.

Tập trung phát triển kinh tế các xã miền núi, biên giới

.
08:37, Thứ Ba, 19/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền huyện Bố Trạch đã chú trọng thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở hai xã miền núi, biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch…

Tân Trạch và Thượng Trạch là hai xã đặc biệt khó khăn nằm về phía tây của huyện Bố Trạch, trong đó xã Thượng Trạch là xã biên giới. Với diện tích tự nhiên hơn 110.000 ha (chiếm hơn 51% diện tích toàn huyện), có hơn 54,4 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch có 20 bản (Tân Trạch 2 bản, Thượng Trạch 18 bản), 663 hộ, dân số 2.999 người, (Thượng Trạch 566 hộ, 2.534 người; Tân Trạch 97 hộ, 465 người); đồng bào chủ yếu là người Ma coong (Bru-Vân kiều).

Huyện Bố Trạch tiếp tục vận động đồng bào Tân Trạch, Thượng Trạch mở rộng diện tích các cây lương thực.
Huyện Bố Trạch tiếp tục vận động đồng bào Tân Trạch, Thượng Trạch mở rộng diện tích các cây lương thực.

Thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của các cấp, các ngành, nên điều kiện kinh tế - xã hội hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch đã có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, trên thực tế, nơi đây vẫn chậm phát triển, tập quán sản xuất lạc hậu, trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn thiếu và yếu chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ hộ nghèo còn quá cao; chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế.

Kết cấu hạ tầng ở cả hai địa bàn còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là giao thông; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác để phục vụ cho phát triển kinh tế; sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên; đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn. Thêm vào đó là người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chú tâm vào phát triển sản xuất; đồng bào chưa quan tâm cho việc học tập nâng cao trình độ văn hoá, nhận thức của con em...

Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của hai xã còn quá cao so với mặt bằng chung toàn huyện với trên 93%, có 577 hộ nghèo (trong đó xã Thượng Trạch 94,46% với 495 hộ, xã Tân Trạch 88,17% với 82 hộ); tỷ lệ hộ thiếu đói còn cao, chiếm trên 54%; hộ đồng bào chưa có nhà ở, hoặc ở nhà tạm bợ còn nhiều với 131 hộ ( xã Tân Trạch 18 hộ, xã Thượng Trạch 113 hộ). Bên cạnh đó, nhiều nhà ở của đồng bào đã xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nặng cần sửa chữa; thu nhập của người dân không ổn định, bấp bênh, nguồn thu chủ yếu từ trồng lúa rẫy, chăn nuôi, tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, khai thác các sản phẩm từ rừng, trợ cấp của Nhà nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Hà Vĩnh Trung cho biết: "Xác định nhiệm vụ sớm đưa hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu là rất cấp bách và khó khăn, huyện Bố Trạch đã kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đồng thời tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Trung ương, tỉnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân".

Sau hai năm (2016, 2017) triển khai thực hiện đầu tư hỗ trợ của các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội Tân Trạch, Thượng Trạch có nhiều thay đổi đáng kể. Đảng bộ, chính quyền hai xã đã tích cực chỉ đạo bà con thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi và bảo vệ rừng; kinh tế - xã hội từng bước chuyển dịch nên đời sống của đồng bào hai xã có chuyển biến rõ nét.

Đến nay, hai xã đã có diện tích đất trồng trọt hơn 1.400 ha (Tân Trạch 186 ha, Thượng Trạch 1.294 ha); trong đó, đất trồng lúa 764,32 ha (chiếm 54%), đất trồng cây hàng năm khác 639,4 ha. Tổng sản lượng lương thực giai đoạn 2016-2018 đạt trên 560 tấn, tăng hơn giai đoạn 2014 - 2015 trên 10 tấn.

Với diện tích đất rừng lớn nhất toàn huyện trên 73.000 ha, có nhiều lợi thế như độ dốc ít, đất đai màu mỡ, năm 2017, huyện Bố Trạch đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai quy hoạch, lập sơ đồ bàn giao đất tại các bản Nịu, Khe Rung, Ban (xã Thượng Trạch) để đồng bào tập trung trồng rừng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Năm 2017, xã Thượng Trạch đã trồng mới được 22,5 ha rừng kinh tế tại bản Nịu từ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.

