.

Quảng Ninh: Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

.
20:49, Thứ Tư, 04/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, huyện Quảng Ninh đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Năm 2017, giá trị thu nhập từ chăn nuôi trên địa bàn huyện đạt trên 100 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2018, giá lợn tăng, giá gia cầm ổn định, người chăn nuôi phấn khởi bởi có thể thu hồi vốn và có lãi nhanh, do đó, nhiều trang trại chăn nuôi tiếp tục phát triển tổng đàn.

thoiTrang trại của anh Đỗ Văn Tùng ở xã Hải Ninh tiếp tục phát triển ổn định thu lãi 500-600 triệu đồng/năm
Trang trại của anh Đỗ Văn Tùng ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) phát triển ổn định thu lãi 500-600 triệu đồng/năm.

Toàn huyện hiện có 24 trang trại, trong đó có 19 trang trại chăn nuôi, 5 trang trại tổng hợp và trên 300 gia trại hoạt động hiệu quả. Hầu hết các trang trại, gia trại trên địa bàn đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao; bình quân thu nhập của các trang trại đạt 250 triệu đồng/năm.

Tiêu biểu có các trang trại của anh Ngô Hải Trường ở xã Vạn Ninh nuôi gần 100 con lợn nái và trên 200 lợn thịt, lợn rừng và một đàn bò, doanh thu khoảng 1,3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn thu lãi 300 triệu đồng/năm; trang trại của anh Lê Ngọc Lễ ở xã Hải Ninh kết hợp trồng cỏ, nuôi bò, nuôi giun quế, gia cầm, nuôi cá nước ngọt và trồng cây hoa màu, cây ăn quả..., thu lãi 500-600 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất của gia đình anh Đỗ Văn Tùng ở xã Hải Ninh chăn nuôi lợn, gà, cá nước ngọt, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 700 con lợn giống, 120 tấn thịt lợn hơi và 15 tấn thịt gà hơi, thu lãi 500-600 triệu đồng/năm…

Với mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương, huyện Quảng Ninh chú trọng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, tập trung phát triển số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm một cách bền vững.

Cùng với đó, khuyến khích bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, như nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học...; chuyển đổi phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, tách khỏi khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường; đồng thời, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, góp phần tạo việc làm cho người dân, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Hiền Phương

 

                                                                                    

 

,