.

Tiếp sức cho đội tàu khai thác xa bờ

.
19:12, Thứ Bảy, 13/10/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, nghề khai thác biển của tỉnh ta phát triển khá mạnh, được đánh giá là chủ lực trong phát triển kinh tế biển, góp phần không nhỏ vào mục tiêu tái cơ cấu ngành. Đặc biệt, xu hướng hiện nay là ngư dân ngày càng đầu tư đóng mới tàu cá công suất lớn, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại và liên kết thành tổ, đội để vươn khơi khai thác hiệu quả…

Theo thống kê của Chi cục Thuỷ sản đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 1.500 tàu cá công suất từ 90CV trở lên, chiếm gần 77% tàu cá toàn tỉnh, với tổng công suất gần 775.000CV.

Nhiều ngư dân Quảng Bình mạnh dạn đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi bám biển
Nhiều ngư dân Quảng Bình mạnh dạn đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi bám biển.

Riêng đội tàu cá có công suất từ 400-1.000CV là 1.036 chiếc, tàu cá trên 1.000CV là 17 chiếc, chủ yếu tham gia đánh bắt ở các ngư trường lớn, như: vịnh Bắc bộ, Trường Sa, Hoàng Sa.

Phần lớn các tàu cá xa bờ đều được trang bị đầy đủ ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác phù hợp với ngư trường, chủ yếu là các nghề lưới vây khơi, lưới rê khơi, câu khơi, chụp mực…, nhờ đó, ngư dân khai thác hiệu quả các loại thủy sản có giá trị xuất khẩu, như: cá thu, cá cam, cá hố, mực.

Cùng với đó, nhờ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa, nên số lượng tàu cá đóng mới hàng năm của tỉnh ta khá lớn. Năm 2016, toàn tỉnh đóng mới 117 tàu cá, tổng công suất gần 86.500CV; năm 2017, 94 tàu cá được đóng mới với tổng công suất gần 73.000CV; từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đóng mới 60 tàu cá với tổng công suất trên 45.000CV.

Trong đó, có 87 tàu cá được đóng mới và nâng cấp theo Nghị định 67 đã hoàn thành và đưa vào sản xuất. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 200 tàu cá cải hoán, nâng cấp thân tàu, máy móc, trang thiết bị bảo đảm chất lượng để tham gia hoạt động sản xuất trên biển dài ngày.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh cho biết, xã Bảo Ninh hiện có đội tàu cá xa bờ 200 chiếc, chủ yếu đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi năm mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Như trong tháng 8 và 9 vừa qua, các tàu xa bờ đều có thu nhập trung bình từ 600-700 triệu đồng/tàu/chuyến biển; đặc biệt, một số ngư dân "bội thu", như: anh Nguyễn Công Hoan có chuyến biển đạt trên 2 tỷ đồng (2 tàu), anh Phạm Tuyển trúng đậm 100-120 tấn cá, mực, tôm đạt thu nhập trên 1,1 tỷ đồng, anh Nguyễn Thiết Kế có thu nhập gần 1 tỷ đồng với các sản phẩm khai thác chủ yếu là cá nục, cá ngừ…

Toàn tỉnh hiện có gần 1.300 tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa, trong đó có 70 tàu cá công suất đến 600CV được cấp phép đánh cá chung vịnh Bắc bộ. Tàu cá của ngư dân ngày càng được hiện đại hóa, đa số các tàu đóng mới đều được trang bị các thiết bị hiện đại, như: máy dò cá ngang góc quét 45o, 360o, máy đo sâu, tời thu lưới thủy lực, máy thông tin liên lạc HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS.

Nhờ trang bị các thiết bị hiện đại, tàu cá xa bờ của ngư dân tỉnh ta có nhiều chuyến biển
Nhờ trang bị các thiết bị hiện đại, tàu cá xa bờ của ngư dân tỉnh ta có nhiều chuyến biển "bội thu ".

Đặc biệt, nhiều tàu cá đã bắt đầu sử dụng hầm vật liệu composite, polyurethane trong bảo quản thay cho hầm gỗ, ứng dụng đèn led chiếu sáng thay cho bóng đèn truyền thống vừa tiết kiệm dầu, vừa tăng hiệu quả đánh bắt… Nhờ đó, hiệu quả khai thác biển của các tàu cá xa bờ ngày càng cao, ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.

