.

Bảo đảm an toàn neo đậu cho tàu cá trong mùa mưa bão

.
09:07, Thứ Tư, 29/08/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Tỉnh ta hiện có 3 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với sức chứa thiết kế trên 1.000 tàu thuyền công suất dưới 300CV, gồm: các khu neo đậu tránh trú bão Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) với khu neo đậu Cửa Phú với sức chứa 270 tàu, khu neo đậu chợ Gộ có sức chứa 150 tàu; khu neo đậu cửa Gianh (Bố Trạch) có sức chứa 435 tàu và khu neo đậu Roòn (Quảng Trạch) có sức chứa 285 tàu.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho ngư dân về các quy định neo đậu tàu thuyền trong khu tránh trú bão, BQL các khu neo đậu còn tích cực, chủ động xây dựng phương án neo đậu an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra cho ngư dân.

Hiệu quả của khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

Chỉ vừa mới đưa vào hoạt động từ tháng 9-2016, khu neo đậu Cửa Phú thuộc công trình Khu neo đậu tránh trú bão Nhật Lệ (Bảo Ninh) đã sớm phát huy hiệu quả và phần nào đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về địa điểm neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân tỉnh ta.

Theo ông Đặng Thuyên, Giám đốc Cảng cá Nhật Lệ, công trình khu neo đậu tàu cá Cửa Phú có quy mô đáp ứng cho 270 tàu cá có công suất từ 90-300CV vào neo đậu tránh trú bão an toàn khi có mưa bão xảy ra. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 6-2015, kế hoạch bàn giao đưa vào sử dụng trong quý 1-2017.

Tuy nhiên, do nhu cầu cấp thiết về việc phải có khu neo đậu an toàn cho tàu cá trong mùa mưa bão nên chỉ sau hơn một năm triển khai thi công, công trình đã cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện cho tàu thuyền vào neo đậu ngay trong mùa mưa bão. Năm 2016 có hơn 100 lượt tàu cá và năm 2017, có gần 250 lượt tàu cá vào neo đậu tránh trú bão an toàn tại khu neo đậu này.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 5.242 tàu cá, trong đó, tàu cá từ 90-300CV gần 1.040 chiếc; tàu cá từ 300CV trở lên 430 chiếc, trong đó có 30 tàu vỏ thép. Khi có bão, các tàu thuyền được bố trí neo đậu tại các khu tránh trú Cảng Hòn La, cửa Roòn, cửa Gianh và cửa Nhật Lệ (gồm hai khu neo đậu Cửa Phú và chợ Gộ).

Tổ chức luyện tập, bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão tại khu neo đậu Cửa Phú.
Tổ chức luyện tập, bố trí tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão tại khu neo đậu Cửa Phú.

Để triển khai hiệu quả công tác tổ chức neo đậu cho tàu thuyền vào tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, BQL các khu neo đậu đã chủ động xây dựng phương án neo đậu cho tàu thuyền ngay từ đầu mùa mưa bão.

Là khu neo đậu tránh trú bão có sức chứa lớn, hàng năm, vào mỗi đợt mưa bão, khu neo đậu tránh trú bão cửa Gianh tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch) lại đón hàng trăm tàu cá, lúc cao điểm có khi lên đến cả ngàn tàu cá công suất lớn, gấp 2-3 lần công suất thiết kế.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc BQL Cảng cá sông Gianh cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế hàng năm, BQL khu neo đậu sẽ xây dựng phương án neo đậu tránh trú bão nên luôn bảo đảm an toàn cho tàu cá khi vào neo đậu ở đây. Theo đó, các tàu cá khi vào neo đậu sẽ được hướng dẫn cụ thể cách neo đậu tại các phân khu, cách chằng chống, bố trí đệm va đúng quy định.

Hiện tại, cán bộ nhân viên khu neo đậu đã tổ chức khảo sát luồng lạch, lên kế hoạch sắp xếp, bố trí tàu thuyền trong khu neo đậu; có kế hoạch hướng dẫn tàu cá di chuyển đến trú ẩn tại các khu neo đậu truyền thống kín gió nếu khu neo đậu đã kín chỗ.

Khi bão hoặc áp thấp đổ bộ trực tiếp, BQL khu neo đậu bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tổ chức kiểm tra cách thức neo đậu tàu cá, hướng dẫn tàu cá chằng chống chặt chẽ, bố trí đệm va đúng quy định trước khi bão đổ bộ vào đất liền, không để xảy ra tình trạng tàu bị va đập khi có sóng to, gió lớn…

Nỗ lực tháo gỡ  khó khăn

Những năm gần đây, nghề khai thác, đánh bắt trên biển của tỉnh ta phát triển nhanh, số lượng tàu cá tăng nhiều cả về số lượng lẫn công suất, trong đó, số lượng tàu trên 300CV là 430 chiếc. Đây cũng là khó khăn lớn trong việc bảo đảm an toàn cho tàu cá tránh trú bão, bởi hiện tại, các khu neo đậu tránh trú bão của tỉnh chỉ thiết kế cho tàu có công suất dưới 300CV vào tránh trú.

