.

Chủ động thực hiện các giải pháp "chống hạn"

.
08:48, Thứ Sáu, 28/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những cơn mưa lớn vào đầu và giữa tháng 12 đã phần nào giải tỏa “cơn khát” cho các hồ đập trên địa bàn tỉnh ngay trước khi bước vào vụ sản xuất đông-xuân 2018-2019.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp-PTNT, các hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý đã đạt dung tích bình quân 56% dung tích thiết kế; các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý dung tích được tăng thêm so với giữa tháng 11 nhưng lượng nước không đáng kể.

Trước tình hình thời tiết diễn biến khó lường, để chủ động đối phó với nguy cơ thiếu nước tưới, Sở Nông nghiệp-PTNT yêu cầu các địa phương cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nước và có kế hoạch sản xuất hợp lý ngay trong vụ đông-xuân…

Tiết kiệm nguồn nước tưới

Theo ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, trên địa bàn huyện hiện có 48 hồ chứa thủy lợi phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp với tổng công suất chứa khoảng 80 triệu m3 nước.

Bà con huyện Quảng Ninh chủ động chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước tưới sang trồng mướp đắng.
Bà con huyện Quảng Ninh chủ động chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước tưới sang trồng mướp đắng.

Tuy nhiên, do diễn biến mùa mưa năm nay khác thường, tổng lượng mưa năm 2018 ít hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nước trên địa bàn huyện dung tích bị thiếu hụt so với yêu cầu, dẫn đến nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo kế hoạch, vụ đông-xuân 2018-2019, huyện Bố Trạch triển khai gieo trồng gần 5.400ha lúa. Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy, toàn huyện có trên 1.570ha không đủ nước tưới ngay trong vụ này.

Cụ thể, Chi nhánh Thủy nông Bố Trạch chỉ có thể đảm nhận tưới 1.135/1.807ha, trong đó, chỉ có đập dâng Đá Mài (TT. Nông trường Việt Trung) đủ nước tưới; các hồ Đồng Ran (Bắc Trạch) chỉ đủ tưới cho trên 60ha/290ha kế hoạch, hồ Vực Sanh, Cửa Nghè (Hạ Trạch) chỉ đủ tưới cho 30ha/300ha kế hoạch… Các công trình do UBND cấp xã quản lý cũng chỉ bảo đảm nước tưới cho diện tích 2.010ha vụ đông-xuân, còn 900ha không đủ nước tưới.

Ông Đặng Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, mặc dù lượng nước tại các hồ chứa đã được bổ sung so với thời điểm tháng 11, tuy nhiên, một số diện tích vẫn còn có nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối vụ sản xuất đông-xuân.

Do đó, để chủ động đối phó với nguy cơ thiếu nước tưới, các địa phương cần kiểm kê lại nguồn nước đến từng thời điểm để cân đối nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt dân sinh; thực hiện các biện pháp tưới nước tưới tiết kiệm ngay từ đầu mùa vụ và tăng cường áp dụng quy trình thâm canh lúa SRI, sử dụng các phương pháp tưới ẩm, tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, gần tưới sau; đồng thời, điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, cơ cấu giống cây trồng và chuyển đổi diện tích lúa sang các cây trồng khác một cách hợp lý và phù hợp với khả năng nguồn nước hiện có.

Chủ động chuyển đổi cây trồng

Theo chủ trương của ngành nông nghiệp, các diện tích không thể bố trí được nguồn nước tưới hoặc nguồn nước không bảo đảm tưới vào cuối vụ thì khuyến khích cũng như yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng cạn với các loại cây ít sử dụng nước.

Đến thời điểm hiện tại, cùng với việc triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2018-2019, các địa phương đã tổ chức rà soát các diện tích và vùng sản xuất có nguy cơ không bảo đảm nước tưới, đồng thời, xây dựng kế hoạch về diện tích cũng như loại cây trồng chuyển đổi.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, bên cạnh các giải pháp về tích trữ nguồn nước, sử dụng giống lúa ngắn ngày, giống chịu hạn, đến thời điểm này, địa phương đã có kế hoạch chuyển đổi khoảng 170ha đất lúa bị thiếu nước ở các xã Vĩnh Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, thị trấn Quán Hàu… sang trồng các loại cây trồng cạn, như: ngô, khoai lang, dưa hấu, mướp đắng, đậu xanh. 

