Nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn

Cập nhật lúc 10:51, Thứ Bảy, 16/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh ta luôn được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác này vẫn chưa được triển khai đồng đều.

Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh ta khoảng 432 tấn/ngày. Trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý tại TP.Đồng Hới đạt khoảng 88,1%; Lệ Thủy 74,6%; Quảng Ninh 94,3%; Bố Trạch 44,5%; TX.Ba Đồn 74,6%; Quảng Trạch 59,8%; Tuyên Hoá 33,2 % và Minh Hoá 24,3%.

Tuy nhiên, nhìn chung, việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, công tác kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao còn khó khăn. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải; chất thải rắn chủ yếu được xử lý thông qua các bãi chôn lấp.

Đặc biệt, tại khu vực nông thôn, tuy một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải nhưng quy mô nhỏ theo hình thức tổ, đội với phương tiện thu gom khá thô sơ, nơi tập trung rác chật hẹp. Kèm theo đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận dân cư chưa cao, công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện, hoạt động thu gom tại điạ phương thường diễn ra theo tuần, tháng hoặc định kỳ dọn vệ sinh của xã nên chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom.

Cần vận động nhân dân nâng cao ý thức, duy trì tốt hoạt động vệ sinh môi trường tại khu dân cư.
Cần vận động nhân dân nâng cao ý thức, duy trì tốt hoạt động vệ sinh môi trường tại khu dân cư.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng và hướng dẫn thực hiện văn bản về quy trình xử lý và quy hoạch chất thải rắn trong quy hoạch nông thôn mới; tham mưu ban hành điều chỉnh mức phí vệ sinh áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

Đồng thời, tỉnh ban hành các quyết định về quy chế quản lý chất thải rắn tại các đô thị và cụm dân cư tập trung trên địa bàn; phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2012 – 2020 và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải ở khu vực nông thôn; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm quản lý đối với chất thải rắn sinh hoạt ở cấp huyện, xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tổ chức, cá nhân hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Từ định hướng cụ thể của tỉnh, các sở, ngành liên quan cũng phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện việc lập điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích thành phần tư nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, duy trì tốt hoạt động vệ sinh tại khu dân cư, thực hiện đổ thải đúng nơi quy định, quy hoạch các điểm đầu mối tập kết rác thải để thuận tiện trong việc vận chuyển đi xử lý, phù hợp với yêu cầu bảo vệ cảnh quan môi trường; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác vệ sinh môi trường tại địa phương.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, hàng năm, đơn vị đã có các chương trình phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Định kỳ, Sở Tài nguyên - Môi trường đều ban hành các văn bản chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở về công tác quản lý chất thải rắn; phối hợp với Tổng cục Môi trường thanh tra các đơn vị xử lý rác thải tập trung...

Tuy nhiên, quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn không phải là việc “một sớm một chiều” với tất cả các địa phương, do đó, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cần phải kiểm soát chặt chẽ nguồn rác thải phát sinh; kiện toàn bộ máy thực thi công tác bảo vệ môi trường các cấp; bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ cao và trên hết là tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường nói chung và chất thải rắn nói riêng...

T.H

 

 


 

,
.
.
.