.

Hương tràm níu chân người trẻ

.
09:18, Thứ Tư, 12/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tốt nghiệp Đại học kinh tế Đà Nẵng và có việc làm ổn định, nhưng Trần Thị Hồng Vân ở TDP 6, phường Hải Thành, TP.Đồng Hới vẫn quyết định từ bỏ công việc để theo đuổi nghề sản xuất tinh dầu với quyết tâm duy trì và phát triển nghề truyền thống của gia đình.

Sinh năm 1991 trong một gia đình đã 3 đời làm nghề nấu dầu tràm, dầu sả, nên ngay từ nhỏ, Hồng Vân đã theo bố mẹ vào rừng hái lá và phụ giúpcác công việc lặt vặt khác. Lớn lên cùng mùi thơm của các loại tinh dầu, nên với Hồng Vân, hương sả, hương tràm như đã thấm sâu vào tâm hồn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, may mắn có việc làm với mức lương ổn định ở một công ty, Vân vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để phụ giúp gia đình chưng cất tinh dầu.

Nhận thấy nghề chưng cất tinh dầu thủ công đang có nguy cơ mai một khi nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn đã bỏ nghề, bố mẹ tuổi ngày càng cao, sức khỏe kém dần, khó đảm đương được nghề sản xuất tinh dầu, Hồng Vân xin nghỉ việc tại Công ty để tập trung phát triển nghề truyền thống của gia đình.

Mặc dù bố mẹ phản đối quyết liệt, nhưng Vân vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình. Hàng ngày, cô miệt mài chạy xe sáu, bảy cây số từ nhà lên trang trại để làm cùng  bố mẹ.

Sản phẩm tinh dầu tràm Vân Lan.
Sản phẩm tinh dầu tràm Vân Lan.

Vẫn sản xuất theo kiểu chưng cất truyền thống, nhưng Hồng Vân xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô và chủ động nguồn nguyên liệu, đăng ký giấy phép kinh doanh, tiến tới xây dựng thương hiệu riêng.

Vân đã cùng gia đình quy hoạch lại trang trại, tập trung toàn bộ diện tích hơn 1ha để trồng giống sả Java, loại sả có mùi thơm cay, được sử dụng trong sản xuất xà phòng, chất chống côn trùng và các chất khử trùng trong gia đình. Chất lượng tinh dầu được quyết định bởi chất lượng nguyên liệu nên Vân dành nhiều công sức chăm sóc để vườn sả luôn phát triển tốt, bảo đảm hai tháng thu hoạch một lần.

Đối với việc chưng cất dầu tràm, nguyên liệu là loại tràm gió, nên cứ vài tháng, gia đình Vân lại huy động nhân công tập trung vào rừng thu gom. Quá trình sản xuất dầu cũng lắm công phu, 1 tạ lá nguyên liệu sau khi được phơi cho hơi héo, sẽ được nén chặt vào nồi, cộng với một tỷ lệ nước thích hợp sẽ được nấu trong vòng từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ, sau đó mới cho ra khoảng 300-400ml dầu.

Vân chia sẻ: “Giai đoạn này em đang tập trung xây dựng thương hiệu, cố gắng cung cấp cho người tiêu dùng những chai dầu tốt nhất. Hiện tại, em cũng đang tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ sản xuất tinh dầu bằng máy hiện đại để dần thay thế phương pháp chưng cất thủ công này.

Khi đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu của mình, em sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng cáo. Em mong muốn thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh dầu sẽ không chỉ bó hẹp trong phạm vi thành phố Đồng Hới mà còn mở rộng ra toàn tỉnh và cả ngoại tỉnh…”

Vừa là chủ nhưng cũng là người lao động trực tiếp, Vân không nề hà bất cứ công việc gì. Từ khi trực tiếp quản lý cơ sở, Vân đã đầu tư xây thêm lò nấu, mỗi năm sản xuất được trên 400 lít dầu các loại, thu nhập trên dưới 300 triệu đồng.

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu tinh dầu Vân Lan, Vân đã đăng ký kinh doanh và hàng năm đều đem các mẫu tinh dầu vào Đà Nẵng để kiểm định chất lượng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh dầu Vân Lan ngày càng được mở rộng, nhiều nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh đã tin tưởng sử dụng thường xuyên.

Tinh dầu tràm, dầu sả Vân Lan còn được BQL các bãi tắm biển thành phố Đồng Hới chọn là một trong những đặc sản của địa phương, bày bán tại quầy hàng lưu niệm để giới thiệu với đông đảo du khách gần xa.

Chị Nguyễn Thị Huyền, Chủ cơ sở Emmacare phường Nam Lý, TP.Đồng Hới cho biết: “Tôi làm dịch vụ chăm sóc mẹ sau sinh và em nhỏ, hai đối tượng này rất đặc biệt nên mọi mỹ phẩm, thảo dược được chúng tôi lựa chọn rất cẩn thận.

Tôi đã thử dùng qua dầu tràm, dầu sả của nhiều cơ sở và quyết định lựa chọn các loại tinh dầu của Vân Lan, bởi chất lượng dầu ở đây rất tốt, dùng an toàn cho em bé và phụ nữ sau sinh. Tôi cũng đã giới thiệu cho nhiều khách hàng tin dùng”.

Thành công không đến dễ dàng với bất kỳ ai và với Trần Thị Hồng Vân cũng vậy. Trên bước đường lập thân lập nghiệp, Vân luôn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sức trẻ, lòng quyết tâm và niềm đam mê của mình, tin rằng, cô gái nhỏ bé này sẽ thành công trong tương lai không xa. Và nghề chưng cất tinh dầu truyền thống trên đất Đồng Hới sẽ tiếp tục được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ly Na
 

,