.

Du lịch cộng đồng và cơ hội cho đặc sản Quảng Bình

.
08:05, Chủ Nhật, 04/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Bấy lâu nay, du lịch luôn được đánh giá là một trong những kênh quảng bá và tiêu thụ đặc sản địa phương hiệu quả và rộng mở nhất. Nhờ đó, nhiều đặc sản Quảng Bình, như: khoai deo, bánh tráng, hải sản…., đã theo chân du khách đến với mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Gần đây, khi du lịch cộng đồng bắt đầu "bùng nổ" ở tỉnh ta, đặc sản xứ Quảng lại có dịp đến gần hơn với khách du lịch, nhất là khách quốc tế, theo những cách thức hoàn toàn mới.

Sealand Homestay của chị Cao Hoài Thu ở xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới tạo được sức hấp dẫn riêng với khách nước ngoài không chỉ bởi vị trí đẹp, sự thân thiện, cởi mở của chủ nhân, các dịch vụ tiện ích mà còn bởi cách giới thiệu đặc sản, ẩm thực Quảng Bình mới mẻ.

Theo chị Thu, trước hết, khách đến nghỉ chân tại Sealand Homestay sẽ được cung cấp danh sách các địa chỉ ẩm thực có uy tính, chất lượng của thành phố Đồng Hới. Cùng với đó, du khách sẽ được hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ nguyên liệu, chế biến cho đến cách thức thưởng thức các món ăn, đặc sản của Quảng Bình.

Chủ nhân của nhiều homestay ở Quảng Bình sẵn sàng cùng khách chế biến các món ăn đặc sản quê hương.
Chủ nhân của nhiều homestay ở Quảng Bình sẵn sàng cùng khách chế biến các món ăn đặc sản quê hương.

Ngoài ra, chị Thu sẵn sàng đi chợ, giới thiệu cho khách các loại rau, củ, quả địa phương tươi ngon, hải sản tươi sống và cùng du khách chế biến món ăn tại homestay. Một trong những món ăn mà du khách nước ngoài rất thích khi đến Sealand Homestay là cá ngừ. Nhiều vị khách rất ấn tượng với món cá ngừ tươi ngon cùng cách chế biến kết hợp truyền thống và hiện đại nơi đây.

Anh Eric Niels Suratny, du khách đến từ Thái Lan chia sẻ: "Tôi đã đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn ngon, nhưng hải sản Quảng Bình có hương vị và cách chế biến giản dị mà độc đáo, khơi dậy sự tươi ngon, mặn mòi của biển. Tôi rất thích và sẽ giới thiệu cho nhiều bạn bè của mình đến Quảng Bình để thưởng thức".

Chị Cao Hoài Thu chia sẻ thêm, chị cũng thường xuyên đưa khách đến các đám cưới của người thân để họ có thể tìm hiểu, khám phá một phong tục văn hóa đẹp của người Việt Nam và thưởng thức ẩm thực theo một cách hoàn toàn khác lạ.

Khác với Sealand Homestay, nhiều homestay khác tự trang bị cho mình vườn nông sản riêng để vừa phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách, vừa xây dựng mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Organics Farm (Nông trại hữu cơ) của Jungle Boss Homestay (Sơn Trạch, Bố Trạch) cũng đang theo hướng đi như vậy.

Theo anh Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss, nông trại hữu cơ sẽ giúp homestay xây dựng được chuỗi khép kín trong cung cấp nguồn nguyên liệu cho dịch vụ ăn uống, bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm, độ tươi ngon.

Đồng thời, du khách sẽ có nhiều cơ hội để được trải nghiệm cuộc sống như một nông dân Việt Nam thực thụ. Nông trại duy trì một số đặc sản cây trồng, vật nuôi của địa phương để góp phần quảng bá thương hiệu truyền thống, như: các loại rau theo mùa, gà, vịt, ngan...

Phát huy thế mạnh của các homestay, farmstay trong quảng bá đặc sản, nhiều địa phương đang có lợi thế về du lịch cộng đồng cũng hướng tới tiềm năng này. Xã Cự Nẫm (Bố Trạch) hiện có 1 farmstay, 11 homestay hoạt động và rất "hút" khách du lịch, nhất là khách quốc tế.

Bên cạnh Phong Nha Farmstay có những lợi thế riêng và đang phát triển mạnh mẽ các loài hình du lịch kết hợp, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, các homestay còn lại có quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát chưa có điều kiện đi sâu vào các dịch vụ phục vụ du khách.

Nhưng, về lâu về dài, theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm, xã cũng đã có kế hoạch sẽ tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch cộng đồng, kết hợp đưa các sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, như: gà đồi, tiêu…

Đây cũng là mục tiêu mà nhiều địa phương giàu tiềm năng du lịch cộng đồng khác đang hướng đến. Theo ông Nguyễn Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy (Lệ Thủy), Trường Thủy có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn.

Nhiều đặc sản Quảng Bình được giới thiệu cho du khách tại Sealand Homestay.
Nhiều đặc sản Quảng Bình được giới thiệu cho du khách tại Sealand Homestay.

Đặc biệt, xã có hệ thống thác nước, suối nguyên sơ, nhiều cơ hội phát triển du lịch cộng đồng. Xã hiện đang phát triển một số nông sản truyền thống nổi bật của địa phương, như: nghệ, gà đồi… và hướng tới xây dựng thương hiệu cho đặc sản. Những bước chuẩn bị này sẽ mở ra nhiều cơ hội trong tương lai cho Trường Thủy khi du lịch cộng đồng phát triển ở địa phương này.

Tuy nhiên, để đặc sản Quảng Bình được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua du lịch cộng đồng, vẫn còn rất nhiều điều phải làm. Bởi, trên thực tế, các homestay, farmstay ở tỉnh ta chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thậm chí nhiều homestay không có dịch vụ ăn uống. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các chủ homestay, farmstay vẫn còn hạn chế và chưa có điều kiện được nâng cao, trau dồi thường xuyên.

Thêm vào đó, đặc sản Quảng Bình tuy phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức, nhưng vẫn khó khăn để vươn tầm thành sản phẩm du lịch đặc trưng. Ngoài ra, các khâu kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu… cũng đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của nhiều cơ quan, tổ chức, ban ngành, đoàn thể.

Về vấn đề này, ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, tới đây, du lịch cộng đồng sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá đặc sản Quảng Bình khi đề án "mỗi xã một sản phẩm được thông qua" và du lịch nông thôn mới được quan tâm phát triển ở tỉnh ta.

Nhưng, dù theo phương thức nào, người dân vẫn cần quan tâm đến sản xuất đặc sản theo chuỗi giá trị, có sự liên kết, kết nối với thị trường tiêu thụ, có như vậy, sản phẩm làm ra mới có chỗ đứng trên thị trường và được du khách ưa chuộng.

Mai Nhân

 

,