.

Chủ động ứng phó với khô hạn trong sản xuất nông nghiệp

.
14:58, Thứ Bảy, 17/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo tổng hợp của Đài khí tượng thủy văn Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa ở các trạm trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 60% so với trung bình nhiều năm. Tình hình thực tế lượng mưa, các nguồn nước trên toàn tỉnh và nhận định khí tượng thủy văn cho thấy, hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng ngay từ đầu vụ đông-xuân và cả năm 2019. Trước nguy cơ thiếu nước tưới phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp và PTNT đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ứng phó với khô hạn.

Ông Đặng Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, quá trình kiểm tra thực tế tại các hồ chứa thủy lợi cho thấy, dung tích nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện chỉ đạt mức bình quân từ 50% dung tích thiết kế, đặc biệt một số hồ rất thấp, dưới 20% dung tích thiết kế, như: hồ Khe Bùi 15%, hồ Bàu Luồng gần 12%; cá biệt có hồ đang ở mực nước chết, như: Long Đại trên 4%, Long Đèn 0,6%...

Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, từ tháng 11-2018 đến hết tháng 3-2019, tổng lượng mưa tại tỉnh ta chỉ đạt xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, trong khi đó, nhiệt độ trung bình các tháng lại bằng và cao hơn trung bình nhiều năm nên khả năng sẽ gây hạn hán trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Với diễn biến thời tiết như hiện nay, vụ sản xuất đông-xuân 2018-2019 và năm 2019 được nhận định sẽ có nguy cơ cao thiếu nước tưới. Do đó, việc chủ động phòng chống hạn ngay từ đầu vụ, đồng thời, có giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn là những giải pháp mang lại hiệu quả nhất, hạn chế rủi ro cao nhất đối với sản xuất nông nghiệp.

Theo khảo sát, tổng diện tích dự kiến đảm nhận tưới vụ đông-xuân của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi chỉ đạt 14.307/15.839ha kế hoạch (1.532ha không đủ nước tưới); huyện Quảng Trạch chỉ bảo đảm tưới cho 966/1.171ha kế hoạch (205ha không đủ nước tưới); TP. Đồng Hới 80/234ha kế hoạch (154ha không đủ nước tưới); huyện Quảng Ninh 1.012/1.262ha kế hoạch (260ha không đủ nước tưới); huyện Lệ Thuỷ 8.276/8.695ha kế hoạch (419ha không đủ nước tưới); huyện Bố Trạch 2.010/2.910ha kế hoạch (900ha không đủ nước tưới); TX. Ba Đồn 530/773ha kế hoạch (gần 260ha không đủ nước tưới). Riêng huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá cơ bản bảo đảm phục vụ nước tưới cho toàn bộ diện tích sản xuất vụ đông-xuân.

Hiện tại, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao Công ty TNHHMTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước các hồ chứa thủy lợi và ao đầm tự nhiên trên địa bàn để triển khai các giải pháp phòng chống hạn phù hợp, đồng thời, xây dựng kế hoạch tưới cho cả vụ đông-xuân và hè-thu; lập kế hoạch và giải pháp tích trữ nước hợp lý cho các hồ chứa, bảo đảm phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống, an toàn cho công trình và hạ du.

Nhiều hồ chứa nước do cấp xã quản lý hiện dung tích nước chỉ đạt khoảng 20-30% dung tích thiết kế.
Nhiều hồ chứa nước do cấp xã quản lý hiện dung tích nước chỉ đạt khoảng 20-30% dung tích thiết kế.

Đơn vị cũng chỉ đạo Chi cục Trồng trọt-BVTV hướng dẫn các địa phương về bố trí cơ cấu giống cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp nhằm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn… gây ảnh hưởng đến diện tích và năng suất cây trồng.

Đặc biệt, các địa phương cần chủ động và tăng cường thực hiện các giải pháp tích trữ nước, thực hiện quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ đông-xuân; tổ chức phát động phong trào “toàn dân làm thủy lợi” để tôn cao bờ vùng, bờ thửa nhằm lưu giữ lượng nước mưa trên mặt ruộng, bảo đảm đợt tưới đầu vụ chỉ sử dụng nước trên mặt ruộng, hạn chế tối đa nước từ các công trình thuỷ lợi và ao hồ.

Theo ông Nguyễn An Tư, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, nhận định nguy cơ khô hạn trong vụ sản xuất đông-xuân 2018-2019 và cả năm 2019, Công ty đã lên phương án tưới tiêu hợp lý cho từng hồ, trong đó xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới, vùng nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước tưới để bố trí hợp lý.

Đối với những vùng khó khăn về nước tưới, Công ty chỉ đạo các chi nhánh vận động bà con đắp đập, be bờ giữ nước mặt ruộng, tận dụng tối đa đợt tưới đầu, hạn chế cấp nước từ hồ chứa nhằm tiết kiệm nước và dành nước ở các hồ chứa cho vụ hè-thu. Ngoài ra, Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương lập kế hoạch dùng nước, lịch tưới, mức tưới của từng đợt theo thời kỳ sinh trưởng của cây trồng cho từng xứ đồng để chủ động sản xuất.

Cũng theo ông Đặng Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cùng với các giải pháp tích trữ và sử dụng tiết kiệm nước tưới, các địa phương cần chủ động chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng sử dụng giống ngắn ngày; trong đó vụ đông-xuân sử dụng giống lúa, như: HT1, SV181, SV46, PC6, KD18, DV108…, vụ hè-thu sử dụng giống cực ngắn ngày, như: PC6, P6 đột biến, SV181… ở những diện tích bảo đảm nước tưới.

Bên cạnh đó, cần tích cực chuyển đổi cây trồng cạn trên diện tích đất lúa thiếu nước; đối với những diện tích đặc thù có thể chuyển đổi ngay trong vụ đông-xuân, cần khuyến khích bà con lựa chọn đối tượng cây trồng phù hợp để chuyển đổi.

Đối với những vùng không đủ nước tưới, địa phương cần sớm xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng trên những diện tích sản xuất lúa bị thiếu nước vụ hè-thu để nông dân chủ động triển khai ngay sau khi thu hoạch vụ đông-xuân; đồng thời, áp dụng các biện pháp sử dụng triệt để nguồn nước có trong hồ đập, ao hồ tưới vào các thời kỳ quan trọng của cây trồng, kết hợp sử dụng các vật liệu che phủ gốc để giữ ẩm.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền về tình hình hạn hán để người dân có ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất, chủ động chuyển đổi cây trồng thích hợp trên vùng đất bị hạn; tuyên truyền, phổ biến quy trình chăm sóc các cây trồng cạn chuyển đổi trên đất lúa; tổ chức liên kết các doanh nghiệp tham gia thu mua nông sản, cây làm thức ăn gia súc… trên địa bàn với các địa phương để đưa ra phương án hợp tác ngay từ đầu vụ sản xuất.

Ngọc Lan

 

,