.

Rộng cửa đón mùa du lịch 2018

.
12:49, Thứ Bảy, 05/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, thời gian qua, Bố Trạch đang ngày càng khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Quê hương di sản đã khởi động mùa du lịch năm 2018 với những hoạt động đầy ấn tượng, để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách thập phương.

Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Trần Quang Vũ khẳng định, ngành du lịch Bố Trạch đang từng bước phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của địa phương. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục phát huy thế mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, tuyến, điểm du lịch đã có thương hiệu, như: khám phá 1.500m vào động Phong Nha, động Tiên Sơn, Rào Thương - hang Én, Sơn Đoòng, tuyến du lịch đu dây Zipline, khám phá sông Chày-hang Tối…, trong năm 2017, Bố Trạch đã phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị du lịch khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách lưu trú dài ngày hơn.

Người dân Bố Trạch hào hứng tham gia các lễ hội trong mùa du lịch 2018.
Người dân Bố Trạch hào hứng tham gia các lễ hội trong mùa du lịch 2018.

Các tuyến du lịch mới được triển khai, gồm: khám phá hang Đại Ả, hang Over, hang Pygmy, tộc người Vân Kiều-khe Nước Lạnh-hang Văn Công, hang Rục Cà Roòng; tìm hiểu văn hóa tộc người Arem, Ma Coong và tour du lịch khám phá Sơn Đoòng với lộ trình mới 4 ngày 3 đêm...

Cùng với đó là du lịch cộng đồng homestay, farmstay đang ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt, các mô hình Chày Lập Farmstay, Jungle Boss homestay, Nguyen Shack homestay,… đã thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế, vừa mang lại lợi ích chung cho cộng đồng địa phương, vừa tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của huyện đến với du khách. Hiện nay, đã có hơn 30 nhà nghỉ cộng đồng hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch và Hưng Trạch.

Bố Trạch còn chú trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội văn hóa độc đáo, điều chỉnh các hình thức tổ chức mà không làm mất đi ý nghĩa truyền thống, như: lễ hội đua thuyền trên sông Son, sông Lý Hòa, lễ hội đập trống của người Ma-Coong, hát tuồng bội của người dân Khương Hà, múa bông, chèo cạn của các xã vùng biển; các lễ hội ẩm thực tương ứng với từng khu vực, địa phương trên địa bàn huyện.

Những hoạt động đó đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tham gia, tạo không khí vui tươi, sôi nổi và thân thiện, góp phần quảng bá, giới thiệu đặc trưng văn hóa truyền thống của người dân Bố Trạch đến với bạn bè khắp mọi nơi.

Năm 2017, Bố Trạch đã đón và phục vụ gần 760.000 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ; trong đó khách trong nước đạt gần 630.000 lượt (tăng 2%), khách quốc tế trên 129.000 lượt (tăng 50,4%). Tổng doanh thu tại các khu, điểm, tuyến du lịch trên toàn huyện đạt hơn 216,5 tỷ đồng, tăng 31,5% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Ngành du lịch Bố Trạch đang có bước tiến đầy triển vọng, tiếp tục giữ vị trí trong phát triển kinh tế toàn diện của địa phương. Hơn thế, ngành tạo được việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động trên địa bàn nhờ có những chính sách định hướng đúng đắn của huyện. Từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức thành công các sự kiện mang tính thường niên, đã sẵn sàng cho mùa du lịch mới, như: lễ hội đập trống của người Ma Coong, hội chợ xuân…

Mới đây nhất, nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 và Ngày Quốc tế Lao động 1-5, tại xã Sơn Trạch, huyện đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống, hội thi cá trắm sông Son và lễ hội ẩm thực di sản, thu hút du khách khá mạnh mẽ. Trong chuỗi các hoạt động đó, có nhiều trò chơi dân gian diễn ra, như: thi ném rìu vào lửa, thi vớt rong, thái chuối, kéo co. Đặc biệt, hội thi cá trắm sông Son năm nay với các nội dung: bắt cá nhanh, so cá to... tạo sự chú ý và làm hài lòng du khách thập phương.

Ông Lê Văn Lê, du khách đến từ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, vui vẻ cho biết: "Đến thăm Quảng Bình hôm nay, may mắn được hòa mình vào các lễ hội bên dòng sông Son, tôi như được sống lại với tuổi thơ và cảm xúc thật dạt dào khó tả.

Bởi ngày tôi còn nhỏ, ở xã Vạn Hóa quê tôi cũng có đua thuyền, sau này bị mai một dần rồi không còn nữa, tôi thực sự tiếc nuối. Nếu còn thời gian cho chuyến đi chơi lần này, tôi vẫn chọn nơi đây, được ở lại miền quê này để tiếp tục khám phá các hang động mà tôi mới được nghe kể và chỉ nhìn thấy trên báo chí thời gian qua".

Theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, để tiếp tục phát huy thế mạnh, tạo dấu ấn cho khách du lịch trong nước và quốc tế, thời gian tới, Bố Trạch sẽ nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và tạo dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn du khách.

Theo đó, huyện đầu tư nâng cao chất lượng du lịch ẩm thực, các tuyến tham quan trên cơ sở khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của địa phương, như: du lịch văn hóa-di sản, du lịch về nguồn... Huyện cũng phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị du lịch xây dựng nhiều tuyến du lịch mới, như: du lịch nghiên cứu địa chất, các tour du lịch mạo hiểm...

Ngày hội trên sông Son.
Ngày hội trên sông Son.

Huyện tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp phát triển mô hình du lịch cộng đồng (homestay, farmstay) gắn với sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc trên địa bàn, tập trung tại các thôn: Trằm Mé, Chày Lập, Bàu Sen, Bồng Lai, Hà Lời, Phong Nha và bản Arem... Qua đó, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là ở vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đồng thời, huyện chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với việc phát huy và giữ gìn các giá trị văn hóa phi vật thể, như: lễ hội cầu ngư, múa bông chèo cạn, bài chòi Phú Trạch, tuồng bội Khương Hà, lễ hội đua thuyền, hội thi cá trắm trên sông Son, lễ hội đền Nghe và tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, như: làng rượu Gia Hưng, làng nón lá Mỹ Trạch, làng hải sản khô Nhân Trạch, Đức Trạch...

"Hiện, huyện cũng mong có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch với các làng nghề và khuyến khích nhân dân trên địa bàn mở rộng sản xuất các sản phẩm đặc sản vùng miền vừa nhằm lưu giữ các giá trị truyền thống, vừa phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Bố Trạch sẽ xây dựng chiến lược liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, đặc biệt là các địa phương phụ cận, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch có năng lực đầu tư xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch với việc liên kết khai thác các giá trị tài nguyên du lịch trên địa bàn", Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Vũ cho biết thêm.

Hương Trà


                                                                                     
 


 

,