.

Phong Nha-Kẻ Bàng-15 năm vươn tầm quốc tế : Dấu ấn một chặng đường

.
08:19, Thứ Hai, 02/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Với hành trình 15 năm trở thành Di sản thiên nhiên thế giới (5-7-2003-5-7-2018), Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) đã có một chặng đường phát triển mang tính tiền đề với nhiều dấu ấn trong bảo tồn, phát triển.

VQG PN-KB tiền thân là khu rừng đặc dụng Phong Nha được thành lập theo Quyết định số 194/CT ngày 9-8-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) với tổng diện tích là 5.000 ha. Đây là khu rừng đặc dụng đầu tiên của Quảng Bình nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên núi đá vôi gắn liền với các di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Các sự kiện lễ hội văn hoá-du lịch của VQG Phong Nha-Kẻ Bàng luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo.
Các sự kiện lễ hội văn hoá-du lịch của VQG Phong Nha-Kẻ Bàng luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo.

Năm 1993, khu rừng đặc dụng Phong Nha được chuyển thành Khu bảo tồn thiên  nhiên Phong Nha theo Quyết định 946/QĐ-UB ngày 3-12-1993 của UBND tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích 41.132 ha. Ngày 12-12-2001, Chính phủ đã có quyết định chính thức nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha thành VQG PN-KB, với tổng diện tích quản lý là 85.754 ha.

Theo đó, ngày 20-3-2002, UBND tỉnh Quảng Bình ra Quyết định số 24/2002/QĐ-UB về việc thành lập Ban quản lý (BQL) VQG PN-KB. Ngày 5-7-2003, tại hội nghị thường niên lần thứ 27 của Uỷ ban Di sản Thế giới tại trụ sở UNESCO (Paris), VQG PN-KB chính thức được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí: đại diện quá trình hình thành trái đất và giá trị địa chất.

Ngày 3-7-2015, tại kỳ họp lần thứ 39 diễn ra tại Bonn (Cộng hòa Liên bang Đức), một lần nữa VQG PN-KB lại được vinh danh vào danh sách Di sản thế giới theo 2 tiêu chí mới: là ví dụ nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn; sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Từ đó đến nay, BQL VQG PN-KB luôn chú trọng tổ chức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, các hệ sinh thái động, thực vật trong phạm vi ranh giới của Vườn; nghiên cứu, bảo tồn các giá trị khoa học đối với các hệ động, thực vật điển hình của khu vực miền Trung, đặc biệt là các loài nguy cấp được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN.

Với phương châm bảo vệ rừng “tận gốc”, trong những năm qua, BQLVườn đã tăng cường công tác thực thi pháp luật; tổ chức truy quét dài ngày, đi sâu vào các khu vực trọng điểm, thường xuyên đổi mới phương pháp, cách thức tuần tra nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm bí mật, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.

Với tinh thần vừa phát huy nội lực, vừa tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác với bên ngoài, 15 năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tại VQG PN-KB đã ghi nhận được khá nhiều thành tựu quan trọng. BQL Vườn chủ động đề xuất các chủ đề nghiên cứu theo các lĩnh vực, như: đa dạng động vật, thực vật, con người và sinh kế, hệ thống hang động, các tác động lên tài nguyên.

BQL Vườn đã chủ trì và tham gia thực hiện 1 đề tài khoa học cấp bộ, 8 đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, 3 nghiên cứu cấp cơ sở; đạt 2 giải sáng tạo kỹ thuật; xuất bản 2 ấn phẩm sách; gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Trong đó, có nhiều ứng dụng, như: đề xuất giải pháp quan trắc và xử lý các tác động lên hang động du lịch, giám sát diễn biến rừng qua hệ thống GIS (Hệ thống thông tin và địa lý) và RS (Viễn thám), quản lý nền tảng dữ liệu trên các phần mềm chuyên dụng, ứng dụng giải pháp phòng ngừa diệt trừ các loài xâm hại.

Trong chương trình hợp tác nghiên cứu về đa dạng các loài lan tại PN-KB của các nhà khoa học thuộc Viện thực vật Cômarôp-Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga, Viện sinh thái tài nguyên sinh vật, Trường đại học Khoa học tự nhiên-Đại học quốc gia Hà Nội đã phát hiện quần thể Bách xanh đá, có tên khoa học là Calocedrus rupestris, mọc ưu thế trên núi đá vôi ở độ cao hơn 700m, được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn.

Tại đây cũng phát hiện thấy loài Chuột Trường Sơn, tên khoa học là Laonastes aenigmaocs, một đại diện sống duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae được xem đã tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm, là loài mới bổ sung vào danh lục thú Việt Nam.

