.

Hướng đến xây dựng đô thị Đồng Hới văn minh hiện đại

.
10:27, Thứ Năm, 08/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Đồng Hới lần thứ XX, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng Chương trình hành động về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại giai đoạn 2016-2020. Qua hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã huy động được nhiều nguồn lực; công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Đặc biệt, các tiêu chí của một đô thị loại II từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh.

Nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò quan trọng của chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, các đơn vị phòng, ban và phường, xã trên địa bàn đã đẩy nhanh triển khai thực hiện kế hoạch gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ mà chương trình đề ra.

Cùng với đó, thành phố đã xây dựng các đề án để cụ thể hóa chương trình, như: xã hội hóa vỉa hè; phát triển cây xanh; điện chiếu sáng các tuyến đường vừa và nhỏ trong khu dân cư; xây dựng phát triển chợ thành phố...

Ngoài ra, Đồng Hới còn ban hành các quy định về xây dựng tuyến đường phố kiểu mẫu, về quản lý, sử dụng một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông, về quản lý cây xanh đô thị và công viên... nhằm lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực trong dân, các tổ chức xã hội để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đô thị.

Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của thành phố đạt trên 7.000 tỷ đồng (ngân sách thành phố 450 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh và Trung ương), tăng 1,57 lần so với thời kỳ năm 2013-2015, trong đó, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật chiếm trên 68% và hạ tầng xã hội chiếm gần 32%.

Với công suất xử lý 10.000m3 khối/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt cho người dân thành phố.
Với công suất xử lý 10.000m3 khối/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt cho người dân thành phố.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới, thành phố xác định mục tiêu, định hướng phát triển là xây dựng kết cấu hạ tầng và không gian đô thị theo hướng đồng bộ, bảo đảm đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II.

Vì vậy, các lĩnh vực được tập trung ưu tiên đầu tư, gồm: giao thông, giáo dục-đào tạo, y tế, chợ, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường... Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng của thành phố đã được đầu tư, cải tạo nâng cấp, bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc, cảnh quan đô thị được cải thiện ngày càng khang trang.

Các công trình phục vụ dân sinh được xây dựng tạo điểm nhấn cho thành phố. Nhiều công trình được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa được quan tâm xây dựng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, đồng thời, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Cụ thể, trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật, trong hơn 2 năm qua, thành phố đã xây dựng được gần 40km đường bê tông, 20km đường nhựa và 29km đường nội bộ tại các khu dân cư đô thị mới, nâng tổng chiều dài giao thông đường bộ của thành phố lên 552km.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thành phố đã xây dựng được 32.000m2 vỉa hè và bó vỉa; xây dựng mới 4 bãi đỗ xe theo quy hoạch với tổng diện tích khoảng 4.000m2; xây mới 69km hệ thống đường ống cấp nước, nâng tổng chiều dài lên 350km tại 16/16 xã, phường với khoảng 21.500 hộ sử dụng nước máy, tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 98%.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đầu tư gần 20km hệ thống mạng lưới thoát nước, nâng tổng số mạng lưới thoát nước đạt 219km và tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt 60%; điện chiếu sáng được đầu tư mới với chiều dài 196km, đưa tổng chiều dài toàn hệ thống chiếu sáng của thành phố lên 268km và tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thành được chiếu sáng 100%, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 75%.

Toàn thành phố có 94 cột và 179 trạm thu phát sóng BTS và phủ sóng 16/16 xã, phường, 100% địa phương trong thành phố có Internet đến thôn, tổ dân phố... Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật của các khu đô thị mới, như: phía tây sông Cầu Rào, phía tây đường Hữu Nghị, bắc đường Lê Lợi…,từng bước đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Về kết cấu hạ tầng xã hội, toàn thành phố có 98% trường, lớp học được kiên cố; có 16/16 xã, phường có trạm y tế được kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia; xây dựng mới 10 trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã và 151 nhà văn hóa-khu thể thao thôn, tổ dân phố; tỷ lệ cây xanh toàn đô thị đạt 12,6m2/người và cây xanh công cộng khu vực nội thị đạt 9m2/người, đạt 100%.

Hiện thành phố có 9 trung tâm thương mại-dịch vụ; xây mới và cải tạo mở rộng 4 chợ với kinh phí trên 40 tỷ đồng; có 194 khách sạn, nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch… Đến nay, trong 27 danh mục dự án ưu tiên đầu tư của chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đô thị giai đoạn 2016-2020, TP. Đồng Hới đã có 23 danh mục dự án triển khai xây dựng và 4 danh mục đang tiếp tục xúc tiến đầu tư.

Đánh giá những kết quả đạt được, đồng chí Lê Văn Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đồng Hới khẳng định, xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, Đồng Hới tiến hành rà soát, phê duyệt điều chỉnh một số đồ án quy hoạch, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2020, Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và vùng phụ cận đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020…

Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết nhằm đáp ứng kịp thời cho các ngành, địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho từng dự án phát triển đô thị, phát triển kinh tế-xã hội và quản lý xây dựng.

Cùng với đó, thành phố huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội để hoàn thành các dự án trọng điểm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và xã hội; đồng thời, nhân dân đã nhận thức được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tham gia đóng góp và thực hiện các chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện các chương trình đề án xã hội hóa mà thành phố đã ban hành...

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình này, TP. Đồng Hới sẽ tập trung phát triển kinh tế toàn diện về quy mô chất lượng, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch, bảo đảm quy hoạch thực sự là căn cứ cho đầu tư phát triển đúng hướng và bền vững. Đồng Hới làm tốt công tác huy động nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó vừa tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, vừa áp dụng các biện pháp phát động nội lực, huy động vốn tối đa của các thành phần kinh tế và nhân dân.

Thành phố cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…, với mục đích góp phần cải thiện bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hơn.

Mặt khác, TP. Đồng Hới tích cực quảng bá và làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân thành phố về văn hóa ứng xử trong giao tiếp, trong hoạt động dịch vụ thương mại, xây dựng hình ảnh người Đồng Hới văn minh, thanh lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kêu gọi nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực trên các lĩnh vực đến đánh thức, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của thành phố…

Thùy Lâm
 

,