Trong 3 khu neo đậu tránh trú bão của tỉnh, hiện tại, chỉ có khu neo đậu Cửa Gianh có diện tích lớn nhất với sức chứa 435 tàu cá có công suất dưới 300CV, tuy nhiên, trên thực tế, mỗi khi có bão, số lượng tàu cá vào tránh trú tại khu neo đậu tăng gấp 2-3 lần. Các khu neo đậu còn lại cũng trong tình trạng quá tải lượng tàu cá neo đậu mỗi khi mưa bão.

Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc BQL Cảng cá sông Gianh chia sẻ, tuy thiết kế khu neo đậu cửa Gianh chỉ có sức chứa cho 435 tàu cá dưới 300CV, nhưng thực tế thì quá tải rất nhiều, bởi các hạng mục của khu neo đậu đã lỗi thời, không theo kịp sự phát triển của đội tàu cá. Như hồi bão số 10, số 11 năm 2013, số lượng tàu vào tránh trú trên 800 chiếc, trong đó có nhiều tàu công suất lớn 700-800CV.

Đợt bão số 10 năm 2017, do không có chỗ, nhiều tàu cá của ngư dân phải neo đậu ở bên ngoài lạch nên bị sóng đánh hư hỏng nặng. Một khó khăn nữa là tình hình âu thuyền, cửa lạch lâu ngày bị bồi lấp dẫn đến tàu cá ra vào hoặc quay đầu khá khó khăn.

Do đó, cuối năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện công trình nạo vét âu thuyền khu C và một phần khu B có tổng diện tích nạo vét gần 11.840m2 với tổng mức đầu tư gần 2,3 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu và bảo đảm an toàn neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Một bất cập nữa là trong khi tỉnh ta đang tập trung phát triển đội tàu xa bờ công suất lớn thì lại chưa có khu neo đậu tránh trú bão cho đối tượng tàu cá này. Ông Nguyễn Văn Dương, một chủ tàu cá ở thôn Sa Động, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) có “thâm niên” đi biển 25 năm nay, cho biết: "Trước đây, tàu cá của ngư dân chủ yếu công suất nhỏ, từ 300CV trở xuống nên thuận lợi vào neo đậu.

Bây giờ, tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ hầu hết đều là công suất lớn trên 800CV, cá biệt có những tàu cá trên 1.000CV; còn các tàu cũ cũng được chủ tàu cải hoán nâng công suất máy lên 500-600CV.

Do đó, mỗi khi mưa bão, các tàu này rất khó tìm được nơi neo đậu. Nhà thì ở Quảng Bình, mà do tàu lớn trên 800CV nên mỗi lần vào bờ, tôi lại phải chạy vào tận khu neo đậu Cửa Việt (Quảng Trị) hoặc Cảng Đà Nẵng để tránh trú bão hoặc bốc dỡ thủy sản, nên rất bất cập".

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ, các khu neo đậu tại tỉnh ta chủ yếu được thiết kế cho tàu cá công suất dưới 300CV vào neo đậu tránh trú bão, trong đó, quy định cả về công suất và chiều dài thân tàu.

Tuy nhiên, trên thực tế, các chủ tàu cá đã thực hiện cải hoán lắp máy có công suất lớn khoảng 400-500CV để chống chọi với cấp gió cao hơn trong quá trình khai thác, đánh bắt, còn cơ bản vẫn giữ nguyên kích thước, chiều dài thân tàu so với trước đây.

Do đó, dù có công suất lớn trên 300CV, nhưng những đối tượng tàu cá này có thể linh hoạt được bố trí vào tránh trú tại khu neo đậu khi có bão xảy ra theo nhu cầu của bà con. Bên cạnh đó, để từng bước đáp ứng nhu cầu tránh trú bão cho tàu cá, hiện tại, tỉnh ta đang triển khai kế hoạch xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Bắc sông Gianh.

Đây là khu neo đậu tàu cá cấp vùng có tổng tổng diện tích đầu tư 45ha, sức chứa phục vụ cho khoảng 1.000 tàu cá có công suất tối đa 600CV vào neo đậu, tránh trú an toàn trong mùa mưa bão.

Ngọc Lan

 

,