.

Bố Trạch: Phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

.
08:43, Thứ Bảy, 01/09/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Với những định hướng và giải pháp sát đúng với tình hình thực tế ở địa phương, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã đưa ngành chăn nuôi chuyển dịch theo hướng ổn định, nâng cao chất lượng, giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong ngành nông nghiệp.

Năm 2016-2017 là thời điểm giá các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng lâm vào cảnh khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, tái đàn để sản xuất.

Tỷ lệ bò lai của huyện Bố Trạch đạt 51% so với tổng đàn, tăng 16% so với năm 2016.
Tỷ lệ bò lai của huyện Bố Trạch đạt 51% so với tổng đàn, tăng 16% so với năm 2016.

Giá thịt lợn hơi giảm xuống còn 30.000 đồng/kg và đến giữa năm 2017 giảm mạnh xuống còn 24.000 đồng/kg, kéo theo đó là giá thịt gia cầm, giá thịt bò hơi cũng giảm. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt là chăn nuôi lợn, có hiện tượng bỏ chuồng đồng loạt, các hộ trang trại và gia trại giảm tổng đàn; có gia trại còn thanh lý cả đàn lợn nái sinh sản...

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, trước tình hình đó, huyện Bố Trạch đã kịp thời đề ra những giải pháp đồng bộ cùng với các chính sách hỗ trợ cụ thể, thực tế, tạo động lực thúc đẩy nông dân tiếp tục đầu tư cho ngành chăn nuôi.

Với định hướng phát triển chăn nuôi cả về tổng đàn, chất lượng sản phẩm và bảo đảm tính bền vững, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác cải tạo đàn bò địa phương nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời chú trọng phát triển các con nuôi đặc sản và đa dạng hoá các con nuôi khác.

Từ đó, Bố Trạch tiến tới phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị.Huyện cũng chú trọng thực hiện các giải pháp về kỹ thuật, quản lý về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng con giống; thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nuôi với tổng kinh phí trên 342 triệu đồng đối với 6 trang trại, 19 gia trại và 48 hộ nghèo, 129 hộ cận nghèo.

Cùng với đó, huyện kịp thời hỗ trợ khuyến khích nông dân trồng cỏ trên các vùng đất hoang hoá, chuyển một số diện tích đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi bò với diện tích trên 15 ha. Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức các lớp tập huấn về chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn trong chăn nuôi.

Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, tiêm phòng dịch bệnh được các đơn vị chuyên môn tăng cường nên hạn chế thiệt hại đàn gia súc, gia cầm do các dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn. Công tác khuyến nông cũng được các ban, ngành chức năng của huyện quan tâm; trung bình mỗi năm tổ chức 10 lớp tập huấn về chăn nuôi cho nông dân, như: kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, gà bằng đệm lót sinh học, bò sinh sản, gà ri lai, ngan lai vịt....

Đặc biệt, huyện đã thành lập HTX chăn nuôi lợn sạch Hiền Nguyên ở xã Thanh Trạch. Để HTX chăn nuôi lợn sạch này phát triển bền vững, huyện định hướng và hỗ trợ cho HTX hoạt động theo mô hình chuỗi giá trị từ khâu chăn nuôi đến khâu tiêu thụ sản phẩm... Nhờ vậy, đến nay, dù số lượng đàn trên địa bàn tăng chậm nhưng chất lượng đàn tăng lên, đặc biệt ý thức của người chăn nuôi được thay đổi và nâng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết thêm, sau 2 năm thực hiện đồng bộ các giải pháp và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, đến nay, ngành chăn nuôi Bố Trạch từng bước vượt qua khó khăn và đã có những tín hiệu khả quan.

Toàn huyện hiện có đàn trâu 8.690 con, bò 29.700 con, đàn lợn 100.683 con, đàn gia cầm với 853.100 con; số lượng ổn định và có tăng nhẹ. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 11.217 tấn, tăng trên 2.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Về chất lượng con nuôi, nhờ mô hình trồng cỏ làm thức ăn cho bò, nên chương trình cải tạo đàn bò đã có những chuyển biến tích cực, số lượng bò cái phối giống có chửa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo hàng năm đều vượt kế hoạch đề ra.

