.

Hiến kế giúp Quảng Bình phát triển

.
09:23, Chủ Nhật, 10/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hơn 150 nhà khoa học, chuyên gia trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ… đã tham gia cuộc tọa đàm vào ngày 8-6, nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018), tổ chức tại Trung tâm hội nghị Thành ủy TP. HCM với chủ đề “Hiến kế xây dựng Quảng Bình-quê hương Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, theo sáng kiến của cộng đồng những người con Quảng Bình làm báo tại TP. HCM.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Xuân Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo của các sở: Công thương, Kế hoạch-Đầu tư, Tài nguyên-Môi trường, Ngoại vụ, Ban quản lý Khu kinh tế  cùng lành đạo các huyện: Minh Hóa, Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy đã tham dự tọa đàm.

(QBĐT) - Hơn 150 nhà khoa học, chuyên gia trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ… đã tham gia cuộc tọa đàm vào ngày 8-6, nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2018), tổ chức tại Trung tâm hội nghị Thành ủy TP. HCM với chủ đề “Hiến kế xây dựng Quảng Bình-quê hương Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, theo sáng kiến của cộng đồng những người con Quảng Bình làm báo tại TP. HCM.
Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tướng Mai Xuân Vĩnh, nguyên Phó đô đốc, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, phát biểu tham gia tọa đàm.

Phát biểu tại phiên khai mạc, đồng chí Hoàng Đăng Quang cho biết, Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do hậu quả của các cuộc chiến tranh và thiên tai liên tục, nguồn thu eo hẹp. Để nhanh chóng xóa đói giảm nghèo và phát triển, trong những năm qua, tỉnh đã nỗ lực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi mức tối đa theo quy định hiện hành của Nhà nước và đặc biệt khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng, điện, chế biến nông - lâm - thủy sản, du lịch, sản xuất chế biến hàng xuất khẩu, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản, thủ công mỹ nghệ và vận tải biển...

Tham gia tọa đàm, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cho biết, góp phần đầu tư vào Quảng Bình nói riêng và các tỉnh miền Trung nói riêng là tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài nhằm giúp giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ và đó cũng là cách để thể hiện tấm lòng của các doanh nhân đối với vùng đất còn nhiều khó khăn sau chiến tranh.

Theo ông Peter Hồng, điều phấn khởi là trong những năm qua, chính quyền các địa phương ở khu vực này đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí không chính thức. Dù vậy, vẫn đang thiếu những dự án qui mô có tính chất đòn bẩy để tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế của khu vực này. Chính vì thế, địa phương cần nỗ lực hơn trong việc gắn kết với nhà đầu tư, đặc biệt sớm thông tin về những vấn đề liên quan qui hoạch, định hướng cụ thể về các mục tiêu trong phát triển.

Là chuyên gia trong lĩnh vực cây trồng, tiến sĩ Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây điều Việt Nam (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho hay, là người con Quảng Bình nên ông rất quan tâm đến việc tìm hiểu những cây trồng phù hợp với tập quán canh tác cũng như tình trạng khô hạn, bão của nhiều vùng quê ở Quảng Bình, đặc biệt các vùng đồi núi của các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa…

Ông Khanh kể để góp phần vào việc nâng cao năng suất và sản lượng sắn của tỉnh Quảng Bình từ 70,1 tạ (năm 2001) lên 176,3 tạ/ha (tăng 151%), ông đã nghiên cứu, chuyển giao 2 giống sắn cao sản KM94 và KM140 và quy trình kỹ thuật thâm canh sắn bền vững, được nông dân nhiệt tình đón nhận và áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao (hầu hết diện tích sắn của tỉnh được trồng bằng hai giống KM94 và KM140).

Nhằm không ngừng nâng cao năng suất và sản lượng cây sắn đồng thời thử nghiệm cây trồng mới trong kịch bản biến đổi khí hậu đang xảy ra, Tiến sĩ Trần Công Khanh giới thiệu thêm giống sắn mới KM419 đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận giống tại Quyết định 85/QĐ-BNN-TT ngày 13-1-2016, đồng thời đề nghị tỉnh thử nghiệm một số giống điều mới và Quy trình kỹ thuật thâm canh điều có thể thích nghi với sinh thái Quảng Bình trên những vùng đất khó khăn về nước tưới để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Tiến sĩ Trần Công Khanh khẳng định Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây điều Việt Nam cam kết tận tình hỗ trợ nông dân Quảng Bình trong việc chuyển giao giống và kỹ thuật.