Ngoài ra, trong vụ hè-thu, địa phương sẽ chuyển đổi 105ha đất lúa thiếu nước tại các thôn Long Đại (Hiền Ninh), Phúc Duệ, chợ Gộ (Vĩnh Ninh) sang các cây trồng khác, như: ngô 10ha; đậu các loại 30ha; dưa hấu, mướp đắng, dưa leo 65ha. Trên vùng gò đồi, địa phương có kế hoạch chuyển đổi đất lâm nghiệp, đất trồng cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu các loại với diện tích khoảng 40ha…

Dù có những trận mưa lớn vào đầu tháng 12, nhưng nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đủ dung tích thiết kế.
Dù có những trận mưa lớn vào đầu tháng 12, nhưng nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đủ dung tích thiết kế.

Với khoảng 1.570ha có nguy cơ thiếu nước tưới, huyện Bố Trạch đã chủ động xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng của cả vụ đông-xuân 2018-2019 và hè-thu 2019. Theo ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, trong vụ đông-xuân, địa phương sẽ thực hiện chuyển đổi khoảng 50ha lúa thiếu nước tưới sang trồng các loại cây trồng, như: ngô, đậu xanh, dưa hấu, mướp đắng, mè…; trong đó, khuyến khích bà con sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn trên đất chuyển đổi, như: ngô HN88, ngô lai Tố Nữ, đậu xanh ĐX208, dưa hấu Hắc mỹ nhân TN010…

Đối với vụ hè-thu, toàn huyện Bố Trạch có khoảng 110ha diện tích không có nước ngay từ đầu vụ, 90ha diện tích có khả năng thiếu nước cuối vụ được đưa vào kế hoạch chuyển đổi; trong đó, khoảng 100ha được chuyển đổi sang trồng ngô, 30ha trồng đậu xanh, 5ha mè, 5ha khoai lang, 30ha ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi, các loại rau xanh, dưa chuột, dưa hấu khoảng 20ha…

Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV, dự kiến trong vụ đông-xuân 2018-2019, tỉnh ta sẽ thực hiện chuyển đổi gần 900ha đất lúa thiếu nước tưới, trong đó, huyện Quảng Trạch 365ha, Quảng Ninh 170ha, Tuyên Hóa 150ha, TX. Ba Đồn 137ha, Bố Trạch 50ha và Lệ Thủy gần 14ha... sang các loại cây trồng khác.

Ngọc Lan


 

,
  • Năm 2018, GDP tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây

    Phát biểu tại cuộc họp báo công bố về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chiều 27-12, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP cả năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây.

    27/12/2018
    .
  • Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ thông qua các chuỗi giá trị sản xuất

    (QBĐT) - Chiều 27-12, Sở Nông nghiệp-PTNT phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan-SNV tổ chức hội nghị đánh giá tổng kết hoạt động dự án "Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ/nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế nông nghiệp" (FLOW/EOWE) năm 2018, xây dựng kế hoạch năm 2019.

    27/12/2018
    .
  • TX. Ba Đồn: Tập trung phòng, trừ chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp

    (QBĐT) - Thời gian qua, tình hình phát sinh, gây hại của chuột trên cây lúa và rau màu ở địa bàn TX. Ba Đồn có chiều hướng gia tăng về diện tích và mức độ. Để giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ sản xuất, TX. Ba Đồn đã có công văn chỉ đạo các xã, phường chủ động phòng, trừ chuột đồng đang gây hại cây trồng.

    27/12/2018
    .
  • Triển vọng từ mô hình sản xuất cam bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

    (QBĐT) - Năm 2018, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình trồng thâm canh cam bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và mô hình tưới nhỏ giọt trên cây cam tại một số địa phương trong tỉnh.

    27/12/2018
    .
  • [Infographics] Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt mức kỷ lục

    Ước tính cả năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 40 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam hiện đứng trong top 15 xuất khẩu nông sản thế giới.

    26/12/2018
    .
  • Xã Đồng Trạch: Giữ vững và phát huy hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới

    (QBĐT) - Xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch đã về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ vững và phát huy tối đa hiệu quả các tiêu chí NTM...

    26/12/2018
    .
  • Quảng Trạch: Chủ động ứng phó với thiếu nước vụ Đông-Xuân

    (QBĐT) - Những biến động bất thường của thời tiết khiến nhiều hồ chứa nước trên địa bàn huyện Quảng Trạch lâm vào tình trạng thiếu nước, ngay từ đầu vụ sản xuất đông-xuân 2018-2019, huyện Quảng Trạch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với quyết tâm bảo đảm đạt năng suất, sản lượng lương thực đã đề ra...

    25/12/2018
    .
  • Quảng Ninh: Sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng ổn định

    (QBĐT) - Năm 2018, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng giá trị sản xuất là 892 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ. Trong đó, CN khai thác tăng 25%, CN chế biến tăng 6,5% so cùng kỳ.

     

     

    25/12/2018
    .