồng thời, Hội đã vận động, quyên góp xóa được 39 nhà tạm cho hội viên nông dân.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân huyện nhiệm kỳ 2018-2023 với việc hướng đến sản xuất nông sản an toàn, Hội ND huyện đã xây dựng kế hoạch và phát động phong trào “Nông dân sản xuất thực phẩm nông sản an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2018” trong cán bộ, hội viên toàn huyện, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Việc triển khai mô hình trồng rau an toàn tại Chi hội Nông dân thôn 8, xã Hoàn Trạch với những thành công bước đầu đã nhận được sự đồng tình của hội viên.

Đa dạng kênh hỗ trợ

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Lam cho biết, để phong trào thi đua SXKD giỏi trở thành chỗ dựa vững chắc cho nông dân, những năm qua, Hội đã tích cực vận động hội viên dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh. Hội cũng luôn chú trọng công tác tạo vốn phát triển SXKD.

Năm 2018, Quỹ hỗ trợ nông dân 2 cấp của huyện vận động được gần 1,3 tỷ đồng (trong đó, cấp huyện 205 triệu đồng, cấp xã gần 1.100 triệu đồng), cho hàng nghìn lượt hộ nông dân vay. Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT giúp hơn hơn 25.000 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ gần 1.400 tỷ đồng.

Hội còn thường xuyên tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hội viên. Trong năm 2018, Hội Nông dân huyện đã phối hợp và chỉ đạo các hội cơ sở tổ chức 165 buổi tập huấn cho trên 8.400 lượt hội viên, nông dân về chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp với các công ty cung ứng trên 90 tấn phân bón trả chậm.

Hội tiếp tục duy trì có hiệu quả các chương trình ủy thác với các ngân hàng. Hiện, hội đang phối hợp với Ngân hàng CSXH quản lý 157 tổ tiết kiệm và vay vốn với 5.814 thành viên, dư nợ gần 180 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT quản lý 12 tổ vay vốn với 450 thành viên, tổng dư nợ 51 tỷ đồng; phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức cho trên 1.000 hộ vay với trên 66 tỷ đồng... Ngoài ra, hội phối hợp với Ngân hàng NN và PTNT, Liên Việt, Vietinbank... để hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất...

Tuy nhiên, để phong trào thi đua SXKD giỏi phát huy hiệu quả sâu rộng hơn, theo ông Nguyễn Văn Lam, thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng trang trại quy mô hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, Hội sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như: hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; lập các dự án giải ngân nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, huyện, giúp nông dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, Hội tiếp tục giúp đỡ các hộ nghèo có địa chỉ vươn lên thoát nghèo; phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, tư vấn pháp luật xây dựng một số nhãn hiệu giới thiệu sản phẩm của nông dân, nhân rộng các mô hình SXKD giỏi; hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Hương Trà


 

,