Tăng cường bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp

Cập nhật lúc 10:52, Thứ Bảy, 16/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) là động lực phát triển kinh tế của mỗi địa phương. Chính vì vậy, bên cạnh việc đầu tư sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tại các KKT, KCN cần quan tâm bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Tỉnh ta có khu kinh tế (KKT) Hòn La, KKT cửa khẩu Cha Lo và hệ thống các Khu công nghiệp (KCN) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng. Do đặc thù các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh ta thu hút đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp có mức độc hại thấp, ít tác động đến môi trường, như: chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, cấu kiện, thiết bị, bê tông thương phẩm, may xuất khẩu…, nên lượng nước thải công nghiệp và chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp không lớn và đã được xử lý nội bộ trong các nhà máy, cơ sở sản xuất trên cơ sở bảo đảm quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Theo thống kê của cơ quan chức năng,về tổng lượng nước thải, KKT Hòn La (gồm các cơ sở nằm ngoài KCN) 643m3/tháng; KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo 1.620m3 /tháng; KCN cảng biển Hòn La 993m3/tháng; KCN Hòn La II 174m3/tháng; KCN Tây Bắc Đồng Hới 2.287,1m3/tháng; KCN Bắc Đồng Hới 344,4m3/tháng; KCN Tây Bắc Quán Hàu 390m3/tháng; KCN Cam Liên 612m3 /tháng.

Về chất thải rắn thông thường, KKT Hòn La 618,1 tấn/năm; KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo 17,8 tấn/năm; KCN cảng biển Hòn La 87,53 tấn/năm; KCN Hòn La II 59,1 tấn/năm; KCN Tây Bắc Đồng Hới 1.935,4 tấn/năm; KCN Bắc Đồng Hới 1.254,4 tấn/ năm; KCN Tây Bắc Quán Hàu 113 tấn/năm; KCN Cam Liên 123 tấn/năm.

Ông Đoàn Phúc Trà, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý KKT cho biết, từ khi bắt đầu đầu tư dự án, tùy thuộc vào quy mô đầu tư, các doanh nghiệp đã chủ động lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đã chấp hành theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như các điều khoản cam kết theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết vệ sinh môi trường; xây dựng các hạng mục, công trình xử lý môi trường để thu gom và xử lý chất thải rắn phát sinh, bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc chương trình quan trắc, giám sát chất lượng môi trường hàng năm và chế độ thông tin, báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Kết quả đo đạc, phân tích mẫu môi trường qua các đợt thanh tra cơ bản nằm trong giới hạn cho phép theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Thời gian qua, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường, Ban quản lý KKT đã ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, hướng dẫn thực hiện đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Ban quản lý cũng đã chỉ đạo các đoàn thể tổ chức hoạt động ra quân làm vệ sinh môi trường tại các KKT, KCN; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường… Nhờ đó, nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các KKT, KCN ngày càng được nâng cao.

Hàng năm, Ban quản lý KKT đều tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường theo kế hoạch chung của tỉnh. Đồng thời, Ban quản lý phối hợp với các đơn vị tư vấn có chức năng thực hiện quan trắc giám sát chất lượng môi trường tại các KKT, KCN trên địa bàn với tần suất giám sát 4 lần/năm; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kết quả giám sát chất lượng môi trường.

Trong số các KCN trên địa bàn tỉnh, KCN Tây Bắc Đồng Hới hiện là khu vực có lượng chất thải lớn với 15 dự án đang hoạt động thuộc các ngành nghề chế biến gỗ, sản xuất ván ép, sản xuất bê tông ly tâm và bê tông thương phẩm, chiết nạp ga, gia công may mặc…

Với tính chất của các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động, nguồn phát sinh nước thải công nghiệp tại đây chủ yếu là từ các cơ sở sản xuất bê tông thông qua công đoạn vệ sinh dụng cụ, bảo dưỡng các cấu kiện bê tông đúc sẵn và từ lò hơi các cơ sở sản xuất gỗ, ván ép, bao bì…

Kèm theo đó là chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt và từ hoạt động sửa chữa máy móc thiết bị. Bình quân, khu vực này có tổng lượng nước thải 2.278,1m3/tháng; tổng chất rắn thông thường 1.935,496 tấn/năm; tổng chất thải nguy hại 4,68 tấn/năm.

Tuy nhiên, nhờ tuân thủ các yêu cầu về xử lý chất thải nên kết quả quan trắc môi trường định kỳ năm 2017 tại KCN Tây Bắc Đồng Hới cho thấy, chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước dưới đất đều đạt giới hạn Quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Riêng đối với mẫu nước thải tại một số doanh nghiệp vẫn còn một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép của QCVN 40: 2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.

Không chỉ riêng KCN Tây Bắc Đồng Hới, kết quả giám sát và thanh tra công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN còn cho thấy hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã thực hiện nghiêm túc, đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường; thực hiện cơ bản đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Trong các KCN đã hoạt động, hiện có KCN cảng biển Hòn La đã được đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất giai đoạn 1 là 500m3/ngày đêm. Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện đấu nối nước thải với hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý.

Tuy đã được quan tâm xử lý, song công tác bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn ngân sách còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật và các hạng mục công trình bảo vệ môi trường chưa được xây dựng đồng bộ gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và bảo vệ môi trường. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị có chức năng hoạt động về xử lý chất thải nguy hại trong khi khối lượng phát sinh chất thải nguy hại tại các cơ sở, doanh nghiệp gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý theo quy định…

Chính vì vậy, nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chuyên môn trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường…

Th.Hải

 

,
.
.
.