.

Để sản phẩm lưu niệm "níu chân" du khách

.
09:41, Chủ Nhật, 09/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Bấy lâu nay, sản phẩm lưu niệm luôn được xem là "bài toán khó" với những người làm công tác du lịch. Việc tìm được một sản phẩm vừa mang bản sắc của địa phương, khẳng định thương hiệu điểm đến, vừa phải đáp ứng các tiêu chí của một sản phẩm lưu niệm du lịch, như: nhỏ, gọn, dễ dàng mang theo, ấn tượng…, trở nên rất khó khăn. Trên thực tế, tỉnh ta cũng có nhiều sản phẩm tiềm năng, như: khoai deo, nón lá, hải sản khô…, tuy nhiên, mức độ lan tỏa và yêu thích, nhất là trong giới trẻ đam mê du lịch, vẫn còn hạn chế. Giờ đây, Quảng Bình đang đón nhận một số sản phẩm lưu niệm mới được đầu tư và cả các sản phẩm cũ được "thay áo mới", mở ra cơ hội phát triển cho tiềm năng còn bỏ ngỏ này.

Khởi nghiệp từ khoai deo cách đây 2 năm, anh Hoàng Huy Thành (Hải Đình, TP. Đồng Hới) đang rất kỳ vọng đưa sản phẩm của mình trở thành một món quà lưu niệm ý nghĩa và thiết thực đối với khách du lịch. Chàng trai 9X chia sẻ, mặc dù mới có mặt trên thị trường chưa được bao lâu, nhưng sản phẩm khoai deo Hoàng Minh đã tạo được chỗ đứng trên thị trường và tạo niềm tin cho khách hàng.

<img alt="Khoai deo Hoàng Minh được " khoác="" áo="" mới="" "="" để="" trở="" thành="" mặt="" hàng="" lưu="" niệm="" giá="" trị="" cho="" du="" khách="" đến="" với="" quảng="" bình.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201812/original/images632966_anh1.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201812/original/images632966_anh1.jpg" style="width: 734px; height: 582px;">
Khoai deo Hoàng Minh được "khoác áo mới" để trở thành mặt hàng lưu niệm giá trị cho du khách đến với Quảng Bình.

Điểm nổi bật của khoai deo Hoàng Minh chính là bao bì đóng gói đẹp mắt, sản phẩm được chọn lựa, sơ chế kỹ càng, dẻo mềm, thơm ngon, bảo đảm chất lượng, giá thành rẻ. Đặc biệt, sản phẩm chỉ được đóng gói với trọng lượng 0,3kg, nên rất thuận lợi cho du khách mang đi xa, làm quà biếu. Tiếng lành đồn xa, anh Huy Thành thường xuyên cung cấp sản phẩm cho các khách sạn, nhà nghỉ, homestay… trên địa bàn thành phố và tạo được thị trường tiêu thụ ổn định.

Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị cũng thường xuyên chọn lựa khoai deo Hoàng Minh làm sản phẩm quà biếu trong các chuyến công tác gần xa. Đây chính là cơ hội để sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Vậy là từ một sản phẩm đặc sản truyền thống, nhờ sự đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng, khoai deo Hoàng Minh đã thực sự trở thành một sản phẩm lưu niệm có giá trị. Tuy nhiên, cơ hội đến nhiều, nhưng anh vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong đó, vốn đang là trở ngại lớn nhất. Sắp tới, anh sẽ mạnh dạn vay các nguồn vốn hỗ trợ tín dụng ưu đãi để mở cơ sở sản xuất, thuê nhân công lao động và cố gắng chủ động khâu đầu vào của sản phẩm. Đồng thời, mảng kinh doanh online vẫn chưa có điều kiện để phát triển, nên thời gian tới, anh sẽ tập trung bán hàng qua mạng xã hội và các trang bán hàng trực tuyến. Bên cạnh khoai deo, anh sẽ bắt tay nghiên cứu một số nông sản tiềm năng khác của Quảng Bình để làm sản phẩm lưu niệm cho du khách, như: sim, hàng khô hải sản…

Đặc biệt, việc đưa sản phẩm khoai deo Hoàng Minh vào các siêu thị lớn, nhất là siêu thị phục vụ khách du lịch đang là mục tiêu hướng đến của chàng trai trẻ này. Trước mắt, anh sẽ hoàn thành việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm.

Một sản phẩm mới khác cũng đang tạo sự quan tâm, chú ý của du khách, đó là hàng lưu niệm kết hạt cườm. Anh Trần Quốc Cường (Đức Ninh, TP. Đồng Hới) bắt tay thực hiện các sản phẩm mộc mỹ nghệ cách đây ba năm tại xưởng sản xuất của gia đình.

