.

Những "cú hích" giảm nghèo từ Nghị quyết 30a-Bài 2: "Bệ phóng" giúp dân giảm nghèo

.
08:20, Thứ Hai, 07/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong gần 10 năm triển khai Nghị quyết 30a tại Minh Hóa, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện đáng kể. Trước năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn cũ) bình quân mỗi năm giảm từ 7 đến 8%. Tổng lực các giải pháp, nguồn lực từ Nghị quyết 30a được ví như “bệ phóng” vững chắc để phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Một ngày như mọi ngày, ông Hồ Ka ở bản Ka Oóc, xã Trọng Hóa lại lên với diện tích rừng gia đình mình nhận khoanh nuôi, bảo vệ. Ông phấn khởi trò chuyện với những người khách miền xuôi: “Nhờ giữ rừng cộng đồng mà mình có thêm nguồn thu nhập, lửa trong nhà lúc nào cũng đỏ, cái bụng lúc nào cũng no. Bây giờ không còn đói cơm, thiếu áo như lúc trước mô.

Từ khi nhận rừng, rừng cộng đồng trên địa bàn ngày càng phát triển tốt vì toàn dân đều chăm rừng, yêu rừng!”. Trong 4 xã biên giới huyện Minh Hóa, xã Trọng Hóa có trên 2.000 ha rừng được chuyển giao cho cộng đồng dân cư quản lý và riêng bản Ka Oóc được giao 107 ha rừng. Trung bình mỗi hộ dân trong bản nhận bảo vệ khoảng 3 ha rừng.

Trong phạm vi Nghị quyết 30a, vấn đề hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân là nội dung ưu tiên hàng đầu. Giống như Hồ Ka, hàng nghìn hộ dân Minh Hóa đều được nguồn vốn Nghị quyết 30a hỗ trợ từ nhu cầu bức thiết nhất là nhà ở, lương thực sau đó là tạo vốn vay phát triển kinh tế, chăm sóc bảo vệ rừng, xuất khẩu lao động...

Các mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay thuộc Nghị quyết 30a ở huyện Minh Hóa.
Các mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay thuộc Nghị quyết 30a ở huyện Minh Hóa.

Bắt đầu từ năm 2010, 361 hộ đồng bào hai xã Dân Hóa, Trọng Hóa nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng với kinh phí 450 triệu đồng. Giai đoạn 2013- 2016, diện tích rừng giao cho cộng đồng dân cư bảo vệ lên đến 25.148 ha, nguồn vốn phân khai 32.982 triệu đồng.

Đến cuối năm 2016, có 7.727 hộ dân tham gia nhận khoán rừng trên diện tích 34.665 ha. Nhờ giao rừng cho người dân chăm sóc, bảo vệ nên diện tích rừng tăng lên đáng kể, rừng được bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, độ che phủ rừng Minh Hóa cao nhất tỉnh, đời sống nhân dân từng bước cải thiện.

>> Bài 1: Nguồn lực từ Nghị quyết 30a

Một trong những nét đặc thù của Nghị quyết 30a là thực hiện hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo các thôn, bản vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa tại 4 xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa.

Từ năm 2009 đến 2017, có 12.670 lượt hộ nghèo, 56.629 lượt nhân khẩu nhận trợ cấp lương thực với hai hạn mức 5 tháng mỗi năm và 6 tháng mỗi năm. Tổng số lương thực cấp phát 4.597 tấn, nguồn kinh phí trên 44 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý, giúp người nghèo hưởng thụ các thiết chế văn hoá, thông tin cũng được quan tâm. Riêng đối với chính sách trợ giá tiền điện hộ nghèo, giai đoạn 2011-2016, có 31.556 lượt hộ nghèo được nhận trên 11.316 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Đoàn Phúc Hạnh nhận xét rằng: “Việc hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc tại bốn xã biên giới được triển khai kịp thời, đúng chính sách, đúng đối tượng. Qua đó, góp phần giải quyết khó khăn về lương thực cho bà con, tạo niềm tin vững chắc đối với Đảng, Chính phủ nói chung và Nghị quyết 30a nói riêng”.

Hàng chục tỷ đồng đầu tư thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù khởi đầu từ những vấn đề thiết thực, cấp bách nhất tại huyện Minh Hóa bằng việc rà soát, quy hoạch, xây dựng, phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, khai hoang, phục hóa, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo định hướng thị trường hàng hóa. Nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo giúp khai hoang thêm 50 ha đất hoang ở hai xã Minh Hóa và Hóa Phúc cho 106 hộ dân tham gia sản xuất. Hàng chục hộ dân khác trong huyện phục hóa lại diện tích đất bỏ hoang trước đây, đưa vào canh tác.