Là chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, ông Dương Minh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CBT, nhấn mạnh với đặc điểm của khu vực miền Trung, Quảng Bình cần quan tâm hơn nữa đến mô hình du lịch cộng đồng (homestay) phát triển và đã mang lại nhiều cơ hội cải thiện đời sống cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các cộng đồng dân tộc thiểu số. Homestay ở Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều điểm phải khắc phục nếu muốn hướng tới sự phát triển chuyên nghiệp và bền vững.

Tham luận của ông Dương Minh Bình với nhiều số liệu thuyết phục và hình ảnh minh họa đúc kết từ thành công từ nhiều mô hình homestay đã được Công ty CBT triển khai thành công ở các địa phương như Đồng Tháp, Lào Cai, Lai Châu… đã được nhiều đại biểu quan tâm.

Chuyên gia về lĩnh vực dược liệu, ông Trần Văn An, Tổng Giám đốc Công ty CP MeKong Herbals, đề nghị nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình đang chú trọng phát triển cây dược liệu ở vùng đồi núi là rất phù hợp, tuy nhiên tỉnh cần hướng các địa phương vào việc trồng và chế biến dược liệu sạch để tiếp cận thị trường thế giới. Cùng với đó, ông An đề nghị tỉnh nên tổ chức những khu trình diễn hoặc trưng bày dược liệu của tỉnh, kiểu như phố Hải Thượng Lãn Ông ở TP. HCM để du khách có điều kiện tiếp cận và giảm thiểu chi phí quảng bá.

Tiến sĩ Đinh Văn Hạnh, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. HCM, lưu ý yếu tố con người trong quá trình phát triển kinh tế ở những vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống như Quảng Bình. Theo ông Hạnh, Quảng Bình là vùng đất hội tụ nhiều nhân vật lịch sử, văn hóa phi vật thể như Hò khoan Lệ Thủy... đều có thể là những yếu tố có thể tập trung nghiên cứu để tạo điểm nhấn và sự phong phú trong định hướng phát triển du lịch.

Đồng chí Nguyễn Xuân Quang và các nhà đầu tư ký cam kết trong việc sớm triển khai việc đầu tư 3 dự án
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các nhà đầu tư ký cam kết trong việc sớm triển khai việc đầu tư 3 dự án.

Nhiều ý tưởng và giải pháp trong phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp bền vững trong điều kiện thời tiết và địa hình, thổ nhưỡng đặc trưng của Quảng Bình đã được các chuyên gia và nhà khoa học chia sẻ.
Ngay tại tọa đàm, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Quang và các nhà đầu tư đã ký cam kết trong việc sớm triển khai việc đầu tư 3 dự án, gồm: khu du lịch sinh thái tắm bùn và chợ đêm tại khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, dự án khu du lịch - nghỉ dưỡng vùng ven biển Quảng Bình.

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Hoàng Đăng Quang bày tỏ sự cảm ơn của cán bộ và nhân dân tỉnh nhà trước sáng kiến của các nhà báo là con em của tỉnh đang công tác tại các cơ quan báo chí ở TP. HCM, đồng thời hoan nghênh các học giả, chuyên gia, nhà đầu tư đã đóng góp giúp tỉnh những ý tưởng, đề xuất thiết thực.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Quảng Bình sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư sớm thực hiện các ý tưởng đầu tư tại Quảng Bình. Đặc biệt đối với những dự án hướng đến môi trường bền vững, giải quyết công ăn việc làm cho lao động và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, du lịch và dịch vụ.

Nhân dịp này, các doanh nghiệp cũng đã chung tay đóng góp để hỗ trợ sinh viên nghèo là con em Quảng Bình, Làng SOS Quảng Bình, quà tặng 80 nữ chiến sĩ hiện còn sống của Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng và hoạt động từ thiện với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng.

Lương Duy Cường
 

,