Để "tiếp sức" cho ngư dân trong hoạt động sản xuất, các địa phương cũng đã cơ cấu lại tổ chức sản xuất theo hướng liên kết thành các tổ hợp tác (THT), tổ đoàn kết (TĐK) để tương trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt trên biển.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, đến nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 128 THT (tăng 60 tổ so với năm 2013), 86 TĐK và 2 nghiệp đoàn nghề cá Bảo Ninh, Hải Thành, với gần 1.400 tàu cá và 10.000 ngư dân tham gia. Các TĐK, THT và nghiệp đoàn nghề cá đã tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cứu hộ cứu nạn, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Đặc biệt, từ năm 2017, các THT, TĐK đã kết nối ngư dân liên kết thành các tổ biển xa để phát huy vai trò trong việc hỗ trợ sản xuất, cứu hộ cứu nạn, hạn chế các rủi ro nguy hiểm khi hoạt động khai thác tại các vùng biển xa. Hiện toàn tỉnh có 64 tổ biển xa với 740 tàu cá tham gia, chủ yếu là tàu đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhờ liên kết sản xuất, sản lượng khai thác của ngư dân luôn ổn định, trong 9 tháng năm 2018, sản lượng khai thác thuỷ sản ước đạt trên 52.100 tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó khai thác biển đạt gần 49.650 tấn.

Ngư dân Lê Văn Thành, thành viên của THT Hồng Xuân ở phường Quảng Phúc (TX.Ba Đồn) cho biết, THT của anh có 9 tàu xa bờ đều bám biển dài ngày. Trước đây, mỗi chuyến ra khơi được 7-10 ngày là các tàu phải quay vào bờ để tiêu thụ sản phẩm và lấy thêm lương thực, nước ngọt, dầu máy.

Còn bây giờ đã có tàu khác lo chuyện hậu cần nên các tàu trong tổ yên tâm bám ngư trường dài ngày hơn, hiệu quả sản xuất vì thế cũng cao hơn. Từ năm 2017 đến nay, nhờ hoạt động khai thác biển thuận lợi trở lại, doanh thu mỗi chuyến biển luôn đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, thu nhập của thuyền viên luôn ổn định.

Đánh bắt xa bờ phát triển mạnh đã tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến.
Đánh bắt xa bờ phát triển mạnh đã tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao cho các doanh nghiệp chế biến.

Còn ngư dân Phạm Tuyển, chủ tàu cá QB 91999TS ở xã Bảo Ninh (TP.Đồng Hới) thì chia sẻ, khi tham gia THT, tàu cá của ngư dân được lợi từ việc chia sẻ ngư trường đánh bắt đến hỗ trợ về hậu cần cũng như cứu hộ cứu nạn trên biển. Thông thường mỗi THT có từ 9-10 tàu cá cùng hoạt động trên một ngư trường dưới sự điều hành của tàu tổ trưởng.

Tàu tổ trưởng vừa tham gia khai thác hải sản vừa phân công nhiệm vụ cho các tàu khác trong trường hợp THT có sự cố hoặc luân phiên đưa sản phẩm vào đất liền tiêu thụ và cung ứng dầu, lương thực, thực phẩm cho các tàu trong tổ. Từ đầu năm đến nay, đội tàu của ngư dân Phạm Tuyển đã có 7 chuyến đi biển, mỗi chuyến từ 20-30 ngày, hầu như chuyến nào cũng đạt doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên.

"Trong bối cảnh ngành thuỷ sản đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm "gỡ" thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm khai thác biển, cùng với việc hiện đại hoá đội tàu xa bờ, tỉnh ta còn đẩy mạnh việc tuyên truyền, giám sát các tàu cá khai thác trên vùng biển xa về việc tuân thủ báo cáo vị trí chuyến biển, ghi nhật ký khai thác nhằm thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác theo yêu cầu của EC.

Những nỗ lực này góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của tỉnh", ông Lê Ngọc Linh chia sẻ thêm.

Hiền Phương-Ngọc Lan

 

,