Bứt phá với năng lượng sạch

Cập nhật lúc 10:54, Thứ Bảy, 16/06/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - "Hãy biến gió Lào, nắng trưa Quảng Bình thành năng lượng để bứt phá" là một trong những thông điệp mà tỉnh ta đem đến Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình sắp diễn ra vào tháng 7-2018. Quảng Bình vốn được biết đến là miền quê có đặc trưng khí hậu khắc nghiệt, mùa hè nắng gắt, nền nhiệt cao, kèm theo đó là những cơn gió Lào khô hanh, nóng rát. Những điều tưởng chừng như bất lợi này lại là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để Quảng Bình phát triển năng lượng tái tạo, giải pháp quan trọng trong quá trình chống biến đổi khí hậu, mang lại những cơ hội và lợi ích kinh tế mới.

Tiềm năng phát triển

Với diện tích 8.065 km2, đường bờ biển kéo dài khoảng 115 km, Quảng Bình có tiềm năng về đất đai, cường độ bức xạ, số giờ nắng trong năm, tốc độ gió... để phát triển các dự án năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió.

Hồ Phú Vinh (TP. Đồng Hới) là một trong những điểm có thể phát triển dự án điện mặt trời.
Hồ Phú Vinh (TP. Đồng Hới) là một trong những điểm có thể phát triển dự án điện mặt trời.

Theo kết quả đo từ các cột đo gió của Công ty Cổ phần điện gió B&T và Công ty Tân Hoàn Cầu thì vận tốc gió vùng ven biển huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy bình quân từ 5,5 - 6,0 m/s, vùng núi (khu vực bãi Dinh, xã Dân Hóa thuộc huyện Minh Hóa) từ 6,2 - 7 m/s.

Theo đánh giá của Công ty UPC Renewable, nhà đầu tư với hơn 21 năm kinh nghiệm đầu tư các dự án điện gió tại: Mỹ, Trung Đông, Trung Quốc, Philippin, Trung Quốc, Indonesia..., các chỉ số gió ở Quảng Bình rất tốt để phát triển dự án.

Cũng theo một nhà đầu tư khác là ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Công ty Tân Hoàn Cầu, nhà đầu tư rất thành công với dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 1 - 30 MW tại Quảng Trị, tiềm năng gió Quảng Bình rất tốt, không chỉ vận tốc gió trung bình khá cao mà hướng gió rất ổn định, đây là điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện gió.

Ngoài ra, do vị trí địa lý nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu, chế độ nhiệt của Quảng Bình thể hiện tính chất nhiệt đới gió mùa, với một nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm. Theo số liệu của NASA và NREL, lượng bức xạ tổng cộng năm ở tỉnh Quảng Bình giao động trong khoảng 1.256,04 - 1.418,86 kWh/m2/năm; số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 - 1.820 giờ, cường độ bức xạ trung bình ngày theo tháng và năm khoảng 4,545 kWh/m2/ngày.

Chính sách ưu đãi hấp dẫn

Với những tiềm năng có được, hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang lập Quy hoạch phát triển khoảng 1.000 MW điện mặt trời và 800 MW điện gió. Khu vực phát triển các dự án dự kiến sẽ tập trung ở vùng cát ven biển các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy và vùng đồi núi thuộc huyện Minh Hóa.

Ngoài khu vực trên, tỉnh Quảng Bình có một số hồ có diện tích lòng hồ khá lớn, có thể phát triển các dự án điện mặt trời, như: hồ Vực Tròn (khoảng 400 ha), hồ Phú Vinh (khoảng 180 ha), hồ Rào Đá (khoảng 570 ha), hồ Cẩm Ly (khoảng 320 ha), hồ An Mã (khoảng 550 ha).

Tại hội nghị Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018, do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Đà Nẵng ngày 5-3-2018, đồng chí Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định, Quảng Bình sẽ rộng cửa đón các nhà đầu tư đến phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình sẽ áp dụng mức ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư được quy định trong Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Tổng quan quy trình đầu tư dự án điện mặt trời/điện gió.
Tổng quan quy trình đầu tư dự án điện mặt trời/điện gió.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình có những ưu đãi riêng đối với việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND, như: giảm 50% số tiền ký quỹ so với mức chung; doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định hiện hành; hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng cho chi phí giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng thực hiện đường giao thông từ trục đường chính đến hàng rào dự án; hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng thực hiện đường điện, hệ thống cấp thoát nước đến hàng rào dự án; hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng chi phí đào tạo lao động.

Để rút ngắn thời gian tiếp cận dự án cho các nhà đầu tư, hiện tại, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Công thương thực hiện lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời, điện gió tỉnh Quảng Bình. Theo đó, quy hoạch sẽ phân vùng các khu vực tiềm năng phát triển các dự án, dự kiến rõ quy mô công suất, đất đai, phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia...

Với những quyết tâm đó, tỉnh Quảng Bình rộng cửa chào đón các nhà đầu tư có năng lực biến gió Lào, nắng trưa Quảng Bình thành năng lượng, thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh.

Điện gió và điện mặt trời được đánh giá là năng lượng sạch, được khuyến khích phát triển và được xem là năng lượng của tương lai, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hoá thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường.

Việc đầu tư các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo quy hoạch là phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25-11-2015 và phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016.

Lê Mai-Thái Hưng


 

                                                                              

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                       

                         
 


 

,
.
.
.