.

Lệ Thủy: Nâng cao thu nhập từ chuyển đổi đất sản xuất

.
09:39, Thứ Hai, 19/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, nhiều nông dân ở huyện Lệ Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng rừng, đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác hoặc chăn nuôi. Nhờ đó, thu nhập của nhiều hộ dân đã được nâng cao, áp lực tiêu thụ lúa gạo giảm, đồng thời tạo sự đa dạng sản phẩm nông sản trên địa bàn.

Còn nhớ vụ hè-thu năm 2014, nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Lệ Thủy không thể gieo sạ do thiếu nguồn nước, lúa tái sinh không phát triển, dẫn đến năng suất thấp, sản lượng không bảo đảm.

Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng khoai ở xã Tân Thủy mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân.
Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng khoai ở xã Tân Thủy mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân.

Cùng với cây lúa, nhiều diện tích rừng trồng có độ dốc không lớn, đất đai tốt nhưng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh và huyện đã có chủ trươnghỗ trợ bà con thực hiện việc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác hoặc phát triển chăn nuôi. Các loại cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi, gồm: ớt, rau, dưa, khoai lang, sen, cá, vịt…

Để khuyến khích việc chuyển đổi, các cấp chính quyền đã chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ tích cực cho bà con về giá, giống, kỹ thuật, phân bón. Từ đó đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng trăm ha diện tích cây trồng được chuyển đổi, bao gồm chuyển đổi trên đất màu (từ cây này sang cây khác), chuyển từ rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, trồng rừng kinh tế, nuôi trồng thủy sản...

Trong 2 vụ đầu thực hiện, toàn huyện đã chuyển đổi với tổng diện tích 106,3 ha tại 12 xã. Trước đây, đối với các diện tích đất lúa kém hiệu quả, người dân bị lỗ 340.000 đồng/ha. Sau khi chuyển đổi sang trồng các loại cây khác, như: rau, khoai lang, ớt, dưa, mè, sen..., lợi nhuận thu được đạt từ 8 đến 124 triệu đồng/ha (bình quân 66.360.000 đồng/ha), trong đó chuyển đổi sang trồng rau mang lại hiệu quả cao nhất.

Riêng trong năm 2018, huyện Lệ Thủy đã thực hiện chuyển đổi 31,8 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng kháctại các xã Cam Thủy, Liên Thủy, Lộc Thủy, An Thủy, Tân Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh. Các cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi đều phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-5 lần so với trồng lúa.

Tại xã Tân Thủy, việc chuyển đổi đất sản xuất thực sự phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng rừng sang trồng cam Vũ Quang, hơn 6,2 ha sang trồng dứa thương phẩm; chuyển đổi 4,5 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai lang và 168 ha cây màu vụ 3 sang nuôi cá. Hầu hết diện tích đất chuyển đổi đều phát huy hiệu quả, nhất là trồng khoai và nuôi cá vụ 3.

Chị Dương Thị Hợi, ở thôn Tân Hòa, xã Tân Thủy khẳng định: “So với trồng lúa thì trồng khoai lãi hơn khoảng 7 lần nên tôi hết sức phấn khởi. Thu hoạch xong, tôi đã bán khoai được gần 12 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí”. Nhà chị Hợi được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật nên đã mạnh dạn chuyển đổi 2 sào đất trồng lúa sang khoai lang Hoàng Long.

Tuy mới trồng vụ đầu nhưng loài cây này cho thấy phù hợp với chất đất, điều kiện khí hậu của địa phương, có thời gian sinh trưởng khoảng 120 ngày. Không chỉ chị Hợi mà hàng chục hộ dân trong thôn cũng rất mừng vì khoai vừa được mùa, vừa được giá.

Cách đây khoảng 8 năm, người dân xã Tân Thủy bắt đầu nuôi cá trên đất trồng màu vụ 3. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 168 ha đất trồng màu vụ 3 sang nuôi các loại cá. Để làm được việc này, sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè-thu, người dân không trồng màu như trước mà tiến hành đắp bờ, giăng lưới, cho nước vào và mua cá giống về thả. Các loại cá được nuôi chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá lóc, cá rô phi.

Ông Lê Xuân Nghiếm, ở thôn Tân Hòa vui mừng cho biết: “Nuôi cá vụ 3 cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trồng cây màu vụ ba. Bởi thời gian nuôi ngắn, ít đầu tư vốn và công sức, vừa cải tạo được đất để trồng lúa vụ đông-xuân, vừa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng”. Trong 10 ha nuôi cá trên đất màu vụ 3, mỗi năm, tuy ông phải trả tiền thuê đất khoảng 100 triệu, tiền lưới khoảng 50 triệu nhưng vẫn mang lại cho ông lãi ròng khoảng 150 triệu đồng trong hơn 2 tháng.

Điểm nổi bật của mô hình này là người nông dân không phải đầu tư thức ăn cho cá mà tận dụng cỏ, lúa và các loại phù du trong ruộng. Trung bình mỗi ha đầu tư khoảng 20 triệu đồng cho việc thuê đất, giống, lưới và nhân công. Cá nuôi trên ruộng phát triển rất nhanh nhờ lượng thức ăn tự nhiên dồi dào.

Mỗi ha ruộng có thể thả 2 tạ cá giống. Mỗi cân cá giống khoảng 10 con, sau 2 tháng nuôi, trung bình mỗi con cá đạt trọng lượng từ 0,3kg. Với giá bán từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi ha thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

Hàng trăm ha đất trồng màu vụ 3 được chuyển qua nuôi cá, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ cho nhiều hộ dân.
Hàng trăm ha đất trồng màu vụ 3 được chuyển qua nuôi cá, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/vụ cho nhiều hộ dân.

Ông Lê Hữu Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thủy cho biết: “Nhờ chuyển đổi đất trồng màu vụ 3 sang nuôi cá nên đời sống nhiều hộ dân ngày càng đi lên. Việc nuôi cá không những mang lại lợi ích cho người chăn nuôi mà cả những người có ruộng cho thuê cũng thu được số tiền khá lớn.

Riêng các thôn có đất nuôi cá, xã chỉ đạo trích khoảng 20% tiền thuê đất để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn, qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thời gian tới, xã đang dự định tiếp tục chỉ đạo bà con mở rộng diện tích trồng khoai, trồng sả để chế biến tinh dầu; nghiên cứu những vùng đất trồng màu vụ 3 có đủ điều kiện để chuyển sang nuôi cá”.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lệ Thủy khẳng định, việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng kém hiệu quả sang trồng các cây trồng, vật nuôi khác đã giúp nhiều hộ nông dân nâng cao được thu nhập.

Để tăng hiệu quả của các cây trồng, vật nuôi sau khi chuyển đổi, các địa phương cần chọn vùng phù hợp với từng loại cây trồng, có thị trường tiêu thụ ổn định, tăng cường đầu tư thâm canh, sản xuất đúng quy trình để bảo đảm năng suất.

Đối với các cấp, các ngành, đoàn thể, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân mạnh dạn chuyển đổi; tiếp tục hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, giống, phân bón, thị trường tiêu thụ trong khi chuyển đổi cho nông dân…

Xuân Vương

 

,