Cùng với trồng rừng, hàng năm, đồng bào hai xã nhận khoán bảo vệ 5.000 ha từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững (Tân Trạch 500 ha, xã Thượng Trạch 4.500 ha) với kinh phí 1.750 triệu đồng; nhận khoán bảo vệ trên 5.800 ha rừng nằm trong khu vực vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Tân Trạch 61 hộ tham gia bảo vệ 4.000 ha, Thượng Trạch 208 hộ bảo vệ 1.810 ha), tăng trên 600 ha so với năm 2016, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân trên hai địa bàn.

Bên cạnh đó, huyện tập trung chỉ đạo các ban, ngành, chính quyền hai xã phát triển, nhân rộng các mô hình trồng trọt có giá trị kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào về hình thức thâm canh mới.

Các mô hình phát huy tác dụng, như: mô hình trồng nghệ ở bản Cà Ròong 1 và bản 39 với diện tích 0,5 ha, mô hình trồng tiêu ở bản Cà Ròong 1 và bản Nịu diện tích 0,5 ha đang phát triển tốt; mô hình thâm canh lúa XI 23 trên 2 ha với 27 triệu đồng; mô hình ngô nếp tại xã Thượng Trạch và xã Tân Trạch 37 ha với kinh phí trên 150 triệu đồng; mô hình trồng mít Thái Lan với trên 20 triệu đồng từ nguồn vốn nông thôn mới. Đầu năm 2018, UBND huyện hỗ trợ 40 triệu đồng cho xã Thượng Trạch mua máy bơm tưới cho diện tích tiêu trong mùa nắng hạn, hỗ trợ phân bón phục vụ sản xuất trên 10 triệu đồng...

Vấn đề xây dựng nông thôn mới với hai xã mang tính khác biệt so với các địa phương khác, bởi nguồn lực trong cộng đồng và nguồn thu từ ngân sách địa phương hầu như không có mà chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư của Nhà nước nên rất khó khăn.

Tuy vậy, bộ mặt nông thôn ở hai xã cũng đã có nhiều khởi sắc. Đến hết năm 2017, xã Thượng Trạch đạt 5 tiêu chí, gồm: quy hoạch, thuỷ lợi, nhà ở, hệ thống tổ chức chính trị - xã hội, an ninh trật tự xã hội; xã Tân Trạch đạt 7 tiêu chí, gồm: giao thông, quy hoạch, thuỷ lợi, nhà ở, y tế, hệ thống chính trị và an ninh trật tự xã hội.

Hướng phát triển kinh tế chính của hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch là tập trung chăn nuôi, trong đó trâu, bò là con nuôi chủ lực.
Hướng phát triển kinh tế chính của hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch là tập trung chăn nuôi, trong đó trâu, bò là con nuôi chủ lực.

Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ khẳng định: "Để tiếp tục tạo đà, tạo thế phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân Tân Trạch, Thượng Trạch bảo đảm tính bền vững và lâu dài, cùng với việc chỉ đạo các địa phương ổn định diện tích và nâng cao sản lượng cây lương thực, phát triển diện tích trồng cây hàng hoá, như: hồ tiêu, gừng, nghệ…, huyện Bố Trạch tập trung vận động, khuyến khích và hỗ trợ cho đồng bào phát triển chăn nuôi, lấy chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế chính của hai xã. Trong đó, huyện vận động bà con phát triển chăn nuôi trâu, bò là con nuôi chủ lực và phát triển các mô hình nuôi dê, gà… để góp phần nâng cao đời sống".

Bố Trạch cũng tiếp tục thực hiện việc quy hoạch, giao đất rừng để các hộ dân, cộng đồng trồng rừng kinh tế, phát triển diện tích rừng trồng kinh tế tập trung, ưu tiên những bản có diện tích đất trống đồi núi trọc nằm trong vùng quy hoạch để trồng rừng gắn với quản lý và bảo vệ rừng. Huyện có chính sách hỗ trợ cây giống, hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc cho đồng bào, cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chăm sóc, quản lý rừng tự nhiên.

Từ đó, bảo đảm đến năm 2020, hai xã có trên 250 ha rừng trồng kinh tế. Huyện cũng chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng bằng các loại cây bản địa, gắn với phát triển chăn nuôi trên địa bàn nhằm thay đổi nhận thức cho đồng bào trong phát triển kinh tế từ chăn nuôi và trồng rừng.

Phấn đấu cuối năm 2018, 100% hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch có nhà ở kiên cố; hộ nghèo hàng năm giảm từ 2-3%, đến năm 2020 còn dưới 81%; mỗi xã đạt từ 10-11 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Hương Trà

 

,