Hiện nay, tỷ lệ bò lai đạt 51% so với tổng đàn, tăng 16% so với năm 2016. Chương trình thụ tinh nhân tạo bò đã được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa từ đầu năm 2018, không còn sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

Hiện đã có 6 điểm thụ tinh nhân tạo đặt ở các xã: Đại Trạch, Hoà Trạch, Sơn Lộc, Mỹ Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung và Trạm Khuyến nông huyện. Huyện cũng đã hình thành các trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại thuần trong nhân dân ở xã Vạn Trạch, Sơn Lộc, Thanh Trạch nhằm thực hiện mục tiêu xã hội hoá sản xuất, nhân giống lợn ngoại nuôi thịt thương phẩm có quy mô hàng hoá tập trung.

Đến nay, toàn huyện có đàn lợn nái lai chiếm khoảng 80% tổng đàn lợn nái, 9 trang trại chăn nuôi lợn nái 100% máu ngoại, 1.000 lợn nái ngoại (đạt tỷ lệ 10% so với tổng đàn lợn nái)...

Đối với gia cầm, trước đây, người dân nuôi gà quy mô lớn thường sử dụng giống tam hoàng, lương phượng với chất lượng thịt thấp. Hiện nay, bà con sử dụng các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao hơn, như: giống gà mía, ri lai, ri vàng rơm,... nuôi với quy mô từ 200 con trở lên.

Các giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, như: gà kiến, ri..., vẫn được người nuôi duy trì và phát triển, đem lại thu nhập cao. Với đàn thủy cầm, đa số nông dân trong huyện sử dụng giống vịt cánh trắng, vịt super M, vịt cỏ...

Hiện toàn huyện có 80 trang trại chăn nuôi theo tiêu chí mới, tăng 48 trang trại so với năm 2015. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được một số vùng trang trại chăn nuôi tập trung ở các xã và liên kết với nhau để sản suất, kinh doanh dịch vụ thực phẩm sạch. Đây là bước khởi đầu cho hoạt động sản xuất trang trại đạt hiệu quả, có tính bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 7 doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị liên kết với Công ty cổ phần Việt Nam đang hoạt động ổn định và có hiệu quả, quy mô chăn nuôi từ 1.000 - 2.000 con lợn thịt/lứa…

Mô hình nuôi gà đông tảo có giá trị kinh tế cao đang được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn huyện Bố Trạch .
Mô hình nuôi gà đông tảo có giá trị kinh tế cao đang được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn huyện Bố Trạch .

Điểm mới trong hướng phát triển chăn nuôi của Bố Trạch là khuyến khích bà con phát triển các đối tượng nuôi mới ngoài các con nuôi truyền thống. Do vậy, hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình chăn nuôi mới, như: mô hình chăn nuôi thỏ ở xã Đại Trạch, Đồng Trạch; mô hình chăn nuôi chim cút sinh sản ở xã Nhân Trạch; mô hình chăn nuôi dê ở xã Xuân Trạch, Sơn Trạch, Thượng Trạch; mô hình chăn nuôi chim trĩ ở xã Lý Trạch; mô hình nuôi hươu lấy nhung ở Tây Trạch, Lý Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung... Đây là cơ sở để Bố Trạch thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu con nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, có giá trị kinh tế cao.

"Để chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, đến năm 2020, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 50% trong cơ cấu giá trị sản phẩm nông nghiệp, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 23.000 tấn, tăng bình quân 5%/năm, huyện Bố Trạch tiếp tục có những giải pháp đồng bộ về kỹ thuật và các cơ chế chính sách hỗ trợ cho nông dân.

Đặc biệt, huyện có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị; ưu tiên hỗ trợ các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các tổ chức, doanh nghiệp", Phó Chủ tịch huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh thêm.

Hương Trà

 

,