.

Lệ Thủy: Liên kết phát triển kinh tế trang trại bền vững

.
08:17, Thứ Tư, 11/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Mô hình kinh tế trang trại hiện đang được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Với hàng trăm mô hình đang hoạt động hiệu quả, huyện Lệ Thủy đang tập trung phát triển kinh tế trang trại bền vững theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê, huyện Lệ Thủy hiện có hàng trăm mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động, trong đó có 138 trang trại đã được thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, tăng 9 trang trại so với cuối năm 2017.

Các trang trại đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng về đất đai, nguồn lao động tại chỗ; đồng thời tạo ra sự liên kết trong sản xuất cũng như gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện.

Đặc biệt, nhiều trang trại đã tự hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, từ đó mạnh dạn xây dựng chuồng trại đồng bộ, khép kín và áp dụng quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến theo hướng hàng hóa lớn và tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Nhờ liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, trang trại chăn nuôi Vũ Trung ở xã Mai Thủy (Lệ Thủy) tiếp tục phát triển đàn lợn.
Nhờ liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, trang trại chăn nuôi Vũ Trung ở xã Mai Thủy (Lệ Thủy) tiếp tục phát triển đàn lợn.

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Vũ Trung của hai anh Nguyễn XuânVũ và Nguyễn Văn Trung ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy vừa xuất bán lứa lợn nuôi đầu năm 2018 với giá 50.000 đồng/kg cho một công ty chuyên về thực phẩm.

Chính nhờ sự linh hoạt trong đầu tư chăn nuôi cùng sự liên kết với doanh nghiệp thu mua, nên trang trại Vũ Trung đã vượt qua đợt khủng hoảng rớt giá lợn năm 2017 để tiếp tục ổn định sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Trung cho biết, trang trại bắt đầu chăn nuôi lợn từ năm 2016, với quy mô khoảng 1.200 con/lứa. Từ năm 2016 đến nay, trang trại nuôi được 5 lứa lợn, tuy nhiên, chỉ có 2 lứa nuôi năm 2016 bán được giá với khoảng 37.000 đồng/kg, còn 2 lứa lợn nuôi năm 2017 thị trường rớt giá thê thảm, có lúc về 20.000 đồng/kg, nếu bán với giá đó cầm chắc lỗ từ 300.000-400.000 đồng/con.

May mắn, trang trại liên kết với Công ty thực phẩm Hai Thuyên ở Đà Nẵng nên được Công ty thu mua toàn bộ số lượng với giá 32.000 đồng/kg nên vẫn có lãi. Hiện giá lợn tại địa phương đã lên mức cao nên với lứa lợn gần 500 con xuất bán lần này, trừ chi phí, trang trại thu lãi từ 600.000-700.000 đồng cho mỗi con lợn, tổng lãi khoảng 330 triệu đồng. Hiện tại ,trang trại đang có lứa lợn gối đàn khoảng 600 con đạt trọng lượng 40-50kg/con, dự kiến cuối tháng 8 sẽ xuất chuồng.

Còn trang trại của anh Lê Thanh Trọng ở thôn Đặng Lộc 1, xã Cam Thủy lại chú trọng phát triển trang trại tổng hợp đa con phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện trang trại của anh Trọng có quy mô chuồng trại gần 4.000 m2, với tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ đồng; chăn nuôi trên 200 con lợn/lứa; 5.000 con ngan thịt và hơn 3.000 con gà/lứa; mỗi năm xuất bán khoảng 3 tấn cá.

Theo anh Trọng, muốn thành công phải chịu khó học hỏi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, biết kết hợp đa dạng loại hình trong sản xuất và đặc biệt phải nhạy bén với nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Nhờ đó, thời điểm nào trong năm, trang trại của anh cũng có nguồn thu, doanh thu bình quân 3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 600- 650 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, trang trại của gia đình anh Trọng cũng góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương với mức lương bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, những năm gần đây, anh Trọng cũng rất chú ý đến việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đầu mối uy tín trên địa bàn nên sản phẩm thu hoạch của trang trại luôn bán nhanh chóng, được giá.

Để khuyến khích các trang trại phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, thời gian qua, huyện Lệ Thủy cũng đã tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các chủ trang trại, như: tập trung rà soát, xác định vùng phát triển cho từng loại hình kinh tế trang trại bảo đảm theo quy hoạch; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển kinh tế trang trại; tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại...

Nhờ đó, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, đồng thời xây dựng các mô hình kinh tế trang trại theo hướng đa canh, đa con và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, huyện cũng đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm an toàn, sạch; phát triển các loại hình liên kết trong tổ chức sản xuất, giữa doanh nghiệp với tổ chức của người chăn nuôi; tăng cường đào tạo, tập huấn đội ngũ quản lý, xã viên các hợp tác xã, hộ cá thể để trở thành người chăn nuôi chuyên nghiệp.

Đối với các mô hình liên kết chuỗi trong chăn nuôi trang trại, huyện Lệ Thủy đã thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù, như: miễn, giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước; đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm; đầu tư cơ sở giết mổ và chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Ngọc Lan

 

,