Bên cạnh đó, sau 15 năm hợp tác nghiên cứu đã phát hiện thêm 42 loài mới cho khoa học được lần lượt ghi nhận và công bố trên thế giới, trong đó có 38 loài động vật và 4 loài thực vật. Hiện nay, VQG PN-KB có tổng 2.951 loài thực vật, trong đó có 112 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 39 loài có tên trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP, 1 loài có tên trong các phụ lục CITES; 1.394 loài động vật, trong đó có 83 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 110 loài được ghi trong Sách Đỏ IUCN, 68 loài có tên trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP, 55 loài có tên trong các phụ lục CITES. Bên cạnh đó, BQL Vườn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình nhân giống các loài cây bản địa quý, hiếm có giá trị bảo tồn và kinh tế cao.

Công tác chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã được thực hiện tốt, tỷ lệ cứu hộ thành công đạt trên 92% (từ năm 2003 đến nay đã cứu hộ trên 1.197 cá thể động vật hoang dã, chuyển và thả về môi trường tự nhiên 802 cá thể).

Những phát hiện trên đây đã góp phần quan trọng vào việc tôn vinh những giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB, đặc biệt là các giá trị về đa dạng sinh học, một tiêu chí quan trọng để UNESCO công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai vào năm 2015.

Không hổ danh là vương quốc hang động, đến nay, Vườn đã khảo sát, đo vẽ 327 hang động. Là “trái tim” của du lịch Quảng Bình, 15 năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo BQL Vườn thực hiện nhiều biện pháp đưa du lịch PN-KB có những bước phát triển đáng kể, trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá.

Các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa, hiện nay, VQG PN-KB đã có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với các sản phẩm du lịch, như: khám phá hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh; các sản phẩm du lịch cao cấp, khu vui chơi giải trí,Trecking, Zipline...

Đặc biệt, tuyến du lịch khám phá “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” được đánh giá là một trong những tour du lịch đẳng cấp quốc tế, được nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín trên thế giới đặc biệt quan tâm quảng bá (New York Times, Google Adwords, Tripadvisors, National Georaphic...).

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên không ngừng được nâng cao về chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch cũng từng bước được đầu tư mới hoặc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, dịch vụ ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh; hàng năm tổ chức các sự kiện lễ hội văn hóa-du lịch, lễ hội hang động tạo được ấn tượng tốt cho du khách...

Các dịch vụ, du lịch phát triển đã thu hút lượng khách đến với Di sản ngày càng tăng. Nhờ vậy, 15 năm qua, PN-KB đã thu hút hơn 6.636.954 lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 578.911 lượt); doanh thu từ phí và lệ phí của các đơn vị khai thác du lịch đạt trên 730 tỷ đồng.

Du lịch ở PN-KB không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn Di sản, giảm áp lực lên tài nguyên, tạo ra xu hướng chuyển lao động trước đây khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch.

Đu dây Zipline tại sông Chày-hang Tối là sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách.
Đu dây Zipline tại sông Chày-hang Tối là sản phẩm du lịch thu hút nhiều du khách.

Hơn 3.000 người dân vùng đệm tham gia vào hoạt động dịch vụ, như: ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản xuất hàng lưu niệm; tham gia các tổ bảo vệ rừng, nhóm bảo tồn thôn bản, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội thuyền phục vụ khách du lịch (hiện có 401 thuyền), nhân viên chụp ảnh (hiện có 275 người).

Với những nổ lực và cố gắng trong thời gian qua, BQL VQG PN-KB đã gặt hái được nhiều thành tích quan trọng, như: được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2008) và công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2009); Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2011); 2 lần được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo vệ môi trường (năm 2005 và 2010); Uỷ ban UNESCO tặng giấy khen cho nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích nổi bật (năm 2009) và tặng kỷ niệm chương (năm 2018).

Bên cạnh đó, VQG nhiều năm được UBND tỉnh tặng Bằng khen (2003, 2005, 2008, 2015, 2017) và Cờ thi đua (năm 2016); Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Cờ thi đua (năm 2017).

Phát huy kết quả đạt được trong 15 năm qua, trong thời gian tới, BQL VQG PN-KB phấn đấu tiếp tục làm tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn nguyên vẹn các giá trị ngoại hạng nổi bật toàn cầu về địa mạo địa chất, đa dạng sinh học, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từng bước phát huy có hiệu quả các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Lê Thanh Tịnh

Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

 

 

,