Gần đây, anh nhận thấy các sản phẩm hạt cườm bằng gỗ được khách hàng rất yêu thích, đặc biệt là hạt cườm đeo tay bằng gỗ huê, gỗ trầm, do đó, anh mạnh dạn làm đa dạng nhiều loại vòng, chất lượng cao.

Anh Cường cho biết, nhiều khách sạn, điểm du lịch đã đặt hàng sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu của du khách, mặc dù giá thành khá cao. Tiềm năng là vậy, nhưng anh lại thiếu vốn để mở cơ sở sản xuất hiện đại hơn, nâng cao số lượng sản phẩm và nhất là mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Anh tiếc nuối chia sẻ, nhiều khách sạn lớn ngỏ ý tạo cơ hội để đặt tủ bán hàng lưu niệm, nhưng anh phải từ chối bởi không có nguồn vốn để bảo đảm lượng hàng cung ứng.

Vì lẽ đó, sản phẩm hàng lưu niệm của anh chủ yếu mới được bán theo hình thức "truyền tai nhau" hoặc các cơ sở du lịch đặt hàng, rất lãng phí một sản phẩm lưu niệm du lịch tiềm năng.

TP. Đồng Hới hiện đang quan tâm ưu tiên, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, trong đó, chú trọng khuyến khích nhóm sản phẩm phục vụ du lịch. Đến nay, thành phố đã phát triển được một số cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lưu niệm phục vụ du lịch trên địa bàn các xã, phường, như: nước mắm, ruốc của cơ sở Long Tám (xã Bảo Ninh); kẹo lạc của cơ sở Ngọc Lan, Phước Anh (phường Nam Lý); nón vẽ du lịch (phường Đồng Phú); khoai deo của cơ sở Hoàng Minh (Hải Đình); dầu tràm, dầu sả của cơ sở Vân Lan (phường Hải Thành); hàng kết hạt cườm lưu niệm của cơ sở Đặng Thị Hương (xã Đức Ninh); áo phông du lịch của Công ty Tấn Phát Sport…

Tuy nhiên, bên các cạnh các cơ sở sản xuất có tiềm lực, không ít cơ sở nhỏ lẻ rất thiếu nguồn vốn để đầu tư phát triển lâu dài, mở rộng quy mô. Vì lẽ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở này thường bị động, phụ thuộc vào nhu cầu của các bên trung gian và ngại ngần trong tiếp cận thị trường.

Anh Trương Đình Mười, người chuyên vẽ nón lá du lịch trên địa bàn TP. Đồng Hới cho biết, anh rất hào hứng với dự án phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch, tuy nhiên, hiện tại, anh chỉ dám thực hiện khi có đơn hàng của các công ty du lịch hoặc các tổ chức, đoàn thể do thiếu nguồn vốn đầu tư.

Mặc dù sản phẩm hàng lưu niệm kết hạt cườm rất tiềm năng, nhưng anh Trần Quốc Cường thiếu nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường.
Mặc dù sản phẩm hàng lưu niệm kết hạt cườm rất tiềm năng, nhưng anh Trần Quốc Cường thiếu nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thị trường.

Ông Trần Xuân Cương, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, trên thực tế, mảng lưu niệm du lịch của tỉnh ta còn rất yếu và thiếu, khiến thị trường này còn bỏ ngỏ trong khi rất tiềm năng. Nguyên nhân trước hết là do các doanh nghiệp du lịch còn chưa mấy mặn mà, hơn nữa, việc tìm ra một sản phẩm lưu niệm đặc trưng, bảo đảm các tiêu chuẩn là rất khó khăn.

Ngoài ra, tỉnh ta vẫn chưa nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm lưu niệm của du khách để từ đó có chiến lược và những bước đi phù hợp. Hiệp hội Du lịch tỉnh luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các tổ chức, đơn vị, cá nhân phát triển các mặt hàng lưu niệm du lịch có giá trị, góp phần "níu chân" du khách.

Sắp tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Tuệ Lâm phát triển dòng sản phẩm lưu niệm du lịch từ sâm Bố Chính, hướng tới các sản phẩm giá trị, giá thành bình dân, thương hiệu Quảng Bình, như: kẹo sâm, trà sâm…

Bên cạnh đó, hiện nay, rất cần có những chính sách hỗ trợ vốn phù hợp cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch, nhất là các dự án khởi nghiệp của người trẻ.

Mai Nhân
 

,