Trên 25 tỷ đồng là số tiền hỗ trợ 8.550 hộ dân chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao cho. Trong đó, các cấp, ngành và chính quyền cơ sở định hướng, tạo điều kiện, khuyến khích nhân dân trồng cây cao su, hồ tiêu, ngô, lúa, lạc chất lượng cao; nuôi bò lai Sind, nhím, lợn rừng, ong lấy mật, lợn lai, lợn móng cái, gà, dê...

Các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư hình thành, bước đầu mang lại hiệu quả tại các xã, như: mô hình đậu xanh ở Hồng Hóa, Tân Hóa, Minh Hóa; mô hình trồng cây na dai tại Hóa Tiến, Yên Hóa, Trung Hóa; mô hình nuôi gà đẻ trứng tại Quy Hóa, Hóa Hợp, Yên Hóa. Chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo trên địa bàn huyện tạo nên những chuyển biến tích cực.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Đinh Hương Cảnh tại thôn Kiều Tiến, xã Yên Hóa, một trong hàng trăm mô hình kinh tế thành công nhờ Nghị quyết 30a. Năm 2014, ông Cảnh nhận trồng 400 gốc na dai trên diên tích 4.000m2. Phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc... được cán bộ khuyến nông hỗ trợ thêm và hướng dẫn tận tình. “Nguồn vốn 30a cho gia đình tôi 40 triệu đồng thí điểm trồng cây na dai. Qua một thời gian chăm sóc, cây phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết. Đến nay, cây đã cho thu hoạch và từng bước giúp gia đình cải thiện đời sống”, ông Đinh Hương Cảnh chia sẻ.

Chính sách tín dụng, ưu đãi đối với hộ nghèo từ Nghị quyết 30a thực sự trở thành “bà đỡ” cho người nghèo. Từ năm 2009-2017, tại Minh Hóa có 4.588 lượt hộ nghèo vay 5 triệu đồng/hộ, lãi suất 0%, thời gian 2 năm để phát triển chăn nuôi, doanh số cho vay 24.668 triệu đồng. Chương trình cho vay xuất khẩu lao động giải ngân 8.201 triệu đồng cho 320 lượt đối tượng vay.

Đồng hành trên chặng đường giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực mở rộng giúp các đối tượng vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Chi nhánh đã cho 8.137 hộ gia đình vay, tổng số vốn trên 383 tỷ đồng. Hoạt động vay vốn theo Nghị quyết 30a luôn được các ngân hàng ưu tiên giải quyết nhanh gọn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, góp phần giúp doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết 30a tại huyện Minh Hóa, chính sách xuất khẩu lao động được xác định là khâu đột phá. Toàn huyện có trên 2.000 lao động đăng ký sơ tuyển. Sau tuyển chọn, 500 lao động được đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng và có 262 lao động xuất cảnh qua một số thị trường, như: UAE, A-rập Xê-út, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc...

Tuy nhiên, kết quả chính sách xuất khẩu lao động không đạt như mong muốn. Bàn về nguyên nhân, ông Đinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động được triển khai sâu rộng đến các thôn, bản, tiểu khu và người lao động. Nhưng, từ cuối năm 2010 đến nay, tình hình suy thoái kinh tế, chính trị bất ổn ở một số thị trường truyền thống; sức khỏe và trình độ ngoại ngữ, tay nghề lao động Minh Hóa chưa đáp ứng nhu cầu thị trường một số nước, tâm lý người lao động không muốn đi xa, sợ rủi ro.

Một số đơn vị tuyển dụng lao động được Cục quản lý lao động ngoài nước giới thiệu đến huyện tuyển dụng lao động chưa tạo lập niềm tin trong nhân dân về tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động… Do đó, chỉ tiêu xuất khẩu lao động nước ngoài không đạt kế hoạch”.

Bằng những giải pháp thiết thực, hiệu quả từ “bệ phóng” Nghị quyết 30a, cuộc chiến xóa đói giảm nghèo huyện Minh Hóa đã “gặt hái” những kết quả vững chắc. Nếu như năm 2011, toàn huyện có 7.282 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 65,43% thì đến cuối năm 2015 còn 23,74% (theo chuẩn nghèo cũ), hàng năm bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt từ 7 đến 8%. Nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn huyện giảm từ 44,17% năm 2015 xuống 39,54% năm 2017, tỷ lệ giảm bình quân 4,44%, bảo đảm bền vững so với mục tiêu giảm nghèo 4% mà Nghị quyết 30a đề ra…

Thanh Long-Xuân Vương


                                                                                             
 

,